Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong những năm qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và ngành giáo dục - đào tạo đã quan tâm chỉ đạo công tác bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên. Giữa cơ quan bảo hiểm xã hội và cơ quan giáo dục các cấp đã ký kết các chương trình, kế hoạch phối hợp, thành lập Ban chỉ đạo để tổ chức thực hiện công tác bảo hiểm y tế.
Theo đó, số lượng học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế đã tăng dần qua các năm, từ 85% năm học 2013-2014 lên đến 92,5% năm học 2016-2017, tương ứng khoảng 15,9 triệu học sinh, sinh viên có thẻ bảo hiểm y tế.
“Vẫn còn 7,5% học sinh, sinh viên chưa tham gia bảo hiểm y tế. Đây là nhiệm vụ phát triển bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên năm học 2017-2018, phấn đấu đạt 100% học sinh, sinh viên tham gia”, ông Vũ Mạnh Chữ, Phó Ban Thu Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết.
Cũng theo ông Chữ, có nhiều nguyên nhân khiến học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế chưa đầy đủ, một phần trong đó là do nhận thức còn hạn chế, chưa hiểu tường tận mục đích, ý nghĩa của việc tham gia bảo hiểm y tế.
“Một số trường bậc đại học chỉ liệt kê số tiền đóng bảo hiểm y tế vào các khoản thu đầu năm mà thiếu đi công tác tuyên truyền, vận động giáo dục ý thức chấp hành pháp luật bảo hiểm y tế. Ngoài ra, tại một số địa phương, sự phối hợp giữa các cơ quan bảo hiểm xã hội và giáo dục chưa chặt chẽ, nên kết quả còn thấp”, ông Chữ chia sẻ.
Để khắc phục khó khăn trên, cũng như hoàn thành kế hoạch đạt tỷ lệ 100% học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế trong năm học này, ông Chữ cho biết, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã đề ra nhiều giải pháp, trong đó có việc tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên đóng phí thuận lợi.
Cụ thể, cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ thực hiện công tác thu phí linh hoạt, giảm nhẹ số tiền đóng góp của phụ huynh học sinh vào đầu năm học. Chẳng hạn, đối với sinh viên mới nhập học, học sinh chuyển cấp, học sinh mới vào lớp 1, cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ thu phí những tháng còn lại của năm 2017.
Đối với học sinh, sinh viên đã thực hiện thu theo năm tài chính thì tiếp tục thực hiện thu vào cuối năm 2017. Phần học sinh, sinh viên phải đóng góp, các trường thu tiền 6 tháng/lần hoặc 1 năm/lần để nộp vào Quỹ Bảo hiểm y tế. Chỉ thực hiện thu phí một lần nếu học sinh, sinh viên có nguyện vọng và tự nguyện đóng. Nếu không, vẫn thu phí 2 lần/năm.
Tuy nhiên, thực tế triển khai có phát sinh một số vướng mắc do quy định chưa phù hợp. Chẳng hạn, đối với trẻ em dưới 6 tuổi chuyển sang học lớp 1, có một số trường hợp ngày sinh sau ngày 30/9. Khi vào lớp 1, nếu thu phí bảo hiểm y tế ngay từ tháng 9 thì quyền lợi của các cháu sẽ bị ảnh hưởng, bởi theo quy định, trẻ em được hưởng chế độ miễn phí bảo hiểm y tế cho đến khi đủ 72 tháng tuổi (6 tuổi). Do đó, cơ quan bảo hiểm xã hội đề xuất các cháu này sẽ được sử dụng bảo hiểm y tế cho đến khi đủ 72 tháng tuổi.
Tương tự, với học sinh lớp 12, trong khoảng thời gian mùa hè từ tháng 5 đến tháng 9, trước khi nhập học ở bậc đại học, thường bị “trống” bảo hiểm y tế. Vì vậy, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã đề nghị cho học sinh lớp 12 được cấp thẻ bảo hiểm y tế đến 30/9, thay vì đến 31/5 (thời điểm kết thúc năm học).
“Các đề xuất đã được gửi tới Bộ Y tế và Bộ Tài chính. Đến nay, Bộ Y tế đã có văn bản trả lời với quan điểm đồng thuận. Hiện tại, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang chờ ý kiến của Bộ Tài chính”, ông Chữ cho hay.
Về mức thu, ông Chữ cho biết, vừa qua, Chính phủ đã nâng mức lương cơ sở lên 1,3 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, do mức lương tăng không nhiều, nên mức đóng thêm tăng rất thấp, chỉ khoảng 2.835 đồng/tháng, cả năm cũng chỉ tăng thêm khoảng 30.000 đồng.
“Mức thu có tăng lên dù không đáng kể, nhưng cũng ít nhiều tác động đến công tác thu. Để đảm bảo công tác thu, các cơ quan bảo hiểm xã hội cần tham mưu cho các địa phương, giao chỉ tiêu thu bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên gắn với trách nhiệm nhà trường. Lấy việc hoàn thành chỉ tiêu thu là một trong những cơ sở để nhận xét, đánh giá thi đua của nhà trường...”, ông Chữ nói.