Thị trường đang chờ đón thương vụ Manulife mua lại Aviva Việt Nam. Ảnh: Dũng Minh.

Thị trường đang chờ đón thương vụ Manulife mua lại Aviva Việt Nam. Ảnh: Dũng Minh.

Bảo hiểm vẫn hấp dẫn đầu tư của khối ngoại

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Vốn đầu tư ngoại đang tăng khá mạnh ở các doanh nghiệp bảo hiểm, ngoài lĩnh vực nhân thọ thì thị trường đang chứng kiến động thái mới ở khối phi nhân thọ.

Đối với khối nhân thọ, với đặc thù sở hữu 100% vốn ngoại nên lượng vốn tăng thêm hàng năm của các công ty bảo hiểm đến từ các khoản bổ sung vốn từ tập đoàn mẹ tại nước ngoài, thường có kế hoạch trước và theo lộ trình mở rộng thị trường tại Việt Nam. Đồng thời, khối này cũng ghi nhận các khoản đầu tư mới thông qua hoạt động M&A kết hợp tăng vốn.

Bên cạnh nhóm nhân thọ thì 2 năm trở lại đây, vốn ngoại đang tìm cách “len lỏi” vào khối phi nhân thọ với đặc thù đa số các doanh nghiệp cổ phần trong nước.

Đáng chú ý, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nội đang sẵn sàng tiếp nhận đầu tư, thậm chí “bán mình” khi 2 mùa đại hội đồng cổ đông gần đây có không ít doanh nghiệp được cổ đông chấp nhận nới room ngoại lên 100%, nhiều doanh nghiệp công bố đàm phán bán vốn chiến lược…

Nhân thọ vẫn tiếp tục các thương vụ đình đám

Dù nhìn nhận thị trường bảo hiểm Việt Nam vô cùng hấp dẫn nhưng thực tế thời gian qua đã có một số tập đoàn bảo hiểm lớn trên thế giới thay đổi chiến lược rời bỏ “cuộc chơi” tại thị trường, bán công ty tại Việt Nam cho các hãng bảo hiểm khác.

Thương vụ đáng chú ý mới diễn ra là Great Eastern Việt Nam bán cho FWD, hay Cardif bán phần vốn góp tại liên doanh với Vietcombank cũng cho FWD.

Thông tin mới nhất, hãng bảo hiểm Aviva sẽ sớm rời đi và gương mặt cũ Manulife sẽ thực hiện thương vụ mua lại Aviva Việt Nam.

Sự thay đổi này không hẳn vì thị trường Việt Nam không tiềm năng hay tất cả các công ty bảo hiểm trên hoạt động không hiệu quả. Đơn giản là tập đoàn mẹ của các hãng bảo hiểm này đã có sự thay đổi về chiến lược và họ muốn tập trung cho thị trường mục tiêu khác ngoài Việt Nam.

Trở lại câu chuyện đầu tư của những người mới, đầu tháng 4/2020, FWD công bố việc được chấp thuận mua lại Công ty Bảo hiểm nhân thọ Vietcombank Cardif (VCLI), liên doanh giữa Vietcombank và Tập đoàn Cardif. Đây là một thương vụ đáng chú ý trên thị trường M&A năm 2020 vốn chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19.

Thương vụ M&A đáng chú ý này cho phép FWD giành hợp đồng độc quyền phân phối sản phẩm bảo hiểm của FWD thông qua hệ thống Vietcombank, ngân hàng có quy mô hàng đầu thị trường.

Việc giành quyền phân phối độc quyền bảo hiểm qua mạng lưới Vietcombank thể hiện rõ mục tiêu phát triển lâu dài và mạnh mẽ của FWD tại Việt Nam cũng như tham vọng của doanh nghiệp này sớm nằm trong nhóm dẫn đầu thị trường.

Với FWD, M&A là công cụ và là con đường ngắn nhất để hướng đến cái đích là khách hàng.

Để thực hiện thương vụ, trước đó, cuối tháng 3/2020, FWD đã công bố tăng vốn điều lệ của Công ty từ 3.675 tỷ đồng lên hơn 13.937 tỷ đồng và trở thành công ty bảo hiểm nhân thọ lớn nhất tại Việt Nam, tính theo vốn điều lệ.

