Bằng một thông báo ngắn gọn trên bản tin của mình, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Hàng không (VNI) mới đây cho biết, Công ty đã vươn lên vị trí Top 1 bảo hiểm xe cơ giới. Theo VNI, trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng doanh thu bảo hiểm gốc VNI đạt gần 1.385 tỷ đồng, tăng trưởng 24,3% và gấp 2 lần tăng trưởng chung toàn thị trường; trong đó, doanh thu nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới đạt 891,4 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 8,3%.
Được biết, VNI đang có cổ đông lớn là Bảo hiểm DBI (thuộc Tập đoàn DB), doanh nghiệp Top 2 thị trường và đứng đầu về bảo hiểm xe cơ giới tại Hàn Quốc.
Đáng chú ý, Bảo hiểm DBI cũng là cổ đông lớn tại Bảo hiểm PTI. Trước khi chủ động tái cơ cấu (năm 2023), chủ động điều chỉnh phí bảo hiểm, tăng phí khoảng 10% so với 2022 và cắt giảm dòng xe có tỷ lệ bồi thường cao, PTI dưới sự hỗ trợ của DBI nhiều năm cũng nắm giữ thị phần số 1 trong phân khúc bảo hiểm này. PTI hiện vẫn trong giai đoạn tái cơ cấu nên không chỉ rời Top 1 thị phần bảo hiểm xe cơ giới mà tổng doanh thu cũng tạm xuống vị trí Top 7 của thị trường (theo số liệu thống kê sơ bộ của Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính trong 5 tháng năm 2024).
Tuy nhiên, theo một số nhìn nhận khách quan, PTI trong giai đoạn này có thể không chạy theo một cuộc đua thị phần nào. Chia sẻ về vị thế của PTI trên thị trường bảo hiểm hiện nay, trong một tài liệu gửi cổ đông, hãng bảo hiểm từng nắm giữ vị trí thứ 3 về thị phần tổng doanh thu của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ cho biết, với mục tiêu chiến lược là kiện toàn quản trị, nhân sự, PTI không đặt ra bài toán tăng trưởng về doanh số trong giai đoạn này (Thời điểm kết thúc năm 2023, PTI đứng thứ 4 về thị phần trong tổng số các công ty bảo hiểm phi nhân thọ trên thị trường).
Quay trở lại câu chuyện bảo hiểm xe cơ giới đang được hâm nóng bởi VNI có thể có những tác động nhất định đến thị trường ở phân khúc này, bởi dù sao bảo hiểm xe cơ giới vẫn là phân khúc béo bở, dễ mang lại tăng trưởng doanh thu nhất của các hãng bảo hiểm đang cần tăng trưởng cũng như cần thị phần.
Được biết, năm qua, bảo hiểm xe cơ giới là một trong những sản phẩm chính của hầu hết các công ty bảo hiểm phi nhân thọ không có sự tăng trưởng về quy mô doanh thu, bao gồm cả bảo hiểm xe cơ giới tự nguyện và bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới. Năm 2023, doanh thu bảo hiểm xe cơ giới toàn thị trường ước đạt 17.754 tỷ đồng, giảm 1,9% so với năm 2022, tỷ lệ bồi thường 52,5%.
Theo số liệu thống kê của Bộ Tài chính, 5 tháng đầu năm 2024, xét theo nghiệp vụ, bảo hiểm sức khỏe chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng doanh thu (doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 11.272 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 34,85%), tiếp theo là bảo hiểm xe cơ giới (doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 7.502 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 23,20%)… Như vậy, dù có tăng trưởng chậm lại nhưng bảo hiểm xe cơ giới vẫn là một trong những nghiệp vụ mang lại doanh thu chủ lực cho các doanh nghiệp.
Cùng với sự hâm nóng của nhân tố mới, phân khúc này được dự đoán sẽ sôi động và cạnh tranh hơn khi có sự tham gia của các dòng xe ô tô điện. Được biết, trong tuyên bố ra mắt thị trường Việt Nam, hãng xe điện BYD của Trung Quốc cho biết sẽ hợp tác với nhiều đối tác bảo hiểm nhằm mang đến các ưu đãi độc quyền về bảo hiểm cho khách hàng của mình.
Nhìn nhận về xu thế phát triển các dòng xe điện, trong một thông tin được đăng tải, Tập đoàn Tái bảo hiểm Swiss Re đã từng nhấn mạnh, “sự phát triển của xe điện có thể làm rung chuyển lĩnh vực bảo hiểm xe hơi và các công ty bảo hiểm xây dựng các mô hình rủi ro dành riêng cho phương tiện mới này”.
Mặc dù các sản phẩm bảo hiểm xe điện đã được các công ty bảo hiểm triển khai vài năm trở lại đây, nhưng sự gia nhập ngày càng nhiều các hãng xe ô tô điện sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển cho dòng sản phẩm bảo hiểm này. Sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp chắc chắn sẽ ngày càng gay gắt, doanh nghiệp nào bắt kịp được các nhu cầu của thị trường sẽ giành được thị phần.