Nguyên nhân dẫn đến tranh chấp là do Liberty thông báo không giải quyết bồi thường đối với phần động cơ bởi cho rằng "hư hỏng do khách hàng cố ý khởi động lại sau khi động cơ ngừng hoạt động vì đi vào đường ngập nước, nên thuộc điều khoản loại trừ bảo hiểm". Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, đại diện Liberty cho biết, kết luận giám định đã được xác nhận bởi Viện Khoa học Hình sự - Phân viện Khoa học Hình sự tại TP. HCM.
"Việc cố ý khởi động lại máy sau khi bị thủy kích là vi phạm điều khoản loại trừ bảo hiểm nên chúng tôi không thể chi trả bồi thường cho trường hợp này", vị đại diện trên nói.
Liên quan đến điều khoản loại trừ "cố ý khởi động lại động cơ đã ngưng hoạt động" trong giải quyết bồi thường thủy kích, ghi nhận từ thực tế cho thấy, việc áp dụng điều khoản này là hiếm hoi trên thị trường, bởi khó có thể xác định khách hàng "cố tình" hay "vô ý" phạm lỗi.
Chia sẻ với phóng viên, lãnh đạo phụ trách ban xe của Bảo hiểm Petrolimex (PJICO) cho biết, PJICO không áp dụng điều khoản loại trừ này vì không chứng minh được lỗi cố ý khởi động. Tương tự, lãnh đạo một công ty thành viên của Bảo hiểm PVI cho hay, hãng cũng không áp dụng bởi không thể chứng minh khách hàng đề lại máy trước hay sau khi xe bị thủy kích.
Anh Hùng - một chuyên viên bảo hiểm thì cho hay, theo bản năng, hầu hết lái xe đều khởi động lại xe (đề lại) khi bị chết máy, nên việc xác định lái xe cố tình hay vô ý nổ máy gần như bất khả thi.
Trên thực tế, khi bán xe ô tô, nhà sản xuất đã cung cấp sách hướng dẫn sử dụng xe. Nếu trong nội dung sách có khuyến cáo về việc khởi động xe khi bị thủy kích thì cơ quan giám định có cơ sở để xem xét lỗi cố ý.
Về vấn đề này, theo chuyên gia bảo hiểm Nguyễn Tiến Hùng, nhà bảo hiểm xác định lỗi “cố tình” hay “vô ý” để làm căn cứ chi trả bảo hiểm. Đây là điểm trọng yếu nên không thể tùy tiện giải thích theo quan điểm hay nhận thức chủ quan của từng người, mà phải dựa vào luật pháp.
Viện dẫn các văn bản pháp luật, ông Hùng cho biết, theo Điều 364 Bộ Luật Dân sự 2015, lỗi cố ý là trường hợp một người nhận thức rõ hành vi của mình sẽ gây thiệt hại cho người khác mà vẫn thực hiện và mong muốn, hoặc tuy không mong muốn nhưng để mặc cho thiệt hại xảy ra.
Lỗi vô ý là trường hợp một người không thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, mặc dù phải biết hoặc có thể biết trước thiệt hại sẽ xảy ra, hoặc thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, nhưng cho rằng thiệt hại sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn chặn được.
Còn theo Bộ Luật Hình sự, cố ý phạm tội là một trong những trường hợp như sau: Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra (Lỗi cố ý trực tiếp); người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra (Lỗi cố ý gián tiếp)...
Liên quan đến sách hướng dẫn sử dụng xe, theo ông Hùng, yếu tố này cũng chỉ giúp xác định người điều khiển xe "phải biết trước hoặc có thể biết trước", "phải thấy trước và có thể thấy trước". Để có thể đưa ra kết luận cố ý hay vô tình, cần phải có thêm bằng chứng chứng minh người điều khiển xe "mong muốn" hoặc "không mong muốn" hậu quả xảy ra.
Tất nhiên, với trường hợp nêu trên, doanh nghiệp đã viện dẫn kết luận của cơ quan độc lập để ra quyết định từ chối bồi thường. Nhưng dù bồi thường hay không, đây rõ ràng là một trường hợp cần tham khảo (case study) cho ngành bảo hiểm.