Tại Việt Nam, bảo hiểm thiên tai chưa được quan tâm đúng mức

Tại Việt Nam, bảo hiểm thiên tai chưa được quan tâm đúng mức

Bảo hiểm thiên tai vẫn là khoảng trống lớn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Rủi ro thiên tai tại châu Á và Việt Nam đang ngày càng gia tăng do biến đổi khí hậu, thế nhưng việc tham gia bảo hiểm cho loại rủi ro này vẫn là khoảng trống lớn.

Trận động đất mạnh 7,7 độ richter diễn ra ở miền Trung Myanmar vào trưa ngày 28/3/2025 không chỉ gây thiệt hại rất lớn cả về người và tài sản cho quốc gia này, mà còn làm rung chuyển cả khu vực. Người dân nhiều nước lân cận như Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc và Việt Nam cũng cảm nhận được chấn động.

Thông tin từ các hãng truyền thông cho biết, trận động đất gây sập hoàn toàn tòa nhà Văn phòng Tổng kiểm toán Thái Lan cao 34 tầng tại Bangkok đang xây dựng. Công trình này được bảo hiểm bởi một hợp đồng bảo hiểm mọi rủi ro xây dựng (CAR) với tổng giá trị 2,24 tỷ baht (tương đương 66 triệu USD). Các hãng bảo hiểm liên quan đang đánh giá tổng thể về thiệt hại và theo ước tính sơ bộ, con số thiệt hại có thể vượt 1 tỷ baht.

Tại Việt Nam, nhiều tòa nhà cao tầng ở TP. HCM, Hà Nội… cũng chịu tác động bởi dư chấn của trận động đất này. Chẳng hạn, tại chung cư Diamond Riverside (quận 8), khoảng 342 căn hộ bị nứt tường, nhiều khu vực hành lang bị bong gạch, phồng nền. Được biết, Ban quản trị chung cư đã phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra hạ tầng, ghi nhận thiệt hại và danh sách các căn hộ bị ảnh hưởng đã được gửi đến đơn vị bảo hiểm của chung cư để xem xét nguyên nhân và đề xuất hướng khắc phục.

Theo các chuyên gia về tái bảo hiểm, biến đổi khí hậu đang khiến thiên tai ngày càng trở nên khốc liệt, gây tổn thất kinh tế nặng nề. Tuy nhiên, theo báo cáo Khí hậu và Thảm họa năm 2024 của Aon, 91% tổn thất do thiên tai ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC) không được bảo hiểm. Tính đến nay, chỉ 6 tỷ USD thiệt hại ở khu vực này được bảo hiểm, thấp hơn mức trung bình 15 tỷ USD của thế kỷ 21.

Là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ thiên tai, nhưng tỷ lệ mua bảo hiểm ở châu Á vẫn rất thấp. Các số liệu thống kê cho thấy, vụ động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria (2023) gây thiệt hại hơn 100 tỷ USD, nhưng chỉ 15% có bảo hiểm; siêu bão Rai quét qua Philippines (2021) gây thiệt hại 500 triệu USD, nhưng ít người dân có bảo hiểm; trận lũ lụt tại Pakistan (2022) gây thiệt hại 30 tỷ USD, song gần như không có bảo hiểm…

Việt Nam cũng là một trong những quốc gia châu Á chịu ảnh hưởng nặng nề từ thiên tai, thế nhưng bảo hiểm thiên tai cũng chưa được phổ biến rộng rãi. Nhiều tổ chức, doanh nghiệp, người dân chưa thực sự quan tâm đến bảo hiểm thiên tai do chi phí cao và chưa nắm rõ lợi ích mà loại hình bảo hiểm này mang lại. Trên thị trường, các công ty bảo hiểm cũng chỉ mới triển khai một vài loại hình bảo hiểm có liên quan như bảo hiểm nhà tư nhân (có thể bao gồm thiên tai nhưng ít phổ biến); bảo hiểm cây trồng, vật nuôi (chủ yếu thí điểm ở một số địa phương); bảo hiểm tài sản doanh nghiệp (chỉ doanh nghiệp lớn mới tham gia).

Theo đại diện Bảo hiểm Agribank (ABIC), chỉ tính riêng cơn bão số 3 (Yagi) vừa qua, khoảng 28.200 khách hàng vay vốn tại Agribank bị ảnh hưởng, ước tính dư nợ bị ảnh hưởng lên tới hơn 40.000 tỷ đồng, dư nợ bị thiệt hại trực tiếp khoảng 14.600 tỷ đồng, trong đó chỉ 130 khách hàng và 94,77 tỷ đồng - tương ứng 0,65% dư nợ bị thiệt hại - được bồi thường do có bảo hiểm.

Đối với rủi ro động đất, tuy là loại rủi ro nghiêm trọng, nhưng bảo hiểm động đất lại chưa thực sự phổ biến tại Việt Nam, ngoài vì thiệt hại từ rủi ro này ở nước ta không cao, thì còn do nhận thức của người dân về bảo hiểm thiên tai chưa cao, bảo hiểm động đất cũng chưa được quy định bắt buộc như ở một số quốc gia khác và tâm lý trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước còn phổ biến.

Để thu hẹp khoảng trống bảo hiểm thiên tai nói chung, bảo hiểm động đất nói riêng, các chuyên gia cho rằng, việc đầu tiên cần làm là phải nâng cao nhận thức cộng đồng về rủi ro thiên tai và tầm quan trọng của bảo hiểm cho loại rủi ro này. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng nên xem xét bảo hiểm thiên tai là loại hình bảo hiểm bắt buộc và có chính sách hỗ trợ chi phí bảo hiểm cho các nhóm yếu thế. Các công ty bảo hiểm cần phát triển sản phẩm linh hoạt, dễ tiếp cận và kết hợp bảo hiểm thiên tai vào các gói bảo hiểm khác để giảm chi phí cho người dân…

Tin bài liên quan