Các chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng, việc quy định tham gia bảo hiểm bắt buộc trong một chương trình duy nhất là chưa đủ để tạo đột phá. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm vẫn thấp, kể cả ở những đối tượng bắt buộc như tầng lớp lao động chính quy, đồng thời Nhà nước đã tăng mạnh bao cấp cho người cận nghèo.
Tuy được tổ chức thành một đơn vị chi trả duy nhất, nhưng hệ thống bảo hiểm y tế xã hội của Việt Nam vẫn khá phân tán. Báo cáo đề xuất tăng trợ cấp nhằm tiếp tục gia tăng độ phủ bảo hiểm ở các đối tượng cận nghèo và lao động phi chính quy, cũng như khuyến khích mua bảo hiểm cả gia đình.
Thêm vào đó, bảo hiểm y tế toàn dân vẫn còn là một mục tiêu xa vời khi tình trạng người dân tự chi trả khiến chi phí khám chữa bệnh ở mức cao.
Năm 2010, dù gần 60% dân số tham gia bảo hiểm y tế nhưng tỷ lệ tự chi trả trên tổng chi tiêu cho y tế vẫn lên tới 57,6%. Hay tình trạng giá trị bảo hiểm thực sự không tương xứng với đồng tiền bỏ ra là một nguy cơ đối với tính bền vững của hệ thống cũng như mục tiêu thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân…
Khoảng trống còn khá lớn trong bảo hiểm y tế toàn dân cũng là cơ hội để các DN bảo hiểm tiếp cận, khai thác các sản phẩm bảo hiểm liên quan đến sức khỏe. Thực tế, với nhiều người dân, dù đã có bảo hiểm y tế bắt buộc nhưng vì những lý do khác nhau, vẫn muốn có một hợp đồng bảo hiểm tự nguyện với những quyền lợi và dịch vụ tốt hơn.
Chính vì thế, đối với ngành bảo hiểm phi nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe luôn là một trong những nghiệp vụ có doanh thu và tốc độ tăng trưởng cao. Còn đối với khối nhân thọ, những sản phẩm bảo hiểm được thiết kế gắn với những quyền lợi nằm viện, điều trị bệnh… đều là những sản phẩm được ưa chuộng trong thời gian gần đây.
Nhu cầu về bảo hiểm sức khỏe y tế tự nguyện ngày càng lớn cũng khiến các DN bảo hiểm cả nhân thọ và phi nhân thọ tập trung phát triển mạnh phân khúc này. Theo báo cáo của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2014, bảo hiểm sức khỏe đứng thứ 3 so với các nghiệp vụ khác của khối phi nhân thọ với doanh thu ước đạt 2.526 tỷ đồng, tăng trưởng 22%, số tiền bồi thường 1.047 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái, tỷ lệ bồi thường 41% (chưa tính đến dự phòng bồi thường).
Trong khi đó, theo tìm hiểu của Đầu tư Chứng khoán, đối với khối nhân thọ, những sản phẩm bán tốt nhất trên thị trường cũng đều là những sản phẩm có nhiều quyền lợi liên quan đến sức khỏe y tế của khách hàng.
Trong phân khúc này, một cơ hội mới cũng đang mở ra cho các DN bảo hiểm khi Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 63 đưa ra một số giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho các DN.
Việc thực hiện chính sách trên đã tạo ra cơ hội cho các DN nhân thọ, phi nhân thọ bán bảo hiểm cho người lao động, khi người sử dụng lao động được lấy từ chi phí hoạt động kinh doanh của DN đó để mua bảo hiểm với giới hạn tối đa không quá 1 tháng lương bình quân thực tế thực hiện (trước đây bị giới hạn trần tối đa 1 triệu đồng/tháng).
Đây là cơ hội để các DN bảo hiểm phát triển các sản phẩm bảo hiểm như một hình thức phúc lợi, trong đó có các sản phẩm bảo hiểm sức khỏe để bán cho khách hàng DN.
Tuy nhiên, khi khai thác phân khúc này, các DN cũng gặp áp lực lớn, đặc biệt là tình trạng trục lợi bảo hiểm. Ước tính, hàng năm có khoảng 9.000 trường hợp gian lận bảo hiểm được phát hiện, gây thất thoát hàng trăm tỷ đồng của DN bảo hiểm, gián tiếp ảnh hưởng đến quyền lợi bảo hiểm của người dân.
Gian lận trong bảo hiểm liên quan đến các lĩnh vực y tế, sức khỏe cũng ở tình trạng đặc biệt nghiêm trọng. Mặc dù các DN bảo hiểm đã rất nhiều lần kiến nghị với ngành y tế trong việc kiểm soát chặt chẽ thông tin người đến khám chữa bệnh và quy trình quản lý hồ sơ bệnh án, nhưng ngăn chặn những hành vi gian lận này xem ra vẫn là một thách thức không hề nhỏ.