Thời gian qua, mặc dù các hãng bảo hiểm đã chủ động thay đổi cơ cấu nghiệp vụ, tập trung mở rộng các sản phẩm bảo hiểm khác như bảo hiểm chăm sóc sức khỏe, bảo hiểm tín dụng…, song tiềm năng phát triển của bảo hiểm xe cơ giới vẫn được đánh giá cao.
Theo báo cáo thị trường bảo hiểm, nghiệp vụ xe cơ giới trong quý I/2019 đạt tổng doanh thu 3.910 tỷ đồng, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2018 và chiếm 31,23% tỷ trọng toàn thị trường.
Nếu như trước đây, sản phẩm bảo hiểm xe cơ giới chủ yếu được nhà bảo hiểm khai thác từ khách hàng truyền thống là các công ty kinh doanh vận tải và cá nhân sở hữu xe riêng, thì hiện nay, khi công nghệ ngày một phát triển, sự xuất hiện ngày một nhiều các ứng dụng gọi xe như Grab, Go-viet, Be, Fastgo… hứa hẹn sẽ giúp bảo hiểm xe cơ giới mở rộng thêm tệp khách hàng.
Trên thực tế, các ứng dụng gọi xe hoạt động theo mô hình kinh tế chia sẻ (công ty cung cấp ứng dụng giúp kết nối tài xế có xe đang rảnh rỗi với hành khách có nhu cầu đi lại), là sự kết hợp giữa công ty kinh doanh vận tải và cá nhân sở hữu xe riêng. Với sự nở rộ của loại hình vận tải mới này, nhà bảo hiểm có thể triển khai các sản phẩm bảo hiểm xe cơ giới dành riêng như bảo hiểm thân vỏ xe, bảo hiểm tai nạn dành cho tài xế và hành khách đi xe, bảo hiểm hàng hóa...
Chẳng hạn, nhà bảo hiểm có thể trở thành đối tác của các công ty phát triển ứng dụng gọi xe, trực tiếp phối hợp để xây dựng một gói bảo hiểm thân vỏ xe chuyên biệt, với những lợi ích dành riêng cho tài xế cài đặt ứng dụng gọi xe. Với các công ty phát triển ứng dụng gọi xe, có thể mua gói bảo hiểm tai nạn toàn diện dành riêng cho tài xế và hành khách sử dụng dịch vụ của mình thông qua 2 hình thức: Mua bảo hiểm theo từng chuyến xe hoặc mua gói cả năm. Nhà bảo hiểm cũng có thể tiếp cận các công ty phát triển ứng dụng cho thuê xe tải chở hàng (như Logivan) để triển khai gói bảo hiểm hàng hóa…
Mặc dù là sản phẩm bảo hiểm tự nguyện, nhưng với số lượng xe lớn (chỉ riêng Grab đã có khoảng 35.000 đầu xe), rõ ràng, các ứng dụng xe sẽ là "mảnh đất màu mỡ" để khai thác. Trên thị trường, những "phát súng" đầu tiên trong triển khai nghiệp vụ này có thể kể đến như Bảo hiểm Bưu điện (PTI) hợp tác với Be Group để phân phối sản phẩm bảo hiểm cho từng chuyến xe cho ứng dụng Be, hay Grab và Chubb Life Việt Nam trong sản phẩm bảo hiểm gói cả năm.
Ngoài các ứng dụng gọi xe, một số hãng bảo hiểm đang có xu hướng bắt tay với các start-up công nghệ để phát triển các ứng dụng bảo hiểm trực tuyến chuyên biệt. Theo giới quan sát, sự hợp tác này không chỉ giúp 2 bên có thể tận dụng tối đa những lợi thế của nhau, mà quan trọng hơn là đem lợi nhiều lợi ích hơn cho khách hàng.
Đơn cử, vào cuối năm 2018, PTI đã ký kết hợp tác chiến lược với CTCP Inso Việt Nam triển khai bán bảo hiểm trực tuyến trên ứng dụng INSO. Theo đại diện PTI, với ứng dụng này, không chỉ mua bảo hiểm hoàn toàn online, mà khi xảy ra sự kiện bồi thường, khách hàng có thể tự chụp hình ảnh xe bị hư hại bằng ứng dụng để tiến hành các thủ tục bồi thường theo quy trình có sẵn trên điện thoại di động, không mất thời gian đi lại như với bảo hiểm truyền thống...
“Trong bối cảnh công nghệ phát triển mạnh mẽ như hiện nay, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ càng đẩy mạnh hơn những sản phẩm bảo hiểm phù hợp với tình hình thực tế, đó có thể là những sản phẩm chi tiết, chuyên biệt như bảo hiểm đưa đón đúng giờ, bảo hiểm vận tải…, tất cả đều nhằm mục đích hướng đến trải nghiệm tốt nhất dành cho khách hàng khi mua bảo hiểm”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm chia sẻ.