Bảo hiểm theo yêu cầu “chờ thời”

Bảo hiểm theo yêu cầu “chờ thời”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dù còn khá mới mẻ tại Việt Nam, nhưng theo xu thế chung của thế giới, bảo hiểm theo yêu cầu đang được các công ty bảo hiểm đẩy mạnh.

Theo một báo cáo năm 2019, ước tính thị trường bảo hiểm theo yêu cầu của thế giới sẽ tăng gần 30% vào năm 2026. Các doanh nghiệp bảo hiểm cho rằng, những thay đổi về kinh tế và công nghệ đã thúc đẩy sự gia tăng của bảo hiểm theo yêu cầu, bao gồm các sản phẩm được bảo lãnh phát hành liên tục, các sản phẩm bảo hiểm vi mô và các sản phẩm dành cho người lao động trong nền kinh tế chia sẻ…

Sự xuất hiện của bảo hiểm theo yêu cầu bắt nguồn từ các xu hướng bao trùm của số hóa và cá nhân hóa. Số hóa không chỉ thay đổi kỳ vọng của người tiêu dùng, cách thức sản xuất và phân phối các sản phẩm bảo hiểm, mà còn cả những rủi ro tiềm ẩn. Tiến bộ công nghệ và sự sẵn có của dữ liệu đem lại những khả năng mới cho phép quyền truy cập dễ dàng và tức thì, cũng như các dịch vụ bảo hiểm được cá nhân hóa. Chẳng hạn, bảo hiểm xe hơi dựa trên hành vi và cách sử dụng, giảm giá bảo hiểm y tế cho lối sống lành mạnh...

Đặc điểm chính của bảo hiểm theo yêu cầu là người tiêu dùng có thể “bật và tắt” bảo hiểm khi cần. Người tiêu dùng thường mua bảo hiểm theo yêu cầu tại thời điểm hoặc trong thời gian mà họ phải chịu rủi ro cao hơn bình thường. Phạm vi bảo hiểm phản ánh nhu cầu tạm thời hoặc tình huống (sử dụng căn hộ hoặc vật dụng chung, phân công công việc, đi du lịch, học lái xe…), hoặc nhu cầu chọn lọc hay thích hợp (vật có giá trị không được bảo hiểm đầy đủ khi mang ra khỏi nhà, hoạt động thể thao không được bảo hiểm tai nạn cơ bản bảo hiểm đầy đủ...). Do đó, bảo hiểm theo yêu cầu không chỉ là cá nhân hóa giá cả, nó còn cung cấp phạm vi bảo hiểm trọn gói để giải quyết từng nhu cầu cụ thể.

Tại Việt Nam, không chỉ khối nhân thọ, khối phi nhân thọ cũng bắt đầu triển khai dòng sản phẩm bảo hiểm theo nhu cầu này. Tuy vậy, để có thể “bùng nổ” thì cần nhiều thời gian vì các doanh nghiệp hiện mới tập trung vào việc phát triển các dòng sản phẩm bảo hiểm vi mô (sản phẩm nhỏ lẻ dành cho các khách hàng cá nhân), mà chưa hướng đến sản phẩm có thể “tắt - bật” khi cần. Doanh thu phí từ những sản phẩm này thực tế cũng còn rất nhỏ. Thị trường mới có một số sản phẩm bảo hiểm theo hình thức này như bảo hiểm JupViec Care của PTI, bảo hiểm theo chuyến đi của Grab hay Bee... Thực tế, với sản phẩm bảo hiểm JupViec Care, khách hàng cũng có thể sử dụng chức năng “tắt - bật” khi hoàn thành công việc của mình.

Không ai có thể phủ nhận xu hướng tất yếu của các dòng sản phẩm bảo hiểm theo nhu cầu. Tuy nhiên, dòng sản phẩm này vẫn còn tiềm ẩn những rủi ro mà các doanh nghiệp buộc phải cân nhắc kỹ khi triển khai. Mặc dù, khách hàng có thể theo dõi chi phí của từng thời hạn bảo hiểm một cách minh bạch hơn, nhưng nhà bảo hiểm sẽ khó khăn hơn trong việc xem xét phạm vi bảo hiểm cũng như định phí do các rủi ro là không điển hình, mà tập trung vào các giai đoạn được khách hàng lựa chọn khi mua bảo hiểm.

Điều gây tranh cãi là liệu các dịch vụ bảo hiểm theo yêu cầu có thu hút khách hàng có hồ sơ rủi ro hơn hay không, hay nói cách khác, liệu khách hàng bảo hiểm theo yêu cầu có mô tả sự phân bổ tổn thất khác hay không? Theo các doanh nghiệp bảo hiểm, những người có ý định sử dụng bảo hiểm theo yêu cầu có nhiều khả năng gặp rủi ro tài chính hơn. Tuy nhiên, trong bối cảnh việc cung cấp bảo hiểm theo yêu cầu thường dựa trên dữ liệu và một số sản phẩm, thậm chí còn dựa trên cảm biến, sự bất cân xứng về thông tin có thể giảm khi việc sử dụng công nghệ cung cấp “năng lượng theo yêu cầu” đã chín muồi. Điều này sẽ cho phép các công ty bảo hiểm tính phí bảo hiểm cao hơn cho những cá nhân có rủi ro cao hơn. Về lý thuyết, sự khác biệt như vậy sẽ loại bỏ những cá nhân có rủi ro cao vì phí bảo hiểm dành cho họ sẽ tăng vọt.

Tin bài liên quan