Buổi đối thoại được tổ chức với mong muốn những quy định của Luật bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung được thực thi một cách nghiêm túc, đầy đủ, đảm bảo sự khách quan, công bằng giữa các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, không phân biệt công lập hay tư nhân, vì quyền lợi của người dân khi tham gia bảo hiểm y tế.
Nhiều cơ sở y tế tư nhân thiếu minh bạch
Theo Phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Phạm Lương Sơn, sau hơn 2 năm thực hiện, những quy định sửa đổi, bổ sung của Luật bảo hiểm y tế đã đem lại nhiều quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế trên phạm vi cả nước.
Tuy nhiên, việc thực hiện những quy định đó chưa hoàn toàn suôn sẻ, còn có những vướng mắc, không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh có bảo hiểm y tế mà cả đối với nghĩa vụ, trách nhiệm và lợi ích của các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, trong đó có các cơ sở y tế tư nhân.
Việc đối thoại chính sách pháp luật với mong muốn các nhà quản lý lắng nghe tất cả các ý kiến của các đại diện các bệnh viện, phòng khám tư nhân, nhất là những vấn đề bất cập để nhanh chóng sửa đổi, hướng tới thực hiện hiệu quả chính sách bảo hiểm y tế.
Những vướng mắc xuất phát từ vấn đề chưa hiểu đúng, hiểu đủ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam có trách nhiệm phối hợp với Bộ Y tế, Hiệp hội bệnh viện tư nhân Việt Nam tổ chức hội thảo, tập huấn để tổ chức thực hiện hiệu quả hơn. Những gì thuộc về cơ chế chính sách chưa thông thoáng, cơ quan Bảo hiểm xã hội có trách nhiệm trình Chính phủ, Quốc hội sớm sửa đổi.
Phó trưởng Ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) Vũ Xuân Bằng cho biết, số lượng cơ sở tư nhân ký hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ngày càng tăng.
Năm 2015, cả nước có 365 cơ sở ký hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trong đó phòng khám là 210 cơ sở, bệnh viện tư nhân là 155 (được xếp tương đương bệnh viện hạng 2).
Đến năm 2017, con số này đã là 444 cơ sở, trong đó phòng khám là 292, bệnh viện là 152 (71 bệnh viện tương đương hạng 2, 81 bệnh viện tương đương hạng 3). Hầu hết các tỉnh, thành phố đều có cơ sở khám chữa bệnh tư nhân thực hiện khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Số giường bệnh của các bệnh viện tư nhân phổ biến từ 60 đến 100 giường, một số bệnh viện tư nhân có số giường kế hoạch cao như: Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực (Thanh Hóa) 550 giường, Bệnh viện Đa khoa Cửa Đông (Nghệ An) 250 giường, Bệnh viện Quốc tế Hải Phòng 170 giường…
Theo Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Phạm Lương Sơn, sau hơn 2 năm thực hiện, những quy định sửa đổi, bổ sung của Luật bảo hiểm y tế đã đem lại nhiều quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế trên phạm vi cả nước.
Năm 2015, tổng số lượt khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân là trên 6,5 triệu lượt, với tổng số tiền thanh toán là 2.834 tỷ đồng.
Năm 2016, tổng số lượt khám chữa bệnh bảo hiểm y tế lên đến hơn 16,6 triệu lượt, tăng 255% so với năm 2015, tổng chi phí thanh toán là 6.617 tỷ đồng tăng hơn 233% so với năm 2015.
Riêng trong quý I/2017, số lượt khám chữa bệnh là trên 4,2 triệu lượt và chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế là 1.591 tỷ đồng, ước thực hiện cả năm 2017 là trên 21 triệu lượt và số tiền ước chi trên 7,9 tỷ đồng.
Tại các bệnh viện tư nhân, chi bình quân một đợt khám chữa bệnh ngoại trú là 384.528 đồng, chi bình quân một đợt điều trị nội trú là 3,58 triệu đồng, trong khi đó chi phí bình quân của cả nước là 202.000 đồng/lượt ngoại trú và 2,75 triệu đồng/đợt nội trú.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Tá Tỉnh, Trưởng Ban Dược và Vật tư y tế (Bảo hiểm xã hội Việt Nam), một số tồn tại bất hợp lý trong việc lựa chọn mua sắm sử dụng thuốc và vật tư y tế đã phát sinh do các cơ sở khám chữa bệnh chưa thực sự chú ý quan tâm tới vấn đề chi phí hiệu quả, là một trong các nguyên nhân mất cân đối quỹ khám chữa bệnh được giao.
