Tiếp tục gia tăng độ phủ BHYT trong cộng đồng là một trong các nhiệm vụ trọng yếu của BHXH Việt Nam

Tiếp tục gia tăng độ phủ BHYT trong cộng đồng là một trong các nhiệm vụ trọng yếu của BHXH Việt Nam

Bảo hiểm xã hội và 7 mục tiêu lớn những tháng cuối năm

(ĐTCK) Một trong số 7 nhiệm vụ được đặt ra từ nay đến cuối năm 2016 của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam là tập trung thực hiện mục tiêu bao phủ bảo hiểm y tế (BHYT) theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là đến năm 2020, cả nước có tối thiểu 90,7% dân số tham gia BHYT.

Tại Báo cáo kết quả hoạt động 7 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 5 tháng cuối năm 2016 của BHXH Việt Nam nêu rõ, để hoàn thành tốt những chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, toàn Ngành phải tập trung thực hiện tốt việc phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan để chủ động triển khai các giải pháp, tổ chức thực hiện có hiệu quả Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Việc làm, Luật Vệ sinh an toàn lao động, Luật Dược (sửa đổi năm 2016), đảm bảo kịp thời các quyền lợi về BHXH, BHYT cho người lao động, ngăn ngừa hành vi lạm dụng, trục lợi, đảm bảo cân đối các quỹ…

“Nhiệm vụ lớn nhất đặt ra từ nay đến cuối năm là tiếp tục đẩy mạnh gia tăng độ phủ BHYT trong cộng đồng dân cư, nhằm thực hiện mục tiêu bao phủ BHYT theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là đến năm 2020, cả nước có tối thiểu 90,7% dân số tham gia BHYT”, đại diện BHXH Việt Nam nhấn mạnh.

Theo Báo cáo, 7 tháng đầu năm, số người tham gia BHXH bắt buộc là 12.406.463 người; bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là 10.574.309 người, BHXH tự nguyện là 192.340 người và BHYT là 72.990.801 người, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT 79,2% dân số. Về số tiền phí thu được, 7 tháng đầu năm, toàn Ngành thu 133.023,9 tỷ đồng (chưa tính 233,8 tỷ đồng tiền thu lãi chậm đóng BHXH, BHYT), hoàn thành 56,58% kế hoạch Chính phủ giao phó và tăng 16,3% (18.690,3 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm 2015.

Nhiệm vụ thứ 2 là tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, với trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý. Trong đó, tập trung xây dựng và hoàn thiện các phần mềm nghiệp vụ, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung, hoàn thành việc lập danh sách hộ gia đình tham gia BHYT và vận hành tốt Hệ thống thông tin giám định, thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT; phấn đấu hoàn thành việc tin học hóa các hoạt động của Ngành theo đúng lộ trình, nhất là các hoạt động liên quan đến phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Trước đó, nhằm huy động nguồn lực từ cộng đồng, xã hội vào công cuộc cải cách thủ tục hành chính, đồng thời tuyên truyền phổ biến sâu rộng chế độ chính sách BHXH, BHYT, BHTN vào cuộc sống, BHXH Việt Nam đã tổ chức cuộc thi “ Sáng kiến cải cách thủ tục hành chính, giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN”. Phát biểu tại lễ trao giải cuộc thi được tổ chức mới đây, ông Trần Đình Liệu, Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, cuộc thi đã thành công ngoài mong đợi, với sự tham gia dự thi của đông đảo cá nhân và tổ chức (hơn 60.000 bài dự thi), đặc biệt là các cá nhân, tổ chức nước ngoài (chiếm 90% tổng số bài dự thi). Các sáng kiến, ý tưởng đạt giải sẽ được áp dụng một cách hiệu quả nhất vào thực tiễn cải cách thủ tục hành chính của toàn Ngành.

Trong 2 nhiệm vụ tiếp theo, BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Thanh tra Chính phủ thực hiện giám sát việc thi hành pháp luật về BHXH của các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động trên cả nước. Cùng với đó là việc chủ động theo dõi, nắm bắt tình hình nợ đọng, trốn đóng BHXH, BHYT của các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động, qua đó cung cấp cho các tổ chức công đoàn để khởi kiện, hoặc đề nghị cơ quan chức năng khởi tố theo quy định của pháp luật.

Được biết, tính đến 31/7/2016, tổng số nợ BHXH, BHYT phải thu là 13.934,5 tỷ đồng, tăng 1.123,9 tỷ đồng so với số nợ tại thời điểm 30/6/2016, chiếm 6,4% kế hoạch giao thu (cùng kỳ năm 2015, tỷ lệ nợ so với kế hoạch giao thu là 6,3%).      

3 nhiệm vụ còn lại trong 7 nhiệm vụ tới cuối 2016 của BHXH Việt nam là:

- Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền theo hướng chuyên nghiệp hóa cả về nội dung và phương thức tiếp cận người tham gia, nghiên cứu các hình thức tuyên truyền phù hợp với từng nhóm đối tượng, phát huy vai trò của các cơ quan truyền thông, báo đài…, nhằm giúp người dân, doanh nghiệp hiểu được quyền và nghĩa vụ về BHXH, BHYT và tự giác tham gia;

- Chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh, phối hợp với các sở, ngành liên quan triển khai thực hiện nhiều giải pháp phát triển đối tượng; thu đúng, đủ, kịp thời, chống tồn đọng; giải quyết đầy đủ, kịp thời quyền lợi về BHXH, BHYT cho người lao động, người có thẻ BHYT; thực hiện các biện pháp nhằm kiểm soát việc gia tăng chi phí bất thường, bất hợp lý, ngăn ngừa hành vi lạm dụng, trục lợi Quỹ Khám chữa bệnh BHYT;

- Kiện toàn tổ chức bộ máy phù hợp với quy định tại Nghị định số 01/2016/NĐ-CP của Chính phủ; xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các quy định thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHTN, BHYT của cơ quan BHXH theo Nghị định số 21/2016/NĐ-CP ngày 31/3/2016 của Chính phủ.

Tin bài liên quan