Hai giai đoạn
Từ ngày 1/12/2018, Nghị định số 143/2018/NĐ-CP ngày 15/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật BHXH và Luật An toàn, vệ sinh lao động về BHXH bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam bắt đầu có hiệu lực.
Chia sẻ thông tin về một số nội dung mới trong Nghị định này, ông Vũ Mạnh Chữ, Phó trưởng ban phụ trách Ban Thu (BHXH Việt Nam) cho biết, người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam khi có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp và có hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 1 năm trở lên thì thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.
Tuy nhiên, có một số trường hợp ngoại lệ nếu người lao động nước ngoài di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp hoặc đã đủ tuổi nghỉ hưu.
Về mức đóng, từ ngày 1/12/2018 đến ngày 31/12/2021, người lao động không phải đóng BHXH bắt buộc. Từ ngày 1/1/2022, người lao động thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc có trách nhiệm đóng bằng 8% mức tiền lương tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Người sử dụng lao động, từ ngày 1/12/2018 đến ngày 31/12/2021, hàng tháng, có trách nhiệm đóng BHXH bắt buộc với mức đóng 3% vào quỹ ốm đau, thai sản; đóng 0,5% vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Từ ngày 1/1/2022, hàng tháng người sử dụng lao động đóng 3% vào quỹ ốm đau, thai sản; đóng 0,5% vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; đóng 14% vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Ngoài ra, Nghị định 143 còn quy định căn cứ vào khả năng cân đối của quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, Chính phủ xem xét điều chỉnh mức đóng 0,5% vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ ngày 1/1/2020.
Đảm bảo quyền lợi người lao động từ các hiệp định song phương
Theo Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh, về cơ bản, việc tổ chức thực hiện chính sách BHXH với người nước ngoài tại Việt Nam chưa có khó khăn, vướng mắc.
Hiện tại, để hỗ trợ người nước ngoài tham gia BHXH tại Việt Nam, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cùng với BHXH Việt Nam đàm phán các hiệp định song phương về BHXH thế hệ mới. Các cơ quan liên quan đang thực hiện đàm phán với các đối tác để vừa xử lý việc tránh đóng trùng, vừa đảm bảo quyền lợi được hưởng của người tham gia BHXH.
Ông Ánh cho biết, Việt Nam đã kết thúc đàm phán lần thứ tư với Hàn Quốc, một trong những quốc gia có nhiều lao động Việt Nam làm việc và ngược lại, cũng có nhiều lao động Hàn Quốc làm việc ở Việt Nam.
Sau khi Nghị định này có hiệu lực, sẽ tiếp tục mở rộng đàm phán với các nước có nhiều lao động Việt Nam sang làm việc để đàm phán về hiệp định song phương về BHXH thế hệ mới, nhằm hỗ trợ chính sách tốt hơn cho người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài.
Khi triển khai Nghị định 143/2018/NĐ-CP, nếu đã có những hiệp định song phương về BHXH, sẽ hỗ trợ rất tốt cho người lao động nước ngoài khi làm việc tại Việt Nam tham gia BHXH. Đây cũng là quyền lợi của lao động người nước ngoài tại Việt Nam được hưởng.
“Khi triển khai Nghị định này, lộ trình thực hiện đã được kéo giãn đến năm 2022 mới thực hiện hai chế độ dài hạn hưu trí, tử tuất. Lý do chính là giúp các doanh nghiệp tham gia BHXH có điều kiện và thời gian thực hiện các chính sách tốt hơn”, ông Ánh nói.