Bên cạnh đó, một số cơ sở ngoài công lập đã tự tổ chức đấu thầu thuốc nhưng kết quả lựa chọn nhà thầu cũng có nhiều bất cập.
Nhiều cơ sở không tổ chức lựa chọn nhà thầu mà mua thuốc theo quy định của Luật Đấu thầu nhưng việc lựa chọn cũng không hợp lý, đa số không thông báo và phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội trong quá trình mua sắm; mua sắm và sử dụng biệt dược gốc với tỷ trọng cao (trên 20%) và có xu hướng chọn mua thuốc thương mại cùng hoạt chất trúng thầu nhưng giá cao.
Cũng theo ông Tỉnh, việc lựa chọn sử dụng thuốc còn chưa phù hợp, sử dụng thuốc có hàm lượng, dạng bào chế không phổ biến, giá trúng thầu cao.
Phân tích dữ liệu trên hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế, ông Dương Tuấn Đức, Giám đốc Trung tâm Giám định bảo hiểm y tế và thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc cho rằng có tình trạng chỉ định sử dụng dịch vụ quá mức cần thiết, có bệnh nhân xuất hiện hàng ngày liên tục, ngày nào cũng điện châm, chỉ định thuốc như nhau; nhiều tỉnh có tỷ lệ khám chữa bệnh rất cao so với cùng kỳ.
Thống kê có 41 phòng khám và 22 bệnh viện tư nhân không gửi dữ liệu liên thông, thể hiện sự thiếu minh bạch…
Cần có cái nhìn khách quan
Thừa nhận những tồn tại trên là có, đây là điểm yếu trong khối bệnh viên tư nhân, song Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Bệnh viện Hùng Vương - Phạm Văn Học cho rằng cần có cái nhìn khách quan hơn giữa y tế công lập và tư nhân, khi có ý kiến đánh giá hiện tượng trục lợi bảo hiểm y tế có xu hướng tăng lên, đặc biệt trong khối tư nhân. Ông Học lo ngại việc bệnh viện tư phải đối mặt với bài toán xuất toán.
Theo ông Học, tổng mức thanh toán được xác định dựa theo giá trần bảo hiểm y tế. Song, cách tính giá trần của cơ quan Bảo hiểm xã hội chưa thống nhất, mức giá trần được quy định tại cơ sở khám chữa bệnh là không đồng đều, mặt khác việc xác định giá trần khá chậm trễ.
Hiện bệnh viện chưa nhận được thông báo về giá trần được giao nên hoạt động khám chữa bệnh gần như mất tự chủ. Nếu cho bệnh nhân được hưởng quá mức quyền lợi thì bệnh viện thiệt thòi, hạn chế quyền lợi của bệnh nhân quá thì không ổn.
Ông Học cũng băn khoăn với việc sử dụng thuốc trong điều trị bệnh nhân theo hạng bệnh viện; nhiều hồ sơ được giám định viên ký chấp nhận thanh toán nhưng sau đó lại bị xuất toán, “tội vạ đâu bệnh viện chịu là không hợp lý”.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Hiệp hội bệnh viện tư nhân Việt Nam đã ký quy chế phối hợp với mục đích tăng cường cung cấp, trao đổi thông tin, tổ chức các hoạt động phối hợp giữa hai bên nhằm giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc của các cơ sở khám, chữa bệnh là thành viên Hiệp hội
Chủ tịch Hiệp hội bệnh viện tư nhân Việt Nam Nguyễn Văn Đệ cho rằng cơ chế chưa hài hòa, thông tư, nghị định không còn phù hợp, sự phối hợp giữa Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội có một số điểm chưa đồng thuận, kịp thời nên các cơ sở y tế tư nhân còn gặp không ít khó khăn.
Có sự công bằng giữa y tế tư nhân và y tế công lập, phục vụ khám chữa bệnh cho nhân dân được tốt hơn là mong muốn của nhiều đại biểu tại buổi đối thoại.
Tại Hội nghị, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Hiệp hội bệnh viện tư nhân Việt Nam đã ký quy chế phối hợp với mục đích tăng cường cung cấp, trao đổi thông tin, tổ chức các hoạt động phối hợp giữa hai bên nhằm giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc của các cơ sở khám, chữa bệnh là thành viên Hiệp hội trong công tác tổ chức khám chữa bệnh bảo hiểm y tế và thanh, quyết toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, đảm bảo quyền lợi chính đáng của các thành viên Hiệp hội và của người bệnh bảo hiểm y tế.
Theo đó, hai bên chia sẻ thông tin về các văn bản quy phạm pháp luật về bảo hiểm y tế và các quy định chuyên môn về khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; giải quyết các vướng mắc của các cơ sở khám chữa bệnh là thành viên Hiệp hội.