Những người chậm chân khi bỏ lỡ một khoản lợi nhuận không nhỏ trước kia phải chăng cũng giống như NĐT đang quay lưng hoặc chờ đợi thị trường lúc này?
Rất nhiều người sẽ cho rằng, đây là một sự so sánh không có cơ sở vì mỗi thời kỳ, nền kinh tế lại có những vấn đề khác nhau. Tuy nhiên, trên TTCK, các NĐT lão luyện đã đúc rút một quy luật được viết trong rất nhiều ấn phẩm nổi tiếng, đó là lịch sử luôn lặp lại vì bản chất con người không thay đổi. Hay nói cách khác, cảm giác tiếc nuối vì không tham gia thị trường trong giai đoạn đầu tăng điểm chắc chắn sẽ lặp lại trong tương lai đối với không ít NĐT.
Nếu tham gia thị trường lúc này, bạn được xem là người bắt dao rơi, đó là một vị thế nguy hiểm bởi đến thời điểm này, chưa ai bắt được chuôi của con dao Index. Nhiều lần bắt không trúng sẽ khiến NĐT mất niềm tin vào thị trường và quan trọng hơn là mất niềm tin vào chính mình! Còn nếu không tham gia, nếu cứ sợ hết cái này đến cái kia với suy nghĩ "điều tồi tệ nhất chưa xảy ra" thì đến khi hết sợ, bạn cũng để vuột mất không ít cơ hội tìm kiếm lợi nhuận từ Index!
Hiện nay, nỗi sợ mất tiền có lẽ đang lấn át nỗi sợ phải tiếc nuối trong tương lai. Đối với NĐT nhỏ, nỗi sợ này là đương nhiên, vì nếu để mất những đồng tiền ít ỏi còn lại trong thời điểm này thì dẫu thị trường sau này có lên, NĐT cũng chỉ biết đứng nhìn. Họ phải có biện pháp bảo hiểm cần thiết, dẫu hy sinh một phần lợi nhuận.
Tuy nhiên, đối với NĐT trường vốn thì lại là câu chuyện khác. Họ chắc chắn sẽ không giải ngân hết trong thời điểm hiện tại và cũng khó có thể "chết" như NĐT nhỏ, đánh canh bạc "bắt đáy". Nhưng khi VN-Index đã xuống mức rất thấp như hiện nay, trong khi thị trường luôn có những cổ phiếu tốt, có thể bật mạnh trở lại sau khủng hoảng thì có lẽ các NĐT này cần lưu tâm.
Đây là một cơ hội tốt để tham gia thị trường, nhưng chữ "tốt" ở đây đi kèm với điều kiện NĐT phải có một chiến lược cụ thể. Trước tiên, cần xác định đúng thực lực của DN, dựa vào các báo cáo kiểm toán và phân tích của bản thân. Điều quan trọng hơn là xác định được mức giá mục tiêu sau khi hoàn thành việc giải ngân.
Khi xác định giải ngân, NĐT phải đứng trước một tình huống là có thể ngay ngày hôm sau, giá cổ phiếu sẽ giảm và rất nhiều người nói rằng bạn đã sai lầm. Tuy nhiên, trên TTCK người ta vẫn kiếm được rất nhiều lợi nhuận, ngay cả khi sai 4 và đúng chỉ có 1, điều quan trọng là phải luôn hướng số 1 đó bằng chiến lược rõ ràng ngay từ đầu.
Một NĐT sẽ có nhiều quyết định sai lầm trong toàn bộ quá trình đầu tư của mình, tuy nhiên đã đến lúc chúng ta nên coi việc mất tiền khi bỏ lỡ cơ hội cũng phải có độ "xót" tương đương với việc mất tiền vì sợ thị trường chưa đến đáy.