Tổng số tiền mà FWD đã đầu tư vào Việt Nam là hơn 10.000 tỷ đồng, bao gồm cả thương vụ mua lại và đầu tư vào nhân sự, công nghệ, tạo ra những sản phẩm ưu việt hơn, nâng cao dịch vụ hậu mãi chăm sóc khách hàng, mở rộng và đa dạng hóa các kênh phân phối và hợp tác với những đối tác lớn để cung cấp các sản phẩm, dịch vụ bảo hiểm.

Nếu như thương vụ M&A đầu tiên khi mua lại Great Eastern Việt Nam mở cánh cửa để FWD bước chân vào thị trường Việt Nam thì thương vụ mua lại VCLI lại là cơ hội để FWD mở rộng hoạt động kinh doanh, đặc biệt là phát triển kênh phân phối đầy tiềm năng bancassurance với ngân hàng thương mại lớn nhất Việt Nam là Vietcombank.

Bên cạnh hoạt động M&A thường được chú ý thì năm 2020, thị trường ghi nhận khoản tăng vốn đáng kể khác đến từ Sun Life Việt Nam, để phục vụ kế hoạch mở rộng thị phần đầy tham vọng.

Cụ thể, Sun Life Việt Nam là cái tên giành được hợp đồng độc quyền phân phối bảo hiểm qua hệ thống của ACB - ngân hàng cổ phần hàng đầu trên thị trường. Thương vụ hợp tác 15 năm với Sun Life Việt Nam có thể là thương vụ hợp tác độc quyền bancassurance cuối cùng trong năm tài chính 2020 đầy biến động.

Trong báo cáo phân tích về Ngân hàng ACB, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho biết, ACB và công ty bảo hiểm Sun Life đã ký kết hợp đồng bảo hiểm độc quyền với mức phí trả trước (Upfront fee) lên tới 370 triệu USD (8.500 tỷ đồng), cao hơn nhiều so với mức phí Upfront các ngân hàng có quy mô tài sản tương đương nhận được từ hợp đồng hợp tác bảo hiểm độc quyền.

Để mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, trong đó có ký kết các hợp đồng bancassurance, đầu năm 2020, Sun Life Việt Nam đã tăng gần gấp đôi vốn điều lệ, từ 2.570 tỷ đồng lên 5.070 tỷ đồng.

Thị trường bảo hiểm Việt Nam trong 5 năm qua, từ 2015 - 2019, luôn có tốc độ tăng trưởng của thị trường vô cùng ấn tượng ở mức 30%. Năm 2020, một năm đầy thách thức với Covid-19, nhưng thị trường hiện có mức tăng 16% so với đầu năm.

Ngoài ra, doanh số từ bảo hiểm nhân thọ mới chỉ đóng góp 1,4% GDP, trong khi mức trung bình toàn cầu là 3,4%... Đây là một trong những lý do khiến thị trường này vẫn là “thỏi nam châm” thu hút vốn ngoại.

Phi nhân thọ tiếp tục nới room

Đối với khối phi nhân thọ, hiện đa số các công ty bảo hiểm có “số má” trên thị trường đều đã có ít nhất một cổ động ngoại, chẳng hạn, HDI Global SE (Talanx sở hữu 100%) đang là cổ đông lớn nhất giữ cổ phần chi phối tại PVI Holdings (công ty nắm giữ 100% cổ phần Bảo hiểm PVI); Samsung Fire and Marine Insurance nắm 20% cổ phần của PJICO; DongBu (nay là DB) nắm 37% cổ phần của PTI; Fairfax nắm 35% cổ phần của BIC; AXA nắm gần 17% cổ phần tại BMI…

Việc tăng vốn ngoại sở hữu các công ty bảo hiểm trong nước là điều khó tránh khi HDI Global SE tạo “tiền lệ”, sau một thời gian đầu tư đã trở thành cổ đông chi phối tại PVI Holdings. Một loạt công ty khác đã mở room ngoại lên mức 100%.

