Nhà đầu tư đòi hỏi các doanh nghiệp phải công bố thông tin đầy đủ, minh bạch, chính xác

Nhà đầu tư đòi hỏi các doanh nghiệp phải công bố thông tin đầy đủ, minh bạch, chính xác

“Bão” mùa kiểm toán

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) “Chiến thần số liệu”, “bậc thầy tính toán”… là ví von của nhà đầu tư đối với những doanh nghiệp có biến động mạnh về kết quả kinh doanh trong mỗi kỳ báo cáo tài chính soát xét hay kiểm toán được công bố và năm 2023 cũng không ngoại lệ.

Lợi nhuận tăng ít, giảm nhiều, thậm chí lỗ lớn

Trong mùa báo cáo kiểm toán năm 2023 đang diễn ra, nhà đầu tư liên tục đón nhận thông tin về việc doanh nghiệp A giảm lãi, doanh nghiệp B tăng lãi, có cả doanh nghiệp đang từ lãi trăm tỷ đồng bỗng chuyển thành lỗ lớn sau kiểm toán.

Chẳng hạn, Công ty cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (Gỗ Trường Thành, mã chứng khoán TTF) công bố báo cáo kiểm toán năm 2023 với lợi nhuận sau thuế âm 144 tỷ đồng so với con số lãi 4 tỷ đồng ở báo cáo tự lập, chủ yếu do khoản mục chi phí khác được kiểm toán điều chỉnh tăng từ 8,5 tỷ đồng lên 92 tỷ đồng.

Liên quan đến chi phí, trong năm 2023, Cục Thuế tỉnh Bình Dương thực hiện thanh tra thuế tại nhóm công ty Gỗ Trường Thành cho giai đoạn 2012 - 2022 và ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế và quyết định thu hồi hoàn thuế. Theo đó, nhóm công ty tạm ghi nhận số thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung của các năm trước với số tiền gần 32 tỷ đồng. Đồng thời, tổng các khoản phạt chậm nộp, phạt hành chính và truy thu thuế giá trị gia tăng với số tiền hơn 40 tỷ đồng cũng được hạch toán vào tài khoản chi phí khác trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất.

Với Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (Hòa Bình, mã chứng khoán HBC), số lỗ sau thuế năm 2023 sau khi kiểm toán tăng thêm 333 tỷ đồng so với báo cáo tự lập, lên 1.115 tỷ đồng. Đơn vị kiểm toán đã điều chỉnh tăng giá vốn ở các công ty con và tăng trích lập dự phòng phải thu khó đòi, khiến chi phí quản lý tăng mạnh. Tính đến cuối năm 2023, Hòa Bình có lỗ lũy kế 3.240 tỷ đồng, vượt số vốn điều lệ 2.741 tỷ đồng.

Tương tự, sau kiểm toán, Công ty cổ phần Đầu tư LDG (mã chứng khoán LDG) ghi nhận thêm số lỗ 153 tỷ đồng, nâng mức lỗ năm 2023 lên 527 tỷ đồng, do đơn vị kiểm toán điều chỉnh trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi và dự phòng giảm giá hàng tồn kho so với báo cáo doanh nghiệp tự lập. Ngoài ra, đơn vị kiểm toán cho biết, chưa có cơ sở đánh giá ảnh hưởng hoạt động kinh doanh từ sự việc cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Đầu tư LDG Nguyễn Khánh Hưng bị khởi tố, tạm giam; đồng thời nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của doanh nghiệp liên quan đến việc thực hiện thanh toán, gia hạn hoặc tái cấu trúc các khoản nợ.

Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico, mã chứng khoán HNG) lỗ thêm 49 tỷ đồng năm 2023 sau kiểm toán, tăng lên 1.098,5 tỷ đồng. Đây là năm thứ ba liên tiếp, Công ty thua lỗ.

Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế năm 2023 của Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (Lộc Trời, mã chứng khoán LTG) bị kiểm toán điều chỉnh giảm từ 265 tỷ đồng xuống 16,8 tỷ đồng. Điều này chủ yếu do khoản lãi công ty liên kết giảm 315 tỷ đồng khi loại trừ lãi từ giao dịch giá rẻ do ảnh hưởng của việc xác định giá trị hợp lý tài sản thuần của công ty liên kết tại ngày mua chưa được phản ánh phù hợp trong báo cáo tài chính hợp nhất tự lập (trong tháng 2/2023, Lộc Trời đã hoàn thành đợt mua cổ phần Công ty cổ phần Lương thực Lộc Nhân, nâng tỷ lệ sở hữu lên 49%) và phần loại trừ lãi chưa thực hiện phát sinh từ các giao dịch trong nội bộ Tập đoàn.

