Thông tin từ Bảo hiểm BIDV (BIC) cho biết, thời gian qua, hãng bảo hiểm này đã nhận được sự hỗ trợ từ đối tác chiến lược Fairfax trong phát triển các dự án mới, song song với đầu tư cho hệ thống công nghệ thông tin, mạng lưới phân phối…
Trước đó, BIC ký kết biên bản ghi nhớ với Công ty Bảo hiểm bảo lãnh Seoul (SGI) để phát triển sản phẩm bảo lãnh tại thị trường Việt Nam.
Ðầu năm nay, Bảo hiểm Quân đội (MIC) được Bộ Tài chính cấp phép bổ sung nghiệp vụ kinh doanh mới là bảo hiểm bảo lãnh và bảo hiểm nông nghiệp, qua đó hứa hẹn sẽ tiếp sức cho những nghiệp vụ này trở nên sôi động hơn thời gian tới.
Không chỉ mở rộng thị trường, khách hàng và sản phẩm theo phương thức truyền thống, nhiều hãng bảo hiểm phi nhân thọ còn đẩy mạnh hợp tác với các công ty công nghệ bảo hiểm (Insurtech).
Nhờ có sự hỗ trợ của công nghệ, các start-up Insurtech hiện nay tập trung đưa các ứng dụng công nghệ vào hệ thống nhằm tối ưu hóa trải nghiệm của khách hàng không chỉ ở khâu mua bán sản phẩm, mà còn ở dịch vụ chăm sóc, tư vấn.
Ðơn cử, Bảo hiểm Bưu điện (PTI) đang phối hợp cùng 9Lives - một công ty khởi nghiệp (start-up) Insurtech của Hàn Quốc - triển khai gói bảo hiểm “small ticket” trên di động dành cho khách hàng có mức thu nhập trung bình tại các nước đang phát triển.
Ngoài 9Lives, nhà bảo hiểm này còn hợp tác với 2 start-up Insurtech của Việt Nam là Miin và INSO để cung cấp và triển khai các sản phẩm bảo hiểm tại nông thôn, sản phẩm bảo hiểm tai nạn hộ gia đình, bảo hiểm viện phí…
Việc doanh nghiệp bảo hiểm truyền thống hợp tác với start-up Insurtech đã trở thành xu hướng, giúp phát huy tối đa lợi thế của các bên.
Với Insurtech, đó là khả năng bắt kịp xu thế công nghệ mới, cung cấp sản phẩm độc đáo dựa trên nhu cầu của khách hàng, đồng thời tối giản hóa quy trình cấp đơn cũng như bồi thường.
Trong khi đó, doanh nghiệp bảo hiểm truyền thống có sự hiểu biết về thị trường, đặc điểm hành vi tiêu dùng của khách hàng, cũng như sức mạnh về thương hiệu.
Theo giới chuyên gia, việc đầu tư vào công nghệ là bài toán đầu tư dài hạn của nhiều ngành dịch vụ, bao gồm cả bảo hiểm.
Chính vì vậy, trong tương lai, sự hợp tác giữa các doanh nghiệp bảo hiểm truyền thống và công nghệ sẽ còn mở rộng hơn nữa để đáp ứng nhu cầu ngày một đa dạng từ thị trường.
Hiện tại, những start-up Insurtech như Miin, 9Lives, INSO… dù chưa mang lại nhiều thay đổi, nhưng sẽ là tiền đề quan trọng hỗ trợ các doanh nghiệp bảo hiểm truyền thống bắt kịp được với xu thế phát triển chung của thế giới.
9Lives xuất hiện lần đầu tiên tại Việt Nam năm 2019 với sản phẩm bảo hiểm nhóm dành cho cán bộ, nhân viên của các doanh nghiệp (hay còn gọi là “chiếc ô tím”). Với sản phẩm này, doanh nghiệp chỉ cần lựa chọn gói bảo hiểm phù hợp, cung cấp danh sách nhân viên, sau đó nhân viên chỉ cần tải ứng dụng 9Lives và nhập mã công ty là sẽ nhận được gói bảo hiểm miễn phí.
9Lives có chi phí thấp, có thể mua theo từng phạm vi bảo hiểm riêng lẻ với thời gian là 1 ngày, 1 tháng, 6 tháng hoặc 1 năm tùy theo mong muốn của khách hàng… Hiện 9Lives và PTI đang phối hợp triển khai sản phẩm bảo hiểm tai nạn cá nhân.
Miin cũng tập trung vào các sản phẩm microinsurance (bảo hiểm gói nhỏ có mức phí từ vài nghìn đồng/ngày), khách hàng có thể tham gia các gói bảo hiểm sức khỏe được cung cấp trên app/web, thậm chí chỉ cần một người mua bảo hiểm là toàn bộ gia đình sẽ được hưởng quyền lợi như nhau.
INSO là ứng dụng bảo hiểm trên điện thoại di động và hoàn toàn tự động, cho phép khách hàng có thể tự chọn gói đơn bảo hiểm theo yêu cầu, tự giám định tài sản, vật chất tham gia bảo hiểm bằng tính năng chụp hình trên ứng dụng. Ngoài các sản phẩm truyền thống như bảo hiểm ô tô cá nhân, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm nhà, tài sản…, INSO còn cung cấp các sản phẩm bảo hiểm chuyên biệt như bảo hiểm trễ chuyến bay, bảo hiểm tình yêu, bảo hiểm phí ship hoàn hàng…