Bảo hiểm sức khỏe tăng trưởng trong áp lực trục lợi

Bảo hiểm sức khỏe tăng trưởng trong áp lực trục lợi

(ĐTCK) Các công ty bảo hiểm nhân thọ đã nâng số bệnh được bảo hiểm lên đến hơn 30 bệnh.

Bảo hiểm sức khỏe tăng trưởng trong áp lực trục lợi ảnh 1

Các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ chú trọng hơn đến bảo hiểm chăm sóc sức khỏe

 

Các nghiệp vụ bảo hiểm truyền thống như bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm tài sản, bảo hiểm hàng hóa vận chuyển… đang ngày càng khó khai thác hơn với tỷ lệ tăng trưởng thấp, thì bảo hiểm sức khỏe và tai nạn con người vẫn tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ và đứng thử 3 về doanh thu với hơn 4.000 tỷ đồng.

Theo Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam, tính riêng khối bảo hiểm phi nhân thọ, năm 2012 bảo hiểm sức khỏe và tai nạn con người đạt doanh thu 4.011 tỉ đồng, tăng trưởng 22,25%. Thực tế, trong một vài năm gần đây không chỉ có doanh nghiệp khối phi nhân thọ mà nhiều doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã chú trọng và thành công trong việc phát triển sản phẩm bảo hiểm mới có quyền lợi về chăm sóc y tế, thương tật, tử vong cao hơn hấp dẫn với đối tượng khách hàng có thu nhập cao. Nhiều sản phẩm bảo hiểm sức khỏe được các doanh nghiệp bảo hiểm đưa ra thị trường hấp dẫn với nhu cầu xã hội.

Từ những sản phẩm cũ chỉ bảo hiểm hơn chục bệnh hiểm nghèo, các công ty bảo hiểm nhân thọ đã nâng số bệnh được bảo hiểm lên đến hơn 30 bệnh và mới đây nhất Generali Việt Nam cũng đã nghiên cứu và phát triển để đưa ra thị trường sản phẩm bảo hiểm bổ trợ “Bảo hiểm bệnh hiểm nghèo”. Với sản phẩm này người bệnh được bảo hiểm tới 38 bệnh hiểm nghèo, trong đó có một số căn bệnh nan y hiện đang khá phổ biến như ung thư, suy thận, đột quỵ, nhồi máu cơ tim… Bên cạnh đó, Generali Việt Nam cũng đưa ra thị trường sản phẩm bảo hiểm bổ trợ “Bảo hiểm miễn đóng phí bệnh hiểm nghèo” miễn toàn bộ phí bảo hiểm phải đóng trong tương lai của Hợp đồng bảo hiểm chính và các bảo hiểm bổ trợ khác đính kèm theo Hợp đồng bảo hiểm chính (nếu có) khi người bệnh chẳng may bị chẩn đoán mắc bệnh hiểm nghèo.

Phát triển những sản phẩm bảo hiểm có liên quan đến sức khỏe được nhận định sẽ là xu thế của những năm tới. Theo Cục quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), trong năm 2013 thị trường bảo hiểm nhân thọ sẽ vẫn tiếp tục tăng trưởng, cùng với việc phát triển các sản phẩm bảo hiểm truyền thống và bảo hiểm dành cho người nghèo, các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ chú trọng hơn đến phát triển sản phẩm bảo hiểm chăm sóc sức khỏe, bảo hiểm hưu trí...

Cùng với việc bán những sản phẩm này cho khách hàng cá nhân, các công ty bảo hiểm sẽ sử dụng các kênh phân phối khác như môi giới và tập trung vào các bên mua bảo hiểm là tổ chức. Generali Việt Nam , công ty bảo hiểm nhân thọ đi theo chiến lược về triển khai bảo hiểm nhóm cho biết, khách hàng doanh nghiệp mua bảo hiểm cho nhân viên ngày càng tăng vì sự tiện lợi mà các sản phẩm này mang lại. Những sản phẩm này được thiết kế khá nhiều quyền lợi về bảo hiểm y tế, chăm sóc sức khỏe cho nhân viên.

Được biết, Generali Việt Nam vừa mới chi trả quyền lợi bảo hiểm tử vong cho nhân viên một công ty đa quốc gia đang hoạt động tại Việt  Nam với số tiền gần 300 triệu đồng (trong đó hơn 200 triệu đồng tiền bảo hiểm tử vong và khoảng 70 triệu đồng tiền chi phí khám chữa bệnh nội ngoại trú trước khi nhân viên trên tử vong ). Trước đó, vào tháng 12/2012, Generali Việt Nam cũng đã chi trả quyền lợi bảo hiểm cho trường hợp tử vong đầu tiên cho người thân của anh Đặng Văn Hường là nhân viên giao nhận của công ty phát chuyển nhanh DHL-VNPT.

Không thể phủ nhận mức độ hấp dẫn của những sản phẩm bảo hiểm có liên quan đến sức khỏe và bệnh tật đối với nhiều khách hàng hiện nay. Tuy nhiên, cùng với sự  tăng trưởng không ngừng của các sản phẩm bảo hiểm này, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng đang phải đối mặt với thực tế đáng lo ngại về hiện tượng trục lợi bảo hiểm.

Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam cho biết, do thiếu việc làm nhiều người lao động mua bảo hiểm theo mức trách nhiệm khoán bồi thường theo số ngày nằm viện không quá 60 ngày/năm đã tranh thủ làm thủ tục nhập viện tại cơ sở điều trị quen biếtđể hưởng lợi bảo hiểm. Nhiều người mua bảo hiểm chăm sóc y tế chế độ cao đã trục lợi bảo hiểm bằng cách cho mượn thẻ khám chữa bệnh, thân quen y bác sĩ để có được hóa đơn điều trị thuốc men (kể cả thuốc bổ, thực phẩm chức năng, chăm sóc sắc đẹp) để đòi tiền bảo hiểm….

Thực trạng này đang đặt ra cho các doanh nghiệp bảo hiểm một vấn đề nếu không có các biện pháp quản lý chặt chẽ, ngăn chặn kịp thời thì dù tăng trưởng nhưng sản phẩm bảo hiểm hấp dẫn này vẫn không có lãi.