Các doanh nghiệp bảo hiểm đang nỗ lực cải thiện chất lượng dịch vụ, sản phẩm, nâng cao trải nghiệm người dùng.

Các doanh nghiệp bảo hiểm đang nỗ lực cải thiện chất lượng dịch vụ, sản phẩm, nâng cao trải nghiệm người dùng.

Bảo hiểm tìm điểm sáng nửa cuối năm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau thời gian tăng trưởng kéo dài, thị trường bảo hiểm bước vào giai đoạn điều chỉnh khi chứng kiến doanh thu phí liên tục sụt giảm, dẫu vậy không hẳn là không có điểm sáng.

Vì sao doanh thu phí giảm mạnh?

Theo báo cáo được lãnh đạo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) chia sẻ tại buổi gặp gỡ báo chí mới đây, tuy tổng doanh thu phí bảo hiểm 5 tháng đầu năm 2023 ước đạt 93.178 tỷ đồng, giảm 1,46% so với cùng kỳ năm trước, nhưng thị trường bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt khoảng 714.597 tỷ đồng, tăng 14,6% so với cùng kỳ cũng như cả năm 2022.

Được biết, trong năm qua, toàn ngành bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế đạt trên 656.000 tỷ đồng (tăng 12,56% so với năm 2021), trong đó các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 63.612 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 592.811 tỷ đồng.

Theo ông Chung Bá Phương, Chủ tịch Công ty TC Advisors, kết quả sụt giảm tổng doanh thu phí bảo hiểm 5 tháng đầu năm bên cạnh do khó khăn chung của nền kinh tế, còn xuất phát từ cuộc khủng hoảng truyền thông liên quan tới bảo hiểm nhân thọ vừa qua.

Trên thực tế, tốc độ tăng trưởng doanh thu phí của thị trường nhân thọ có dấu hiệu chậm lại những năm gần đây. Thống kê của Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho thấy, tổng doanh thu phí bảo hiểm năm 2019 và bình quân giai đoạn 2015-2019 (5 năm) tăng trưởng lần lượt 25% và 30,7%/năm, con số này trong năm 2020 và giai đoạn 2016-2020 là 19,6% và 27,4%/năm; năm 2021 và giai đoạn 2017-2021 là 21,7% và 25,6%/năm.

Số liệu từ IAV tuy không công bố doanh thu khai thác mới của toàn ngành, nhưng theo lãnh đạo một doanh nghiệp bảo hiểm, nếu con số này giảm thì chi phí sẽ giảm theo và trong ngắn hạn, dòng tiền mang đi đầu tư sẽ nhiều hơn. Tuy nhiên, trong trường hợp doanh thu khai thác mới sụt giảm kéo dài, dòng tiền mà các doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế sẽ giảm.

Vẫn có những điểm sáng

Giá trị đầu tư trở lại nền kinh tế tăng còn cho thấy doanh thu từ các khách hàng cũ của các doanh nghiệp vẫn ổn định. Đây là nền tảng để các doanh nghiệp cũng như thị trường lấy lại đà tăng trưởng trong thời gian tới.

Thực tế, ngoài chức năng chính là chi trả quyền lợi bảo hiểm (được Bộ Tài chính nhìn nhận là “bà đỡ” tin cậy cho các doanh nghiệp khi gặp rủi ro, cũng như hỗ trợ người dân giảm bớt khó khăn trước những bất trắc khó lường trong cuộc sống), ngành bảo hiểm còn đầu tư trở lại nền kinh tế, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Việc các doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế trong 5 tháng đầu năm 2023 cao hơn cả năm 2022, theo các chuyên gia, có thể do các khoản đầu tư năm 2022 đáo hạn (đầu tư ngắn hạn thì sẽ đáo hạn nhanh).

Như vậy, có thể thấy, tuy tổng doanh thu phí bảo hiểm giảm sút, nhưng nhờ nguồn phí bảo hiểm được tích lũy trong quá khứ, cộng thêm các khoản lãi đầu tư theo thời gian nên tổng giá trị đầu tư trở lại nền kinh tế của các doanh nghiệp bảo hiểm đạt kết quả khả quan như trên. Điều này mang ý nghĩa lớn với cả nền kinh tế (tạo nguồn vốn) cũng như an sinh xã hội, giúp cho người tham gia bảo hiểm có cơ hội được sinh lời (tiền đóng bảo hiểm được đầu tư sinh lời cho khách hàng).