Ngược lại, Công ty cổ phần Nông nghiệp BaF Việt Nam (BaF Việt Nam, mã chứng khoán BAF) được kiểm toán điều chỉnh tăng 30% lợi nhuận sau thuế năm 2023, lên 30,3 tỷ đồng, do chi phí lãi vay và chi phí bán hàng giảm so với trước kiểm toán. BAF Việt Nam đã thực hiện việc trích trước một số chi phí dự kiến phát sinh mà tại thời điểm lập báo cáo chưa có hoá đơn chứng từ đầy đủ.

Danh sách biến động lợi nhuận trong mùa kiểm toán năm nay còn có Công ty cổ phần LIZEN (mã chứng khoán LCG), Công ty cổ phần Xây dựng 47 (mã chứng khoán C47), Công ty cổ phần Đầu tư Năm Bảy Bảy (mã chứng khoán NBB), Ngân hàng Phương Đông (mã chứng khoán OCB), Công ty cổ phần Phát triển Khu công nghiệp Tín Nghĩa (mã chứng khoán TIP)…

Giá cổ phiếu giảm và bức xúc của nhà đầu tư

Sai lệch nhỏ có thể do vô tình, nhưng với những sai lệch lớn về lợi nhuận theo hướng giảm, nhiều khả năng là do trước đó doanh nghiệp cố tình ghi nhận con số cao hơn thực tế.

Sau khi kết quả kiểm toán được công bố theo hướng giảm lợi nhuận, thị trường chứng khoán đã phản ánh vào giá cổ phiếu, trong đó mã LDG và LTG giảm khoảng 3%, mã TTF và BAF giảm hơn 6%, mã HBC mất giá hơn 7%...

“Nhờ kiểm toán vào cuộc, nhà đầu tư mới thấy được những cái sai trong báo cáo tài chính doanh nghiệp tự lập. Sai lệch nhỏ có thể do vô tình, nhưng với những sai lệch lớn về lợi nhuận theo hướng giảm, nhiều khả năng là do trước đó doanh nghiệp cố tình ghi nhận con số cao hơn thực tế, nhằm thúc đẩy giá cổ phiếu tăng, giúp một số đối tượng hưởng lợi. Giờ đây, giá cổ phiếu giảm, gây thiệt hại cho không ít nhà đầu tư mua sau, bởi tin tưởng vào các số liệu khả quan do doanh nghiệp tự lập. Cơ quan chức năng cần vào cuộc làm rõ và nghiêm khắc xử phạt các hành vi công bố thông tin sai lệch”, nhà đầu tư D.C.K nói.

Về chế tài đối với hành vi công bố thông tin sai lệch, theo Khoản 5 Điều 42 Nghị định 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, bên cạnh bị phạt tiền, doanh nghiệp còn phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc cải chính thông tin đối với những nội dung đã công bố sai lệch. Trước đây, hình phạt này đã được áp dụng với không ít doanh nghiệp như Công ty cổ phần Đầu tư Sao Thái Dương (mã chứng khoán SJF), Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (mã chứng khoán CII), Công ty cổ phần VKC Holdings (mã chứng khoán VCK)…

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nhận xét, pháp luật đã có chế tài xử phạt các sai phạm trong việc lập báo cáo tài chính, nhưng chưa đủ sức răn đe. Điều này buộc nhà đầu tư phải nhìn vào sức khỏe thực chất, theo dõi sát sao những số liệu đã được kiểm toán của doanh nghiệp để nhận ra những sai sót là vô tình hay cố ý.

Nhìn kỹ hơn về các nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các sai lệch trong báo cáo tài chính tự lập của các doanh nghiệp, bên cạnh những trường hợp doanh nghiệp “ẩn” đi một vài chi phí chưa ghi nhận trong kỳ thì nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ giả định và ước tính của kiểm toán viên trong một số trường hợp cần trích lập dự phòng hàng tồn kho, dự phòng phải thu khó đòi hay dự phòng các khoản đầu tư tài chính. Theo đó, việc nâng cao giám sát hoạt động trong chính doanh nghiệp trở nên quan trọng hơn.

Trong 2 mô hình tổ chức công ty cổ phần theo Luật Doanh nghiệp hiện hành, mô hình một là có ban kiểm soát và mô hình hai là không có ban kiểm soát nhưng có ban kiểm toán nội bộ. Nếu các bộ phận này thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của mình trong doanh nghiệp là thẩm định tính đầy đủ, hợp pháp, trung thực của báo cáo tài chính và đảm bảo tính chính xác, đáng tin cậy của thông tin tài chính thì có thể giúp giảm thiểu những sai sót trong việc lập báo cáo tài chính, gia tăng tính thận trọng, từ đó hạn chế chênh lệch phát sinh trước và sau khi kiểm toán.

Tuy nhiên, nhà đầu tư nên thận trọng với các doanh nghiệp có lợi nhuận bị điều chỉnh mạnh sau kiểm toán nói riêng, doanh nghiệp công bố thông tin sai lệch nói chung, nhất là khi đã từng bị cơ quan chức năng xử phạt.

Tin bài liên quan