Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trải qua 25 năm xây dựng và phát triển, BHXH Việt Nam đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong tổ chức thực hiện các chính sách BHXH, BHYT, khẳng định vị thế trong sự nghiệp xây dựng An sinh xã hội của đất nước.
Bên cạnh việc phát triển đối tượng tham gia, chăm lo tốt cho các đối tượng thụ hưởng chính sách, ngành BHXH còn có thành tích nổi bật trong cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, đã cắt giảm 3/4 số thủ tục hành chính và xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử về BHXH, BHYT, đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả tạo thuận lợi, tiết kiệm chi phí cho người dân và doanh nghiệp.
Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với chính sách BHXH, BHYT, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, trong 25 năm qua, các văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có Luật BHXH, Luật BHYT được ban hành, đã không chỉ hoàn thiện các chính sách, quy định chế độ về BHXH, BHYT mà còn là cơ sở pháp lý quan trọng để ngành BHXH phát triển thành một hệ thống, tổ chức và thực hiện các chế độ BHXH thống nhất trên phạm vi cả nước.
Chủ tịch Quốc hội tin tưởng, với những thành tích đã đạt được, BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục gặt hái nhiều thành công trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ chia sẻ, một trong những thành tựu của ngành BHXH ấn tượng đó là, trong vài năm gần đây, số người tham gia BHXH tự nguyện đã gia tăng nhanh chóng, hướng tới phát triển hệ thống chính sách BHXH đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc.
Theo ông Huệ, trước khi Nghị quyết số 28-NQ/TW ban hành, cả nước chỉ có khoảng 280 nghìn người tham gia BHXH tự nguyện. Sau gần 02 năm triển khai Nghị quyết, cùng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, toàn quốc đã có hơn nửa triệu người tham gia, tăng gấp đôi so với năm 2018 và bằng 10 năm thực hiện chính sách BHXH tự nguyện từ năm 2008. Đây là một kết quả minh chứng cho sự nỗ lực đáng ghi nhận của ngành BHXH.
Trong khi đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đánh giá, công tác thực hiện chính sách BHYT những năm qua có nhiều điểm mới mang tính đột phá.
Nếu như 5 năm trước, tỷ lệ bao phủ BHYT của nước ta là dưới 70% dân số, đến nay con số này đã đạt gần 90%. Đây là kết quả rất đáng trân trọng của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức ngành BHXH.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam, sau 25 năm hình thành và phát triển, quỹ BHXH đã trở thành quỹ an sinh lớn nhất, hoạt động theo nguyên tắc đóng - hưởng, được chia sẻ giữa những người lao động cùng thế hệ và giữa các thế hệ tham gia BHXH. Diện bao phủ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp ngày càng được mở rộng. Quỹ BHXH, BHYT luôn được bảo toàn và tăng trưởng, được quản lý sử dụng hiệu quả, đúng quy định của pháp luật.
BHXH Việt Nam nhận Giải thưởng Thành tựu của Hiệp hội ASXH Thế giới (ISSA)
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết, năm 2019, có thể nói, hầu hết các hộ dân tộc thiểu số, người dân tộc thiểu số đã có thẻ BHYT. Điều đó góp phần khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của BHXH Việt Nam và sự phối hợp chặt chẽ giữa BHXH Việt Nam với Ủy ban Dân tộc trong việc đảm bảo quyền lợi BHYT cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Quân đánh giá cao sự hợp tác và phối hợp của ngành BHXH trong thực hiện các mục tiêu phát triển hệ thống an sinh xã hội; trình Trung ương, Chính phủ, Quốc hội để hoàn thiện hệ thống thể chế và pháp luật liên quan đến BHXH.
Còn theo góc nhìn của các chuyên gia quốc tế, Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế Việt Nam Chang - Hee Lee chia sẻ, BHXH Việt Nam được thành lập trong giai đoạn đầu của thời kỳ đổi mới đất nước cho thấy, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã có tầm nhìn dài hạn về xây dựng hệ thống an sinh xã hội trong một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa năng động.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và khu vực, Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH được ban hành, đánh dấu bước chuyển biến quan trọng mang tính đột phá trong việc đưa hệ thống pháp luật của Việt Nam đến gần hơn với các tiêu chuẩn quốc tế như Khuyến nghị của ILO về sàn an sinh xã hội và các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc.
Với Trưởng Đại diện của Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam Kidong Park, trong 25 năm qua, chính sách BHYT đã từng bước được hoàn thiện, số người tham gia tăng nhanh, quyền lợi của người tham gia ngày càng được mở rộng.
Về mức độ bao phủ các dịch vụ y tế thiết yếu cho toàn dân số, Việt Nam đã thực hiện tốt hơn so với một số các quốc gia khác trong khu vực nhờ có một hệ thống cơ sở y tế rộng khắp và hệ thống BHYT công.