Bảo hiểm xã hội đề xuất tăng mức đóng, giảm mức hưởng

Bảo hiểm xã hội đề xuất tăng mức đóng, giảm mức hưởng

(ĐTCK) Nguy cơ vỡ Quỹ Bảo hiểm xã hội được xác định là do sự bất hợp lý trong quan hệ đóng - hưởng, mức đóng ít, thời gian ngắn so với mức hưởng và việc sửa Luật Bảo hiểm xã hội lần này nhằm mục tiêu đảm bảo cân bằng đóng - hưởng.

Ngày 23/10/2014, Quốc hội thảo luận về Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Các đại biểu đánh giá, sau khi Hiến pháp mới được ban hành, việc sửa đổi Luật Đất đai và Luật Bảo hiểm xã hội là những dự luật được nhiều quan tâm, bởi có ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân.

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội lần này mở rộng đối tượng đóng bảo hiểm thêm 3 nhóm, gồm người lao động làm việc theo hợp đồng thời vụ từ 1 - 3 tháng; cán bộ không chuyên trách ở cấp xã; đối tượng đóng bảo hiểm tự nguyện. Mức đóng cũng được điều chỉnh theo hướng tăng lên. Phí bảo hiểm được tính theo tỷ lệ phần trăm của lương cộng phụ cấp và các khoản thu nhập khác quy định trong hợp đồng lao động, thay vì chỉ bao gồm lương “cứng” như hiện hành.

Trong khi đó, mức lương hưu trí sẽ bị giảm đi với cách tính mới. Hiện có 2 phương án được đưa ra để thảo luận. Theo đó, phương án thứ nhất là điều chỉnh theo lộ trình, từ năm 2018, mức lương hưu hàng tháng được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội trong 15 năm làm việc đối với nữ và 20 năm làm việc đối với nam. Sau đó, cứ thêm mỗi năm làm việc, người lao động được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%. Phương án thứ hai là bắt đầu từ năm 2018, lương hưu được hưởng bằng 45% mức bình quân tiền lương đã đóng trong 16 năm, năm 2019 là 18 năm, 2020 là 19 năm... cho đến năm 2022 là 20 năm. Sau đó, cứ thêm mỗi năm thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ, mức tối đa bằng 75%.

Nhận xét về dự luật này, đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) nói: “Với luật này, người lao động sẽ phải đóng nhiều hơn, mức hưởng hàng tháng giảm đi. Đây là điều không ai muốn, là người lao động tôi cũng không muốn. Nhưng có thực tế phải nhìn nhận, khả năng mất cân đối của Quỹ Bảo hiểm xã hội ngày càng hiển hiện. Với tình trạng hiện nay, trong 10 - 15 năm nữa có thể sẽ vỡ Quỹ”.

Ý kiến các đại biểu cơ bản đồng ý với những nội dung của dự luật. Tuy nhiên, các đại biểu cũng góp ý thêm một số vấn đề để làm sao đảm bảo quyền lợi tốt hơn cho người lao động. Chẳng hạn như với đối tượng là cán bộ không chuyên trách cấp xã, các đại biểu ủng hộ việc đóng bảo hiểm bắt buộc.

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa), Phó chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, người đã tham gia thẩm tra dự luật này từ đầu đến nay chia sẻ rằng, nhiều ý kiến đại biểu rất xác đáng và Quốc hội sẽ xem xét, tiếp thu với tinh thần bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho người lao động.

“Với mục tiêu đến năm 2020, có 50% người trong độ tuổi lao động, tương đương 25 triệu lao động tham gia bảo hiểm xã hội và đảm bảo nguyên tắc đóng - hưởng công bằng, dự luật đã mở rộng đối tượng đóng bảo hiểm xã hội. Về nhóm lao động làm việc theo mùa vụ, hiện có 9,4 triệu người đang làm việc ở cơ sở sản xuất và đó là quan hệ lao động. Nếu không đưa đối tượng này vào diện đóng bảo hiểm bắt buộc là tạo dư địa cho chủ cơ sở sản xuất không ký hợp đồng có thời hạn dài với người lao động.

Theo đại biểu Lợi, nếu cán bộ cấp xã không chuyên trách được hỗ trợ 14% thì cần cân nhắc xem có đảm bảo công bằng với đối tượng trong biên chế ở cấp xã. Luật quy định đối tượng này đóng bảo hiểm trên mức lương cơ sở 1.150.000 đồng/tháng và quy định lương hưu của người nghỉ hưu không thấp hơn mức lương cơ sở. Như vậy là đã đặt sàn an sinh cho người tham gia bảo hiểm.

Với đối tượng thứ ba (tự nguyện tham gia bảo hiểm xã hội), đại biểu Lợi phân tích, hiện có khoảng 37 triệu lao động thuộc nhóm này. Trong đó, 15 triệu người ở khu vực nông nghiệp và 27 triệu người ở khu vực phi chính thức. Nếu Nhà nước hỗ trợ một phần cho khu vực này thì theo kinh nghiệm quốc tế sẽ có khoảng 10% tham gia, tức là 3,7 triệu lao động. Nhờ đó, giảm được gánh nặng cho Quỹ. Bởi hiện nay, có 1,4 triệu người đang được hưởng hưu trí cho người cao tuổi và phải chi 3.700 tỷ đồng mỗi năm.

Về công thức tính lương hưu, đại biểu Bùi Sỹ Lợi cho rằng, cần có phương án tính mới, để đảm bảo cân bằng Quỹ Bảo hiểm xã hội. Đại biểu Lợi dẫn ví dụ về trường hợp ông Nguyễn Minh, nguyên Tổng giám đốc Nhà máy bia Huda (Huế) hiện đang hưởng lương hưu 65 triệu đồng/tháng, cao hơn rất nhiều so với lương Chủ tịch Quốc hội.

“Nếu không tính theo nguyên tắc cân bằng đóng - hưởng thì Quỹ sẽ rất khó khăn. Nhưng chúng tôi muốn kéo giãn lộ trình này để người về hưu trước và sau khi luật mới ban hành không chênh nhau nhiều”, đại biểu Bùi Sỹ Lợi nói.

Tin bài liên quan