BHTG Việt Nam đang hướng tới mô hình tổ chức bảo hiểm tiền gửi hiệu quả theo thông lệ quốc tế

BHTG Việt Nam đang hướng tới mô hình tổ chức bảo hiểm tiền gửi hiệu quả theo thông lệ quốc tế

Bảo hiểm tiền gửi hiệu quả trên nền tảng hiện đại hóa công nghệ

(ĐTCK) Trong lĩnh vực bảo hiểm tiền gửi (BHTG), yêu cầu đặt ra là phải cải cách và phát triển mang tính liên tục, dài hạn để góp phần ổn định thị trường tài chính và bảo vệ quyền lợi người gửi tiền. Để đạt được mục tiêu này, một trong những yếu tố có tính quyết định đó là chủ động ứng dụng công nghệ thông tin nhằm hiện đại hóa mô hình quản lý, các hoạt động và quy trình nghiệp vụ.

Xây dựng một hệ thống tập trung, tích hợp các quy trình

Ngân hàng Thế giới (WB) đã tài trợ Dự án Hệ thống thông tin quản lý và hiện đại hóa ngân hàng (FSMIMS) nhằm hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC) và Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) nâng cao chất lượng nghiệp vụ để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, thông qua xây dựng một hệ thống tập trung, tích hợp các quy trình trên cơ sở kiến trúc công nghệ thông tin hiện đại, qua đó góp phần tăng cường năng lực thể chế để thực hiện tốt các nghiệp vụ có liên quan.

Đối với BHTGVN, dự án được triển khai với mục tiêu tăng cường hiệu quả về chia sẻ và sử dụng thông tin, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng với báo cáo kịp thời và tin cậy. Trên cơ sở đánh giá, phân tích thực trạng nhu cầu hiện tại và định hướng chiến lược của tổ chức, dự án sẽ giúp tăng khả năng phản ứng chính sách đối với những biến động trên thị trường, đồng thời tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả hoạt động của BHTGVN. Đây cũng là cơ sở để bảo vệ tốt hơn quyền lợi người gửi tiền và tính bền vững của hệ thống tài chính.

Lấy phát triển hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) làm nền tảng, dự án được phát triển trên cơ sở hiểu rõ nhu cầu người sử dụng kết hợp với các quy trình nghiệp vụ và công cụ mới phù hợp với mục tiêu phát triển chung của ngành. Với việc tăng cường tiếp cận của cán bộ với hệ thống thông tin/báo cáo được số hóa, dự án sẽ từng bước đưa BHTGVN hướng tới mô hình tổ chức BHTG hiệu quả theo thông lệ quốc tế. 

Hiện đại hóa hệ thống CNTT trong các hoạt động nghiệp vụ

Đối với hoạt động giám sát từ xa thuộc phân hệ giám sát rủi ro, việc triển khai hiệu quả nghiệp vụ này sẽ là cơ sở quan trọng để tham chiếu cho các hoạt động khác của BHTGVN như: kiểm tra tại chỗ và chi trả, thanh lý. Tuy nhiên, hoạt động giám sát từ xa hiện nay còn nhiều bất cập do thiếu thông tin và cơ chế quy định về quy trình tiếp nhận thông tin của BHTGVN từ kho dữ liệu của NHNN chưa rõ ràng, chi tiết.

Bên cạnh đó, hình thức giám sát đang được BHTGVN áp dụng hiện nay chủ yếu là giám sát việc chấp hành các quy định về BHTG, không được giám sát an toàn hoạt động ngân hàng, chưa thực sự đánh giá được hết rủi ro thị trường, cảnh báo sớm các rủi ro tiềm ẩn của các tổ chức tham gia BHTG.

Chính vì vậy, khi FSMIMS được triển khai thành công, nghiệp vụ giám sát của BHTGVN sẽ có một số thay đổi căn bản.

Thứ nhất, khi có thể truy cập kho dữ liệu thông tin của NHNN về tình hình hoạt động của các tổ chức tham gia BHTG và thị trường tài chính, BHTGVN có thể chủ động thực hiện đánh giá hoạt động của các đơn vị này.

Thứ hai, với việc phần mềm giám sát các tổ chức tham gia BHTG được xây dựng thống nhất trong toàn hệ thống cùng với đổi mới phương pháp giám sát, chuyển từ giám sát tuân thủ sang giám sát tuân thủ kết hợp giám sát trên cơ sở rủi ro thông qua hệ thống đánh giá, xếp hạng rủi ro tích hợp, BHTGVN có thể phát hiện từ xa những sai phạm của các ngân hàng và đưa ra cảnh báo sớm.

Trong lĩnh vực quản lý thông tin, khi dự án được triển khai thành công, thông tin sẽ được lưu trữ tại kho dữ liệu tập trung của BHTGVN, góp phần hỗ trợ việc triển khai hệ thống báo cáo nội bộ và quản lý tài liệu với quy mô phù hợp nhu cầu. Đồng thời, gánh nặng báo cáo được giảm bớt do thông tin được dễ dàng tra cứu, các nguồn lực được tối ưu hóa và việc ra quyết định của các cấp lãnh đạo được thực hiện nhanh chóng. Hơn thế, hoạt động quản trị nội bộ cũng sẽ được hỗ trợ khi hệ thống quản lý nguồn lực nội bộ (ERP) được tích hợp, vận hành trên nền tảng công nghệ mới.

Đối với nghiệp vụ thanh lý và chi trả thuộc phân hệ xử lý, hiện tại, công tác tính và nộp phí BHTG được thực hiện bởi các tổ chức tham gia BHTG với độ chính xác chưa cao, cũng như việc triển khai công tác kiểm tra tại chỗ của BHTGVN mất nhiều thời gian và nguồn lực. Khi hệ thống quy trình nghiệp vụ mới được vận hành, BHTGVN có thể tính và thu BHTG chính xác hơn, đồng thời chủ động theo dõi, đôn đốc tình hình nộp phí của các tổ chức tham gia BHTG.       

Tin bài liên quan