Các công ty quản lý quỹ đang cố gắng tìm hướng đi mới cho công ty
Công ty TNHH MTV Quản lý quỹ Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank Capital) thay Chủ tịch HĐQT. Theo đó ông Trần Minh Bình, hiện đang là lãnh đạo thuộc công ty mẹ Vietinbank, về thay cho nguyên Chủ tịch là ông Nguyễn Anh Tuấn.
Ông Trần Minh Bình, hiện đang là Giám đốc Khối kinh doanh vốn và thị trường kiêm Trưởng phòng Thị trường vốn của Vietinbank, theo thông báo của Vietinbank Capital, sẽ là người đại diện theo pháp luật của Vietinbank Capital kể từ ngày 5/12.
Sự thay đổi này diễn ra khá chóng vánh khi mà ông Tuấn mới lên vị trí Chủ tịch được 9 tháng, vào ngày 5/3, kiêm nhiệm đồng thời vị trí lúc đó của ông Tuấn là Tổng giám đốc. Đến tháng 4/2013, Công ty miễn nhiệm vị trí Tổng giám đốc của ông Tuấn và đến tháng 12/2013, miễn nhiệm cả vị trí Chủ tịch.
Vị trí Tổng giám đốc của Công ty hiện nay vẫn khuyết. Ông Vũ Đức Mạnh được bổ nhiệm quyền Tổng giám đốc Công ty hơn 6 tháng nay, kể từ 1/4/2013.
CTCP Quản lý quỹ Đầu tư Sài Gòn - Hà Nội (SHF) lại có sự bổ nhiệm kiểu khác: hai Phó tổng giám đốc đương nhiệm cùng được bổ nhiệm thêm chức vụ ở cấp thấp hơn. Ông Lưu Nguyễn Chí Nhân và ông Nguyễn Ngọc Nghị cùng được bổ nhiệm thêm chức vụ Giám đốc đầu tư kể từ ngày 3/12, thay thế cho hai nhân sự trước đó. SHF từ chối bình luận về sự bổ nhiệm này.
Tuy nhiên, việc bổ nhiệm ngược này có thể liên quan đến việc giảm nhân sự của Công ty. Theo báo cáo tài chính của SHF, tổng số cán bộ của Công ty đã giảm từ 22 người hồi cuối năm 2011, xuống 17 người vào thời điểm cuối năm 2012 và tiếp tục giảm xuống 15 người vào giữa năm nay.
Việc thay đổi nhân sự cấp cao trong ngành quản lý quỹ diễn ra suốt từ cuối năm 2010, tiếp diễn đến cuối năm 2013, thậm chí được dự báo còn thay đổi mạnh trong thời gian tới. Chỉ riêng từ đầu năm tới nay, có ít nhất 6 công ty thông báo thay đổi nhân sự cấp Tổng giám đốc hoặc cấp Hội đồng quản trị. Nguyên nhân chính do có sự thay đổi nhân sự trong nội bộ và ít nhất 2 công ty đổi nhân sự do đổi chủ đầu tư. Trong số này, có những công ty đã thay đổi nhân sự cấp cao nhiều hơn 1 lần trong năm như FPT Capital hay Vietinbank Capital.
Mặc dù việc thay đổi nhân sự có thể không liên quan trực tiếp đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của công ty quản lý quỹ, nhưng rõ ràng, tại những công ty có hoạt động kinh doanh bất ổn thì biến động nhân sự diễn ra thường xuyên hơn.
Trong hai trường hợp nêu trên, SHF đang chật vật với tình trạng thua lỗ kéo dài. Đến 30/6/2013, Công ty ghi nhận lỗ lũy kế 2,5 tỷ đồng so với con số lợi nhuận chưa phân phối 86 triệu đồng hồi đầu năm. Doanh thu hoạt động quản lý quỹ đã giảm một nửa, từ 2,2 tỷ đồng xuống 1,3 tỷ đồng, trong khi doanh thu hoạt động tài chính giảm gần 80%, từ 2,4 tỷ đồng xuống còn 500 triệu đồng. Đến nay, sau 5 năm hoạt động (ra đời năm 2008), Công ty chưa lập được quỹ đầu tư nào, mà chủ yếu hoạt động trong mảng quản lý danh mục ủy thác đầu tư.
Vietinbank Capital mặc dù vẫn ghi nhận lãi, nhưng số lãi này trồi sụt bất thường, do công ty quản lý quỹ này phụ thuộc đến hơn 90% vào hoạt động tài chính - gồm chủ yếu là tiền gửi và đầu tư chứng khoán, vốn dĩ không phải là hoạt động lõi của Công ty.
6 tháng đầu năm nay, Vietinbank Capital công bố lợi nhuận sau thuế tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái, lên 33,6 tỷ đồng, nhờ doanh thu tài chính tăng vọt. Tuy nhiên, sang quý III, Công ty đột ngột báo lợi nhuận sau thuế giảm tới 90% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống 1,5 tỷ đồng, do doanh thu hoạt động tài chính sụt giảm mạnh.
Cũng trong tình trạng có sự thay đổi nhân sự mạnh có QLQ FPT, QLQ An Bình, QLQ Thăng Long, QLQ Sao Vàng, QLQ Đối tác toàn cầu - những DN đã vật lộn suốt nhiều kỳ báo cáo với tình trạng lỗ nặng. Một số công ty đang tạm thời cải thiện kết quả kinh doanh sau khi thay đổi nhân sự, như QLQ An Bình và QLQ Thăng Long.
“Ngành quản lý quỹ khó khăn, khiến nhân sự của ngành ngày càng mỏng. Chúng tôi ở lại cố gắng tìm hướng mới cho Công ty, nhưng không dám chắc chắn khả năng thành công”, lãnh đạo của một trong các công ty trên chia sẻ.
Về phía nhà quản lý, năm 2013 là năm nhiều văn bản pháp quy cho phép mở ra các hình thức quỹ mới (quỹ ETF, quỹ bất động sản…) được ban hành. Tuy nhiên, bao giờ khối công ty QLQ tận dụng được điều kiện pháp lý này để vực dậy và phát triển vẫn là một câu hỏi lớn trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế vĩ mô.