Theo độc giả Hoàng Trân, nên tiếp tục áp một mức phí bảo hiểm vật chất xe ô tô cào bằng bình quân trên toàn thị trường (quanh ngưỡng 1,5% giá trị xe), không nên giảm phí bán bảo hiểm cho bất kể kênh bán hàng nào, dù đó là kênh VIP.
Kênh VIP ở đây là kênh theo diện bán buôn, bao gồm các ngân hàng, showroom ô tô, đăng kiểm…; kênh thường là kênh bán cho khách lẻ.
“Mức phí bán bảo hiểm vật chất xe ô tô nên được áp dụng chung cho mọi loại kênh bán hàng. Việc áp dụng này đã thực hiện được một thời gian không phải là ngắn, đã hơn 5 tháng, kể từ ngày 1/5/2015, thế nên cứ thế mà triển khai, không thể lùi lại để áp mức phí cũ thấp hơn. Khi phí như nhau thì khách hàng sẽ tìm đến nhà bảo hiểm có thương hiệu, dịch vụ tốt. Người tiêu dùng thông minh quan tâm đến dịch vụ, phí chuẩn, chứ không vì phí giảm mà lựa chọn”, độc giả trên nói.
“Ngân hàng hay showroom có thể là kênh bán hàng VIP, nhưng cuối cùng cũng đều bán cho khách lẻ. Nếu cả thị trường cùng một mức phí thì sẽ tránh được tình trạng cạnh tranh bằng phí, mà chỉ cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ. Chỉ khi thực hiện được như vậy thì mới cải thiện được tình hình lỗ nghiệp vụ bảo hiểm vật chất xe cơ giới”, độc giả Hương T. bổ sung và cho rằng, các DN bảo hiểm sẽ không còn nhiều thời gian để xây dựng hệ thống phục vụ tốt nếu không quyết liệt thực hiện.
Trên một số diễn đàn, không ít DN bảo hiểm nhỏ nhận xét, đề xuất lùi thời hạn tăng phí là do áp lực doanh thu, nhất là với những DN bảo hiểm có doanh thu lớn từ kênh VIP. Còn xét trên bình diện chung của cả thị trường, đề xuất trên không chỉ là tự “giết” mình, mà còn ảnh hưởng đến các DN khác.
Cần nhắc lại, việc tăng phí bảo hiểm vật chất xe ô tô được áp dụng chung trên toàn thị trường do mấy năm qua nghiệp vụ này liên tục lỗ như một rủi ro mang tính hệ thống, mặc dù tỷ trọng doanh thu là lớn nhất trong tất cả các nghiệp vụ bảo hiểm. Nếu cứ để các DN bảo hiểm bán với phí quá thấp (trên ngưỡng 1% giá trị xe như trước đây) thì thu không đủ chi sẽ ảnh hưởng đến "sức khỏe" các công ty bảo hiểm. Khi đó, DN bảo hiểm “yếu” sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến các chủ thể khác, trong đó có khách hàng, trong khi bảo hiểm là “tấm lá chắn” cho nền kinh tế. Vì thế, Bộ Tài chính đã đưa phí bảo hiểm về đúng giá trị thực của nó, chưa kể việc tăng phí sẽ giúp khối DN bảo hiểm sẽ có thêm kinh phí để phục vụ khách hàng tốt hơn.
“Mọi DN bảo hiểm đều thống nhất áp dụng biểu phí chung thì mới sống nổi. Nếu mỗi ông một kiểu, thị trường rồi cũng sẽ yếu, người hưởng lợi chưa chắc đã là khách hàng do DN thiếu kinh phí để phục vụ khách hàng tốt. Chưa kể, nhà bảo hiểm suy yếu do giảm phí khiến quyền lợi về bồi thường cho khách hàng không được đảm bảo. Mức phí áp chung đang cho thấy cả khách hàng và DN bảo hiểm cần nhau, chứ không phải chỉ là một chiều: DN cần khách hàng”, đại diện một DN bảo hiểm đánh giá.
Thực tế, nhiều năm qua, mức phí bảo hiểm vật chất xe ô tô không tăng, trong khi chi phí bồi thường có xu hướng tăng.
Mặc dù vậy, phía quan điểm ủng hộ lùi thời hạn tăng phí cho rằng, nên xem xét giảm phí bảo hiểm qua các kênh VIP, trong đó có cả việc bán qua công ty môi giới và tổng đại lý, nhất là với dòng xe mới, có lịch sử tổn thất bằng không.
Ghi nhận từ Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho thấy, về nguyên tắc, các DN bảo hiểm phải tuân thủ việc bán loại bảo hiểm này theo đúng quy tắc điều khoản đã được Bộ Tài chính phê chuẩn. Khi triển khai có vướng mắc thì gửi văn bản lên cơ quan quản lý để được giải quyết.
Theo Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm, kênh VIP có thể sẽ bớt được chi phí khai thác, bán hàng, nhưng không hẳn cứ xe mới thì có nguy cơ rủi ro thấp, mà mức độ rủi ro cần dựa trên khá nhiều yếu tố, trong đó có dòng xe, chỗ đỗ xe, địa bàn đi lại. Bởi thế, việc tính lại phí cần dựa trên nhiều yếu tố hơn nữa.