Bão lũ và tăng trưởng

Bão lũ và tăng trưởng

0:00 / 0:00
0:00

Bão Molave đã tan, nhưng gây hậu quả nặng nề về người và kinh tế cho các tỉnh miền Trung, kéo theo đó là nỗi lo cho một năm kinh tế khó khăn chồng thêm khó khăn.

Bão Molave, một trong 2 trận bão có cường độ mạnh nhất đổ bộ vào miền Trung trong vòng 20 năm qua, đã tan. Bão tan, nhưng gây hậu quả nặng nề về người và kinh tế cho các tỉnh miền Trung, kéo theo đó là nỗi lo cho một năm kinh tế khó khăn chồng thêm khó khăn.

Kinh tế Việt Nam, đặc biệt là các tỉnh miền Trung, vốn bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi Covid -19, nay lại bị “bồi” thêm những thiệt hại do bão lũ, càng trở nên dễ bị tổn thương hơn.

Do ảnh hưởng của Covid-19, kinh tế nhiều tỉnh miền Trung đã tăng trưởng âm trong những quý đầu năm. Ngay cả Đà Nẵng - một trong những đầu tàu kinh tế của cả nước - cũng được dự báo là sẽ tăng trưởng âm tới 9,26% trong năm nay. Nếu tiếp tục chịu thiệt hại bởi thiên tai, thì suy giảm kinh tế sẽ nặng nề hơn.

Điều đó được nhìn thấy ngay trên từng con phố, từng khu nghỉ dưỡng trải dài khắp các tỉnh ven biển miền Trung. Vốn đã đìu hiu, vắng lặng vì Covid-19, nay thêm cảnh nhà cửa, cây cối, ruộng đồng… tan hoang sau bão lũ, càng thêm xót xa.

Bão chồng lũ, liên tiếp và với cường độ mạnh đã khiến miền Trung suốt trong những ngày qua oằn mình chống chịu với thiên tai, thiệt hại không biết bao nhiêu mà kể. Thương về miền Trung, cả nước đang chung sức ủng hộ người dân chịu thiệt hại vì bão lũ. Trong gian khó, một lần nữa, nghĩa đồng bào được nhân lên gấp bội.

Nhưng câu hỏi đặt ra, đó có phải là một biện pháp bền vững? Vì hầu như năm nào, miền Trung cũng phải gồng mình chống chọi với thiên tai, bão lũ…

Báo cáo về Tăng cường khả năng chống chịu khu vực ven biển do Chính phủ Việt Nam, Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Toàn cầu về giảm nhẹ và phục hồi thiên tai thực hiện, công bố cách đây ít ngày cho thấy, trong khi khu vực ven biển Việt Nam ngày càng phải hứng chịu nhiều thiên tai, bị thiệt hại đáng kể về người và của, thì các biện pháp quản lý rủi ro hiện vẫn chưa đủ.

Rất nhiều con số được đưa ra trong báo cáo này và chắc chắn, sẽ khiến dư luận không khỏi giật mình. Bởi lẽ, dù biết rằng, thiên tai ở miền Trung gây ra thiệt hại nặng nề, nhưng sẽ không ai tưởng tượng được các thảm họa thiên nhiên có thể “thổi bay” hàng tỷ USD tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong thập kỷ tới nếu không có chiến lược tăng cường khả năng chống chịu mới.

Báo cáo này cũng ước tính rằng, có tới 12 triệu người ở các tỉnh ven biển đang phải chịu ảnh hưởng từ nguy cơ của các trận bão lũ nặng nề và hơn 35% nhà ở hiện nằm ở các khu vực ven biển bị xói mòn.

Một con số khác: mỗi năm trung bình có tới 852 triệu USD, tương đương 0,5% GDP và 316.000 việc làm trong các lĩnh vực kinh tế chủ chốt bị ảnh hưởng do nguy cơ lũ lụt ven sông và ven biển.

Định lượng hóa các thiệt hại do bão lũ ở khu vực ven biển cho thấy, hàng năm, kinh tế miền Trung, kinh tế Việt Nam đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến thế nào. Điều này đòi hỏi phải có các giải pháp căn cơ hơn để không chỉ giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, mà còn để cân bằng được rủi ro và cơ hội, giúp các khu vực ven biển Việt Nam có thể tiếp tục là động lực tăng trưởng, đồng thời vẫn đảm bảo khả năng chống chịu với các cú sốc.

Các khuyến cáo đã được đưa ra, rằng Việt Nam cần khẩn trương xây dựng chiến lược tăng cường khả năng chống chịu mới cho vùng ven biển. Đã có một kế hoạch hành động cụ thể thuộc 5 lĩnh vực chiến lược được WB khuyến nghị, trong đó có việc nâng cao năng lực phòng ngừa và ứng phó với thiên tai bằng cách nâng cấp hệ thống cảnh báo sớm, tăng cường năng lực ứng phó của địa phương, cải thiện mạng lưới an sinh xã hội và thực hiện phân bổ ngân sách rủi ro toàn diện…

Tất nhiên, các thông tin vừa đề cập chỉ trong khuôn khổ một bản báo cáo. Nhưng rõ ràng, qua những gì mà miền Trung đang phải gánh chịu hôm nay, đã đến lúc cần thực hiện một cách quyết liệt và khẩn trương các biện pháp để tăng khả năng chống chịu trước thiên tai của từng người dân, của mỗi địa phương và nhìn rộng ra, là của cả nước.

Tin bài liên quan