Đây là một quyết định chiến lược với toàn bộ Ban lãnh đạo ngân hàng này, sau hàng loạt các biến cố xảy ra trên thị trường tài chính – ngân hàng những năm vừa qua, khiến nhiều lãnh đạo ngân hàng rơi vào vòng lao lý.
Không chỉ có các doanh nghiệp nước ngoài, hay các ngân hàng lớn mới quan tâm đến việc bảo vệ trách nhiệm cho những người đứng đầu doanh nghiệp, hiện nay, nhiều doanh nghiệp Việt hoạt động trong các lĩnh vực y tế, sản xuất…, cũng đã quan tâm đến sản phẩm này.
Một chuyên gia bảo hiểm cho biết, với những biến cố xảy ra trên thị trường tài chính gần đây, sản phẩm này hiện rất tiềm năng và đang được nhiều ngân hàng, doanh nghiệp tiếp cận, cũng như lên kế hoạch mua bảo hiểm. Thực tế, hầu hết các ngân hàng thương mại cổ phần lớn đều đã mua và sản phẩm này và được xếp chung trong danh mục các sản phẩm bảo hiểm trách nhiệm của các ngân hàng.
“Có lẽ các ngân hàng, doanh nghiệp đều đã ‘giật mình’ khi nhận ra rằng, mình đang thiếu ‘một tấm lá chắn’ để có thể bảo vệ vững chắc cho doanh nghiệp khi có biến cố xảy ra do quyết định sai lầm, hay do khách quan của những người đứng đầu doanh nghiệp”, vị đại diện này cho biết.
Trên thế giới, D&O là một loại hình bảo hiểm phổ biến đối với tất cả các giám đốc điều hành tại các công ty, tập đoàn, bởi bó gắn liền với quyền lợi của họ. Ngoài chức năng là một loại hình bảo hiểm trách nhiệm, giúp các nhà quản lý tránh được những rủi ro trong quá trình điều hành, bảo hiểm D&O còn giúp các doanh nghiệp nâng cao uy tín, tạo lòng tin cho các cổ đông. Khi tham gia bảo hiểm D&O, cũng có nghĩa là hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp đó sẽ được bảo vệ, tránh khỏi những rủi ro, từ đó, người quản lý sẽ yên tâm hơn để điều hành doanh nghiệp một cách có hiệu quả.
Dù đã có những tín hiệu khởi sắc, nhưng nếu so với tiềm năng của thị trường bảo hiểm Việt Nam, thì bảo hiểm trách nhiệm D&O mới chỉ phát triển được ở một phân khúc nhỏ. Nhận thức chưa đầy đủ về loại hình bảo hiểm này của các chủ doanh nghiệp và mức phí bảo hiểm quá cao vẫn là những rào cản chính khiến bảo hiểm D&O chưa thể phát triển mạnh hơn. Chính vì thế, đến thời điểm này, những doanh nghiệp đã mua sản phẩm bảo hiểm D&O mới chỉ dừng ở các doanh nghiệp nước ngoài, vốn đã quen thuộc với sản phẩm này, các ngân hàng thương mại cổ phần hoặc các tổ chức, doanh nghiệp mà hoạt động yêu cầu trách nhiệm cao, hay doanh nghiệp niêm yết vì cần tạo uy tín cho cổ đông, khách hàng…
Về phía các công ty bảo hiểm, việc triển khai D&O không hề đơn giản và sản phẩm này chủ yếu được cung cấp qua kênh môi giới. Theo một chuyên gia trong ngành, không phải doanh nghiệp bảo hiểm nào cũng có khả năng triển khai bảo hiểm D&O, bởi thực tế, dù sản phẩm có mức phí rất “khủng”, nhưng một khi có tổn thất thì số tiền bảo hiểm cũng “khủng” không kém. Chính vì thế, việc triển khai sản phẩm D&O của các doanh nghiệp bảo hiểm rất dè dặt. Nếu có, thì sẽ phải tái bảo hiểm phần lớn ra nước ngoài và tỷ lệ giữ lại rất thấp.
Bên cạnh đó, loại hình bảo hiểm này không nằm trong hợp đồng tái bảo hiểm cố định (là dạng hợp đồng khung mà các công ty bảo hiểm ký hàng năm với các nhà tái bảo hiểm), nên khi triển khai, các doanh nghiệp bảo hiểm phải tìm nhà tái bảo hiểm và thu xếp việc tái bảo hiểm rất vất vả.
Ngoài ra, nhu cầu đối với sản phẩm này không “nóng” cũng là một rào cản không nhỏ. Sản phẩm này hiện vẫn là thế mạnh của các công ty bảo hiểm nước ngoài như AIG hay Chubb Life Việt Nam…, đối với các công ty bảo hiểm nội, hiện số lượng triển khai sản phẩm này không nhiều, trong đó tích cực nhất là Bảo Việt, BIC…
Cho dù việc triển khai không đơn giản, nhưng các doanh nghiệp bảo hiểm đang đặt nhiều kỳ vọng vào nghiệp vụ này. Bởi bên cạnh việc ngày càng nhiều ngân hàng mua bảo hiểm cho các thành viên ban giám đốc, trong phân khúc này, đã có doanh nghiệp từng yêu cầu công ty bảo hiểm nâng hạn mức bảo hiểm trách nhiệm cho thành viên ban lãnh đạo lên tới… 20 triệu USD. Theo đó, mức phí thu được cũng tương xứng, khi doanh nghiệp sẵn sàng chi nhiều tỷ đồng cho mỗi lãnh đạo. Khi luật pháp còn chưa hoàn thiện, “nỗi sợ pháp lý” vẫn là động lực lớn để các doanh nghiệp tìm đến sản phẩm D&O.