Theo Hội đồng quản trị PTI, việc tăng tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài lên 100% để tăng vốn điều lệ là yếu tố cần thiết để duy trì hoặc tăng xếp hạng tín dụng trong tương lai.

Trong trường hợp PTI mở rộng kinh doanh bằng hình thức tăng vốn hoặc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, việc tăng tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài sẽ tăng khả năng thành công của đề án này.

Việc tăng tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài kỳ vọng PTI sẽ mở rộng kinh doanh và tăng trưởng lợi nhuận. Ngoài ra, tính thanh khoản và giá trị cổ phiếu của PTI trên thị trường chứng khoán cũng sẽ được cải thiện.

Về cơ bản, những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài rót vào đều đang tăng trưởng rất tốt với những kế hoạch tham vọng.

Chẳng hạn, trong vòng 5 năm, kể từ khi hợp tác với DB, doanh thu bảo hiểm gốc PTI tăng từ 3.974 tỷ đồng (2014) lên 5.692 tỷ đồng (2019), tăng 231,3%, thị phần tăng từ 6% lên 10,8%.

Trong khi đó, với sự hỗ trợ của Ngân hàng mẹ BIDV và các đối tác chiến lược như FairFax, bảo hiểm BIC cũng đặt tham vọng sớm gia nhập Top 5 công ty bảo hiểm phi nhân thọ dẫn đầu thị trường về thị phần doanh thu phí bảo hiểm gốc, giữ vững vị trí Top 3 công ty bảo hiểm phi nhân thọ đứng đầu về tỷ suất sinh lời…

Ông Jens H. Wohlthat, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần PVI Holdings, thành viên Ban Điều hành HDI Global SE trong cuộc trò chuyện với truyền thông mới đây chia sẻ rằng, HDI với trụ sở nằm ở Đức, nơi thị trường “không tăng trưởng nữa nên chúng tôi phải đi tới các thị trường khác”. Việt Nam cũng như thị trường Đông Nam Á sẽ phát triển tốt hơn so với toàn cầu trong những năm tiếp theo.

HDI tham vọng sẽ phát triển PVI làm đầu tàu cho sự phát triển ở thị trường Đông Nam Á, tạo điều kiện cho PVI vươn tầm hoạt động ra khu vực.

Được biết, hồi đầu năm 2019, khi công bố kế hoạch tham gia vào lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam thông qua một liên doanh kỹ thuật số (JV) được thành lập với sự hợp tác của Tập đoàn FPT, Tập đoàn bảo hiểm Ðức Allianz đã xác định, ngoài việc tập trung phân phối qua các kênh trực tuyến để mang đến nhiều lựa chọn cho khách hàng, đặc biệt sẽ tập trung vào sản phẩm bảo vệ sức khỏe để giải quyết nhu cầu chăm sóc và bảo vệ sức khỏe đang tăng cao của người Việt.

Xây dựng hệ sinh thái bảo vệ sức khỏe thì thị trường tài sản cũng là mục tiêu quan trọng.

Hãng bảo hiểm này sẽ theo đuổi chiến lược mở rộng để tiến vào thị trường P&C (tài sản và thiệt hại) với những mục tiêu cụ thể đặt ra cho năm 2021…

Với chiến lược khác biệt và thế mạnh sẵn có từ công nghệ số, không phải đầu tư thời gian hay chi phí vào quá trình chuyển đổi mà có thể trực tiếp xây dựng công ty bảo hiểm kỹ thuật số, giới chuyên môn nhìn nhận, Allianz nếu được gia nhập sẽ là “làn gió” tạo nên sự cạnh tranh mới cho thị trường.

“Châu Á tiếp tục là một thị trường trọng điểm, quan trọng và là động lực tăng trưởng của Tập đoàn Allianz. Chúng tôi cam kết nhiều hơn nữa cho tham vọng tăng trưởng của chúng tôi trong khu vực, không phải bất chấp những bất ổn toàn cầu xung quanh đại dịch mà vì chúng tôi nhìn thấy những cơ hội do nó tạo ra”, đại diện hãng bảo hiểm khổng lồ đến từ Đức nhìn nhậnn

Tin bài liên quan