Theo lãnh đạo một công ty bảo hiểm nhân thọ lớn, bên cạnh vai trò bảo vệ sức khỏe và tài chính trước những rủi ro của khách hàng thông qua việc chi trả quyền lợi bảo hiểm, cũng phải kể tới đóng góp không nhỏ của các doanh nghiệp bảo hiểm trong việc giữ ổn định kinh tế - xã hội thông qua việc đầu tư trở lại nền kinh tế.

“Giá trị đầu tư trở lại nền kinh tế tăng còn cho thấy doanh thu từ các khách hàng cũ của các doanh nghiệp vẫn ổn định. Đây là nền tảng để các doanh nghiệp cũng như thị trường lấy lại đà tăng trưởng trong thời gian tới”, vị lãnh đạo trên nói.

Theo nhiều lãnh đạo doanh nghiệp bảo hiểm cũng như chuyên gia tài chính, mặc dù còn đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, nhưng thị trường bảo hiểm dự báo sẽ có dấu hiệu tích cực hơn trong 6 tháng cuối năm. Thực tế từ các thị trường bảo hiểm phát triển như Úc, Hồng Kông, Thái Lan, Trung Quốc… cho thấy, giai đoạn thị trường điều chỉnh cũng là thời điểm sàng lọc hệ thống kênh phân phối, nhân sự bảo hiểm… để trở nên ổn định và lành mạnh hơn.

Đáng chú ý, dư địa tăng trưởng của thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam được đánh giá còn rất rộng mở khi quy mô của thị trường này so với quy mô GDP vẫn ở mức thấp so với các nước trong khu vực, chưa kể một số yếu tố nâng đỡ khác.

Chẳng hạn, về yếu tố vĩ mô, theo Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam 2023 được công bố ngày 22/6/2023, ở kịch bản cơ sở, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2023 được dự báo đạt 6,01%. Ở kịch bản cao hơn, khi kinh tế thế giới diễn biến tích cực, tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2023 có thể đạt 6,51%. Khi kinh tế tăng trưởng, nhu cầu bảo hiểm cũng sẽ tăng theo, qua đó tác động tích cực lên thị trường bảo hiểm.

Về yếu tố pháp lý, Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 có hiệu lực từ đầu năm 2023 đã bổ sung, sửa đổi nhiều quy định theo hướng hiệu quả hơn, đáp ứng được yêu cầu về sự đảm bảo thống nhất của hệ thống pháp luật, tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, đồng thời bảo vệ nhiều hơn quyền lợi của người tham gia bảo hiểm, góp phần thúc đẩy thị trường phát triển, ổn định, bền vững. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cũng tăng cường nhiều giải pháp quản lý thị trường, hướng tới một thị trường minh bạch và lành mạnh, hiệu quả.

Bên cạnh đó, nỗ lực của các doanh nghiệp bảo hiểm trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, đặc biệt trong công tác tư vấn, cũng là một điểm nhấn. Đại diện một công ty bảo hiểm lớn có trụ sở tại phía Bắc chia sẻ, sau những lùm xùm liên quan tới hợp đồng bảo hiểm thời gian qua, chất lượng đội ngũ tư vấn bán hàng và công tác phục vụ khách hàng đang được các doanh nghiệp bảo hiểm chú trọng thực hiện với mong muốn sớm lấy lại niềm tin từ người dùng.

Song song với đó, các doanh nghiệp cũng đẩy mạnh chuyển đổi số trong các quy trình nghiệp vụ, nâng cao trải nghiệm khách hàng, cải tiến về chất lượng và hình thức tiếp cận khách hàng, giúp bảo hiểm trở nên đơn giản, dễ hiểu và gần gũi hơn, qua đó góp phần nâng cao nhận thức của người dân về bảo hiểm.

Cũng tại báo cáo của IAV, bên cạnh doanh thu phí và giá trị đầu tư trở lại nền kinh tế, một số chỉ tiêu đáng chú ý khác cũng được công bố. Cụ thể, trong 5 tháng đầu năm 2023, tổng tài sản của thị trường bảo hiểm ước đạt 855.635 tỷ đồng (tăng 12% so với cùng kỳ năm trước); tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm ước đạt 558.549 tỷ đồng (tăng 16,33%); tổng nguồn vốn chủ sở hữu ước đạt 179.651 tỷ đồng (tăng 4,09%); chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 31.171 tỷ đồng (tăng 15,9%).

Tin bài liên quan