Từ trung tuần tháng 7/2020, cửa khẩu Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn bắt đầu áp dụng việc mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới (bảo hiểm bắt buộc) đối với các chủ xe cơ giới là người Trung Quốc có hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu.
Đánh giá ban đầu cho thấy, việc triển khai cung cấp bảo hiểm bắt buộc tại khu vực cửa khẩu Hữu Nghị là chính sách hợp lý, góp phần đảm bảo an ninh trật tự tại cửa khẩu, đồng thời bảo vệ cho quyền lợi của các chủ xe khi không may gặp tổn thất.
Hiện nay, các phương tiện nhập cảnh vào Việt Nam đa phần là các loại xe chở hàng hóa lớn, có trọng tải trên 15 tấn, mức phí phải đóng là 293.000 đồng căn cứ theo quy định tại Thông tư số 22/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính về quy tắc, điều khoản, biểu phí và mức trách nhiệm dân sự bắt buộc của chủ xe cơ giới. Với gói bảo hiểm này, thiệt hại về người và tài sản sẽ được bồi thường lên đến 100 triệu/người/vụ.
Được biết, căn cứ trên Hiệp định Vận tải đường bộ giữa Chính phủ Việt Nam và Trung Quốc, từ năm 2013, phía Trung Quốc đã triển khai chính sách này đối với các chủ xe cơ giới Việt Nam khi nhập cảnh vào Trung Quốc.
Còn với Việt Nam, việc mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đến thời điểm hiện tại chỉ mới thực hiện ở cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, các cửa khẩu còn lại của Lạng Sơn vẫn chưa triển khai.
Cùng với chính sách bán bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới là xe hàng của Trung Quốc vào Việt Nam, việc mua bảo hiểm này tại các cửa khẩu của Lào, Campuchia, Thái Lan cũng đã được quy định cụ thể trong Nghị định thư số 5 về Chương trình bảo hiểm bắt buộc xe cơ giới của ASEAN được các Bộ trưởng Bộ Tài chính ASEAN ký kết ngày 8/4/2001 tại Kuala Lumpur, Malaysia.
Thực tế, lượng xe của Trung Quốc vào Việt Nam nhiều hơn so với các nước khác trong ASEAN, với trung bình khoảng 200 xe mỗi ngày, nên đây được xem là “sân chơi” mới hấp dẫn, được nhiều doanh nghiệp bảo hiểm quan tâm, nhất là trong bối cảnh khai thác ngày càng khó khăn như hiện nay.
Tại các cửa khẩu giữa Việt Nam - Lào, việc tuân thủ mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc khi vào lãnh thổ Việt Nam được đảm bảo, nhưng do lưu lượng phương tiện không lớn nên doanh thu không cao.
Mặc khác, do sản phẩm này liên quan đến yếu tố nước ngoài, có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ song phương với các nước, lại diễn ra ở khu vực quan trọng là cửa khẩu, nên việc triển khai luôn cẩn trọng và có sự phối hợp, giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng.
Theo đó, việc thu phí bảo hiểm của các xe ASEAN và tại cửa khẩu Lạng Sơn trước mắt được giao cho một số doanh nghiệp có uy tín và kinh nghiệm hợp tác với nước ngoài. Sau khi thí điểm thành công thì sẽ mở rộng cho tất cả doanh nghiệp bảo hiểm tham gia.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm cho biết, các công ty bảo hiểm đã sẵn sàng, vấn đề còn lại phụ thuộc vào số lượng xe nhập cảnh vào Việt Nam. Theo vị này, cơ hội tăng doanh thu bảo hiểm cơ giới từ kênh này là có, nhưng sẽ không quá nhiều, quan trọng hơn cả vẫn là từ thị trường xe trong nước.