2018, thực hiện giao dịch điện tử trên mọi lĩnh vực BHXH
Ông Nguyễn Hoàng Phương, Phó giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin (BHXH Việt Nam) cho biết, trước năm 2015, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành BHXH có tính chất phân tán, gây khó khăn cho công tác quản lý.
Việc giám định hồ sơ thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) phải thực hiện thủ công và chỉ thực hiện được khoảng 20% tổng số hồ sơ đề nghị thanh toán. Các giao dịch với người dân và doanh nghiệp đều phải thực hiện bằng hồ sơ giấy, gây tốn thời gian và nhân lực.
Trước thực trạng này, BHXH Việt Nam đã tập trung tối đa nguồn lực, quyết liệt triển khai cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực BHXH, BHYT một cách đồng bộ, từ việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, cho đến việc tổ chức thực hiện, đặc biệt trong lĩnh vực kê khai, thu, nộp BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tự nguyện.
Tính đến hết năm 2018, BHXH Việt Nam đã triển khai chính thức và vận hành thông suốt toàn bộ hệ thống nghiệp vụ từ Trung ương đến địa phương, bao gồm 63 tỉnh, thành phố, 709 huyện và tất cả các cơ sở y tế; triển khai thực hiện giao dịch điện tử trên tất cả các lĩnh vực.
Về cơ sở dữ liệu, BHXH tiếp tục hoàn thiện, bổ sung, chỉnh sửa dữ liệu để đảm bảo cơ sở dữ liệu không chỉ phục vụ cho ngành BHXH, mà còn phục vụ cho cơ sở dữ liệu quốc gia. Trong năm qua, BHXH đã đưa vào sử dụng mạng WAN (Wide Area Network - mạng diện rộng) từ cấp huyện, tỉnh đến Trung ương để kết nối liên thông.
“Việc kết nối liên thông với các bộ ngành đã ghi nhận một số thành công nhất định. Chúng tôi thực hiện kết nối và chia sẻ dữ liệu với Tổng cục Thuế và đang thực hiện kết nối với Bộ Tư pháp để chia sẻ dữ liệu khai sinh, khai tử, cấp thẻ cho trẻ em dưới 6 tuổi”, ông Phương thông tin.
Đối với hoạt động công nghệ thông tin phục vụ cho người dân và doanh nghiệp, năm 2018, BHXH Việt Nam đã triển khai giao dịch điện tử. Số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 hiện có 19 dịch vụ, với tổng số hồ sơ điện tử đạt kỷ lục 47,72 triệu lượt của đơn vị sử dụng lao động. Các dịch vụ công được triển khai trên hệ thống giao dịch điện tử, cung cấp nhiều tiện ích cho người dân và doanh nghiệp, giảm bớt thời gian, giấy tờ trong quá trình thực hiện.
Ngoài ra, cơ quan BHXH đã đưa vào sử dụng hệ thống phần mềm nghiệp vụ nhằm công khai, minh bạch hoạt động trên môi trường mạng, nâng cao năng lực hiệu quả phục vụ người dân và đơn vị sử dụng lao động.
Đặc biệt, hệ thống thông tin giám định BHYT của ngành đã kết nối tới hơn 12.000 cơ sở khám chữa bệnh BHYT từ tuyến xã đến trung ương trên phạm vi toàn quốc (gần 100%), tiếp nhận hồ sơ khám chữa bệnh điện tử đề nghị thanh toán của hàng triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT với tỷ lệ liên thông dữ liệu hàng tháng đạt trên 95%.
Ưu tiên kết nối, liên thông với các cơ quan khác
Về nhiệm vụ năm 2019, ông Nguyễn Hoàng Phương cho biết, BHXH đặt ra 3 trọng tâm đối với hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin: Thứ nhất, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, triển khai sâu rộng hơn ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động nghiệp vụ; thứ hai, cung cấp tốt hơn các giải pháp liên quan đến hoạt động phục vụ người dân và doanh nghiệp; thứ ba, nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin của cán bộ, trong đó tập trung vào công tác đào tạo.
Đáng chú ý, đối với ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ, BHXH ưu tiên kết nối thông suốt với một số cơ quan. Chẳng hạn, kết nối liên thông dữ liệu với Bộ Tư pháp để chia sẻ thông tin liên quan đến khai sinh, khai tử, cấp thẻ trẻ em dưới 6 tuối..., kết nối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để chia sẻ dữ liệu liên quan quản lý đăng ký kinhdoanh của doanh nghiệp...
“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ kết nối liên thông với Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC) của Ngân hàng Nhà nước để chia sẻ dữ liệu thông tin người tham gia BHXH, BHYT, các đơn vị chậm đóng, nợ BHXH, có hành vi trục lợi BHXH để CIC đưa vào hệ thống tính điểm tín dụng, làm sao để trong điểm tín dụng của một doanh nghiệp có một phần điểm của BHHX Việt Nam”, ông Phương nói.
Đối với hoạt động công nghệ thông tin liên quan đến người dân và doanh nghiệp, năm 2019, BHXH tiếp tục nâng cấp tất cả các dịch vụ hiện đang thực hiện ở mức 2, 3 lên mức 4. BHXH triển khai hệ thống thu nộp và chi trả điện tử để người dân và doanh nghiệp có thể thực hiện hoàn toàn trực tuyến đối với việc thu nộp và chi trả các chế độ BHXH, hạch toán, thanh toán tự động.
Một công tác quan trọng khác là triển khai sâu rộng hơn việc ứng dụng công nghệ thông tin BHXH trong doanh nghiệp. Hiện BHXH đã có giao dịch điện tử, đã thực hiện cải cách trong nội bộ BHXH. Thời gian tới, cơ quan này hướng tới cung cấp nhiều tiện ích hơn nữa cho quá trình kê khai của doanh nghiệp, cũng như cá nhân người lao động tham gia BHXH. Ngoài ra, trên nền tảng đã xây dựng trong thời gian qua, BHXH sẽ triển khai ứng dụng nhiều công nghệ mới hơn như chatbot, big data, ứng dụng một số giải pháp thông minh cho người dân và doanh nghiệp...
Những nỗ lực triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động BHXH đã nhận được đánh giá cao từ các bên liên quan. Trong đó, điểm nhấn rõ nét nhất thể hiện ở báo cáo Xếp hạng môi trường kinh doanh (Doing Business 2018) của Ngân hàng Thế giới (WB). Trong số các chỉ số tăng hạng của Việt Nam, chỉ số Nộp thuế và BHXH tăng hạng nhiều nhất, 81 bậc, đạt vị trí 86/190 nền kinh tế được đánh giá.
Ứng dụng công nghệ thông tin trong BHYT
Người tham gia BHYT chủ động tra cứu quá trình tham gia BHYT, giá trị sử dụng của thẻ BHYT trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam tại địa chỉ ''https://www.baohiemxahoi.gov.vn/tracuu/''.
Hệ thống giám định cung cấp các chức năng hỗ trợ các cơ sở y tế tra cứu thông tin thẻ BHYT, sử dụng máy quét trực tiếp thẻ BHYT (QR code) để tự động nhận thông tin trên thẻ cập nhật vào phần mềm quản lý khám chữa bệnh, giúp giảm đáng kể thời gian chờ khám chữa bệnh của người dân.
Bệnh viện có thể tra cứu, cập nhật thông tin thay đổi đối với các trường hợp gia hạn thẻ, thay đổi quyền lợi theo các quy định mới, hoặc đủ điều kiện miễn cùng chi trả, giúp người bệnh được bảo đảm đầy đủ quyền lợi khám chữa bệnh khi đang điều trị tại bệnh viện.