Theo PTI, bảo hiểm tình yêu có thể coi là sản phẩm bảo hiểm thuộc dòng bảo hiểm trách nhiệm.

Theo PTI, bảo hiểm tình yêu có thể coi là sản phẩm bảo hiểm thuộc dòng bảo hiểm trách nhiệm.

Bảo hiểm tình yêu: Có hay không nguy cơ vô hiệu?

(ĐTCK) Vừa ra mắt, sản phẩm mới “bảo hiểm tình yêu” đã thu hút sự chú ý của dư luận và các thành viên thị trường. Ngay sau bài “Bảo hiểm tình yêu, cơ hội hay “trò đùa” trước ngày Valentine?” được đăng tải, Đầu tư Chứng khoán đã nhận thêm được nhiều ý kiến trái chiều về sản phẩm này.

Trên các diễn đàn uy tín về bảo hiểm, sản phẩm bảo hiểm tình yêu đang trở thành chủ đề được thảo luận sôi nổi.

Theo đó, đa phần các ý kiến cho rằng, thị trường bảo hiểm Việt Nam đang rất cần các sản phẩm bảo hiểm mới mang tính đột phá, dần xóa tan cảnh cạnh tranh thiếu lành mạnh bằng mọi giá, đơn cử như giảm phí tràn lan hòng giành giật khách hàng.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, “bảo hiểm tình yêu” của PTI không phải là sản phẩm bảo hiểm, mà là sản phẩm tài chính và nhiều khả năng bị tuyên bố vô hiệu do thiếu đối tượng bảo hiểm và quyền lợi bảo hiểm như các sản phẩm hiện có trên thị trường.

“Theo Điều 22 Luật Kinh doanh bảo hiểm, hợp đồng bảo hiểm tình yêu sẽ bị vô hiệu ngay khi nộp phí bảo hiểm, bởi ở đây không có quyền lợi có thể được bảo hiểm. Dựa vào nền tảng pháp lý Việt Nam hiện hành, đây không phải sản phẩm bảo hiểm. Do đó, nếu phát hành hợp đồng này sẽ chẳng khác nào để một đoàn tàu hỏa chạy trên đường bộ”, Công ty Dịch vụ tư vấn pháp lý bảo hiểm TILA cho biết.

Công ty TILA cho rằng, muốn trở thành sản phẩm bảo hiểm thực sự hoàn chỉnh, cần phải bán kèm sản phẩm bảo hiểm kết hợp (bổ sung thêm quyền lợi về bảo hiểm sinh mạng, sức khỏe, con người), với mức phí đóng cao nhất tạm tính từ 1,6 triệu đồng lên 2,3 triệu đồng. Đề xuất này cũng nhận được sự hưởng ứng của một số chuyên gia, doanh nghiệp bảo hiểm khác.

Trong khi đó, chuyên gia bảo hiểm Nguyễn Tiến Hùng cho rằng, sản phẩm này về lý thuyết phải được phát hành bởi một công ty bảo hiểm nhân thọ bởi tính chất tạo quỹ tiết kiệm của nó.

Thực tế, “bảo hiểm tình yêu” là sản phẩm đặc thù trong hoạt động của hội “tontine”, có nguồn gốc phương Tây, tại Việt Nam mang tên gọi “giao kèo chơi hụi”, hoặc “chơi họ”.

Tại các nền kinh tế phát triển, chẳng hạn Pháp, công ty bảo hiểm và hợp đồng kiểu tontrine được Luật Bảo hiểm quy định rất chặt chẽ. Hay tại Mỹ, các quỹ tontine được lập và quản lý bởi các công ty quản lý quỹ.

Theo quan điểm của chuyên gia bảo hiểm Phan Quốc Tuấn, đây là sản phẩm bảo hiểm tương tự sản phẩm sinh kỳ, “hole in one”.

“Mảng bảo hiểm nhân thọ có dòng sản phẩm bảo hiểm sinh kỳ. Cụ thể, nếu sống đến một thời điểm quy định trong hợp đồng bảo hiểm thì số tiền khách hàng nhận được rất cao (lên tới tiền tỷ - PV), còn chết trước thời hạn đó thì số tiền nhận lại có thể chỉ bằng phí đã đóng. Như vậy, sống lâu ở đây không phải một sự cố hay tổn thất, mà đơn giản là một sự kiện để bồi thường bảo hiểm”, ông Tuấn nói.

Vị này cũng cho biết, trong mảng bảo hiểm phi nhân thọ, còn có các sản phẩm của dòng bảo hiểm giải thưởng. Chẳng hạn tại 1 giải golf, Ban tổ chức muốn lôi kéo nhiều tay golf tham gia nên đưa ra giải thưởng đánh 1 gậy vào lỗ (hole in one).

“Nếu tay golf nào làm được điều đó thì nhận thưởng rất cao. Và ban tổ chức đã mua bảo hiểm cho "lời hứa" của mình. Nếu có một tay golf nào đó may mắn đạt được điều này thì bên bảo hiểm sẽ thay mặt ban tổ chức chi trả tiền thưởng cho người chơi. May mắn này không thể gọi là "tổn thất"”, ông Tuấn phân tích và khẳng định, với sản phẩm bảo hiểm tình yêu, không thể coi hôn nhân là “tai nạn”, mà là một sản phẩm của dòng bảo hiểm giải thưởng.

Về phía PTI, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, đại diện hãng bảo hiểm này khẳng định, đây có thể coi là sản phẩm bảo hiểm thuộc dòng bảo hiểm trách nhiệm, không phải chơi hụi. Trong đó, đối tượng bảo hiểm chính là tình yêu của 2 người có tên trong hợp đồng bảo hiểm.

“Sản phẩm bảo hiểm lâu nay thường gắn với thương đau, rủi ro, nhưng sản phẩm này lại đi ngược lại, đối tượng bảo hiểm là hạnh phúc, tình yêu của 2 người.

Đây là sản phẩm lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam nên dễ gây sốc và nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Chúng tôi sẽ tiếp tục ghi nhận các ý kiến, sau đó điều chỉnh nếu cần thiết”, đại diện PTI cho hay.

Về phía Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), cơ quan này cho biết, sản phẩm bảo hiểm tình yêu không phải phê duyệt, chỉ cần báo cáo. Cơ quan quản lý chỉ phê duyệt đối với sản phẩm bảo hiểm con người (sức khỏe, tai nạn, sinh mạng)…  

Điều 22. Luật Kinh doanh bảo hiểm

Hợp đồng bảo hiểm vô hiệu

Hợp đồng bảo hiểm vô hiệu trong các trường hợp sau đây:

a) Bên mua bảo hiểm không có quyền lợi có thể được bảo hiểm;

b) Tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm, đối tượng bảo hiểm không tồn tại;

c) Tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm, bên mua bảo hiểm biết sự kiện bảo hiểm đã xảy ra;

d) Bên mua bảo hiểm hoặc doanh nghiệp bảo hiểm có hành vi lừa dối khi giao kết hợp đồng bảo hiểm.

Tin bài liên quan