BHXH Việt Nam cho biết, từ đầu năm đến nay, cơ quan này đã tích cực triển khai công tác thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch; tính đến 15/9/2019 đã thanh tra, kiểm tra 18.078 đơn vị, trong đó 6.575 đơn vị được thanh tra chuyên ngành, 7.519 đơn vị được kiểm tra và 3.984 đơn vị được thanh tra, kiểm tra liên ngành.
Qua thanh tra, kiểm tra, cơ quan BHXH phát hiện nhiều hành vi vi phạm như chưa đóng hoặc đóng thiếu thời gian phải tham gia BHXH, đóng không đúng đối tượng, mức đóng không đủ theo quy định...
Cơ quan có thẩm quyền đã ban hành 609 quyết định xử lý vi phạm hành chính, tổng số tiền phạt là 27,9 tỷ đồng.
Đáng chú ý, tổng số tiền các đơn vị được thanh tra, kiểm tra nợ là 2.171 tỷ đồng, trong và sau quá trình thanh tra, kiểm tra, các đơn vị này đã nộp 1.461 tỷ đồng, đạt tỷ lệ trên 67%. Điều này cho thấy nhiều doanh nghiệp cố tình chây ì, cố tình nợ phí BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm tự nguyện (BHTN).
Thậm chí, tại Quảng Ninh, sau khi BHXH Quảng Ninh chuyển hồ sơ 7 doanh nghiệp nợ đọng BHXH kéo dài sang Cơ quan Cảnh sát điều tra để truy tố theo quy định của pháp luật, thì một số doanh nghiệp mới trả nợ.
Ông Đào Việt Ánh, Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, nợ đọng, trốn đóng BHXH ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người lao động.
Thời gian qua, BHXH đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng trong phòng chống tội phạm, xử lý vi phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN.
Tuy nhiên, các hành vi nợ, trốn đóng và gian lận vẫn gia tăng. Đến cuối tháng 7/2019, số tiền nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN là trên 6.000 tỷ đồng, với hơn 55.000 đơn vị nợ đọng và đối tượng bị tác động là hàng trăm nghìn người lao động.
Nhiều trường hợp doanh nghiệp có khả năng tài chính nhưng vẫn chây ì, không trả nợ BHXH. Các doanh nghiệp nợ BHXH với số tiền lớn, tập trung chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng, giao thông vận tải, bưu chính - viễn thông.
Công tác thu hồi, giảm thiểu nợ đọng BHXH đã được xác định là nhiệm vụ quan trọng của cơ quan BHXH trong những năm qua.
Để thúc đẩy hiệu quả công tác thu hồi nợ đọng, BHXH Việt Nam đã áp dụng các giải pháp như đôn đốc các đơn vị sử dụng lao động, thu ngay khi đơn vị có dấu hiệu chậm đóng, một số cơ quan BHXH địa phương còn cử riêng cán bộ theo dõi tình hình doanh nghiệp, đốc thúc doanh nghiệp trả nợ.
Cơ quan BHXH cũng tiến hành thanh tra, kiểm tra, xử phạt, kết hợp với công khai danh sách các doanh nghiệp nợ BHXH. Biện pháp này có hiệu quả tích cực, tỷ lệ thu hồi đạt trên 50% tổng số nợ trước khi thanh tra, kiểm tra.
Ngoài ra, gần đây, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành Nghị quyết 05 hướng dẫn áp dụng Điều 214 (tội gian lận BHXH, BHTN), Điều 215 (tội gian lận BHYT), Điều 216 (tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động), Bộ luật Hình sự.
Ông Đào Việt Ánh nhận xét, Bộ luật Hình sự đã bổ sung các tội danh liên quan BHXH, tạo ra cơ sở pháp lý cho việc xử lý trách nhiệm hình sự các hành vi vi phạm, phần nào đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn và công tác đấu tranh phòng chống các tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm.
Tuy nhiên, thời gian qua, do chưa có hướng dẫn của cơ quan tố tụng nên việc chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra không đạt kết quả như mong muốn.
Nghị quyết 05 đã tháo gỡ được các vướng mắc như hướng dẫn cụ thể các tình tiết hành vi vi phạm, quy định tư cách tham gia quá trình tố tụng của BHXH, xác định không hồi tố đối với vi phạm xảy ra trước 0h ngày 1/1/2018 (thời điểm Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực), hướng dẫn quy trình, trình tự thủ tục hồ sơ chuyển sang cơ quan điều tra.
Với việc hoàn thiện hành lang pháp lý, ông Đào Việt Ánh cho rằng, thời gian tới, việc xử lý hành vi vi phạm pháp luật có dấu hiệu hình sự trong lĩnh vực BHXH cũng như việc thu hồi nợ đọng sẽ có chuyển biến tích cực.
Trước mắt, cơ quan BHXH tập trung tăng cường công tác thanh tra chuyên ngành, thanh tra đột xuất tại các đơn vị, doanh nghiệp nợ đọng BHXH, BHYT, nhằm đảm bảo việc tuân thủ pháp luật, thu hồi nợ đọng.