Bảo hiểm Việt Nam đã sẵn sàng cho rating?

Bảo hiểm Việt Nam đã sẵn sàng cho rating?

(ĐTCK) Câu hỏi trên đang đặt ra với DN cũng như cơ quan quản lý khi đến nay Việt Nam mới có 3/57 DN bảo hiểm được xếp hạng quốc tế (rating) từ cùng một tổ chức xếp hạng là A.M.Best.

Đây cũng là chủ đề chính được thảo luận tại hội thảo mới đây về rating. Đang thực hiện đánh giá xếp hạng, mới chỉ có thêm Bảo Việt. Vinare sẽ ký hợp đồng rating với A.M.Best vào quý III năm nay. BIC thì đang trong quá trình mời tổ chức tư vấn để thực hiện rating.

 

Chưa, vì khó!

Một số lãnh đạo DN cho rằng, rating vẫn đang thuộc về/hướng tới các DN bảo hiểm lớn, cũng như hoạt động kinh doanh đòi hỏi bắt buộc có rating như PVI, Vinare, Bảo Việt hay Samsung Vina. Còn với các DN ít hoặc không có hoạt động kinh doanh ở nước ngoài, không đòi hỏi bắt buộc có rating, thì đây vẫn là câu chuyện của tương lai.

Trong khi đó, để chuẩn bị cho rating, các DN phải mất khá nhiều thời gian, công sức..., nhằm đáp ứng được yêu cầu của tổ chức xếp hạng. Chẳng hạn như PVI, mặc dù đã ký hợp đồng rating với A.M.Best từ năm 2007, nhưng đến năm 2010 mới chính thức có kết quả. “Vì sao PVI lại mất nhiều thời gian thế?”, A.M.Best từ chối trả lời chi tiết với lý do bảo mật và chỉ nói chung chung: đó là cả một quy trình nên cần thời gian để đáp ứng.

Hay với Vinare, phải mất hơn 1 năm từ khi ra chủ trương rating đến khi chính thức bắt tay vào rating. Chủ tịch HĐQT Vinare, ông Trịnh Quang Tuyến cho biết, đó là do vướng mắc ở công nghệ. Để đạt được chuẩn mực về công nghệ thông tin cũng như trong các nghiệp vụ khác theo tiêu chuẩn quốc tế, Vinare đã cử ông Thomas Kessler, đại diện Swiss Re (vừa được bổ nhiệm Phó tổng giám đốc Công ty) chịu trách nhiệm chính về rating tại Vinare.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT PVI Holdings chia sẻ: “Một số DN bảo hiểm hỏi tôi thực hiện rating có khó không, tôi trả lời cũng không biết là khó hay dễ, nhưng đã làm thì phải quyết tâm”.

“Yêu cầu về vốn, công nghệ thông tin…, cùng đủ thứ khác khiến chúng tôi khó vượt qua”, đại diện một DN bảo hiểm nói.

Tổng giám đốc một DN tái bảo hiểm thì đáp lại câu hỏi “DN đã sẵn sàng rating hay chưa” của ĐTCK bằng cái lắc đầu.

Chi phí rating cũng là điều mà các DN ngại ngần, nhất là trong bối cảnh đang phải tiết giảm chi phí, dù ông Tuấn chia sẻ là chi phí rating không đáng kể, mà quan trọng là phải có những nhân sự thực sự giỏi, có ý chí theo đuổi rating.

A.M.Best không đưa ra chi phí rating cụ thể, nhưng theo tìm hiểu của ĐTCK, chi phí cho việc ký hợp đồng rating khoảng vài chục ngàn USD, nhưng các khoản chuẩn bị, đầu tư cho rating, cũng như theo đuổi rating hàng năm nhằm đáp ứng yêu cầu của tổ chức xếp hạng là không nhỏ. Ngoài ra, yêu cầu minh bạch mọi hoạt động của DN, chỉ số rủi ro quốc gia (đang sụt giảm) hay chuẩn mực kế toán tại một số DN chưa theo chuẩn mực quốc tế (gây khó khăn cho việc đánh giá) cũng khiến các DN e ngại rating.

Ông Nguyễn Trung Thành, Giám đốc Ace Insurance - Chi nhánh Hà Nội cho rằng, không giống như DN bảo hiểm phi nhân thọ, với hệ thống khách hàng chủ yếu là cá nhân, DN bảo hiểm nhân thọ sẽ ít mặn mà với rating hơn.

 

“Vượt khó để được rating, cách nào”?

Trả lời câu hỏi trên cũng như câu hỏi “Vượt qua rủi ro quốc gia, cách nào?”, ông Sifang Zhang, chuyên gia phân tích của Aon Benefied cho rằng, các DN cần tập trung cải thiện, phát triển nội lực DN như cải thiện bảng cân đối kế toán, nâng cao năng lực quản trị kinh doanh…

“Chỉ số rủi ro quốc gia (CRT) sụt giảm, đồng nghĩa với việc DN sẽ gặp thêm nhiều rủi ro từ bên ngoài, nằm ngoài tầm kiểm soát của DN. Tuy nhiên, ngoài CRT vẫn còn có các tiêu chí đánh giá khác thuộc về thế mạnh DN”, ông Sifang Zhang nói.

Theo bà Susanna Lam, đại diện A.M.Best, DN muốn thu hút sự tham gia của đối tác ngoại đều cần rating. Bộ Tài chính đang trong quá trình xếp loại DN bảo hiểm. Khi đó, nếu DN cùng hạng mà không có rating thì sẽ gặp bất lợi hơn so với các DN cùng hạng. DN cũng nên nhìn vào yếu tố đó để vượt khó. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, điều mấu chốt để mang DN bảo hiểm đến với rating vẫn là xuất phát từ chính nhu cầu của DN, từ chính đòi hỏi mang tính bắt buộc trong hoạt động của DN.

“Chúng tôi xem rating như một nhu cầu thực sự của DN để được cấp đơn bảo hiểm theo yêu cầu của đối tác, tăng hiệu quả kinh doanh. Quan trọng hơn cả là cải thiện hệ thống quản trị DN theo chuẩn mực quốc tế, tăng cường tính chuyên nghiệp, minh bạch. Thực tế đã chứng minh những gì chúng tôi đã đạt đươc sau rating. Quản trị DN còn quan trọng hơn cả chứng chỉ rating từ A.M.Best. Rating không phải là món đồ trang trí”, ông Tuấn nói và nhấn mạnh, dù khó, DN cũng nên nỗ lực đáp ứng yêu cầu ngặt nghèo mà tổ chức xếp hạng yêu cầu.

CEO một DN bảo hiểm đang xúc tiến rating nói: “DN bảo hiểm nên nhìn về dài hạn để bắt đầu rating ngay hôm nay”.