Theo thống kê sơ bộ từ các doanh nghiệp bảo hiểm, các sản phẩm bảo hiểm liên quan đến sức khỏe của toàn thị trường đã tăng khoảng 30% từ đầu năm tới nay.
Chi trả cho bảo hiểm liên quan đến quyền lợi sức khỏe y tế cũng tăng theo khi khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ hiện nay phần lớn là mua bảo hiểm sức khỏe.
Nhìn lại xu hướng xã hội đang định hình để thấy nhu cầu dài hạn về các giải pháp sức khỏe, sự bảo vệ và tích lũy tài chính tại châu Á sẽ ngày càng tăng cao, cụ thể là tầng lớp trung lưu đang nổi lên - là những người đang tiết kiệm và tham gia bảo hiểm dưới mức bình quân.
Sự tăng trưởng về kinh tế sẽ dẫn đến gia tăng thu nhập cá nhân và gia tăng tài sản. Khoảng 5.000 tỷ USD được tạo ra hàng năm ở châu Á đồng nghĩa với việc vào năm 2030, 2/3 tầng lớp trung lưu toàn cầu sẽ tập trung ở khu vực này.
Ngoài ra, nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng, một phần do tỷ lệ mắc các bệnh không lây nhiễm như bệnh tim, ung thư, tiểu đường… đang gia tăng.
Ở Việt Nam, theo các chuyên gia trong ngành, xu hướng tương tự đã và đang diễn ra. Những thay đổi này không chỉ là thách thức đối với các cá nhân, mà còn với các nhà hoạch định chính sách và chính phủ các nước trong khu vực.
Thực tế, việc các cá nhân phải tự chi trả khoảng 45% trên tổng số 15 tỷ USD chi phí chăm sóc sức khỏe hàng năm đặt ra gánh nặng tài chính lớn cho người tiêu dùng và gia đình của họ.
Gánh nặng này sẽ ngày càng lớn hơn, vì tỷ lệ mắc bệnh không truyền nhiễm ngày càng tăng được dự tính sẽ khiến chi phí chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam tăng khoảng ba lần, đạt 42,9 tỷ USD vào năm 2028.
Trong khi đó, theo một cuộc khảo sát gần đây do Prudential thực hiện, cứ 6 người Việt được khảo sát thì chỉ 1 người có sự chuẩn bị tốt để đối mặt với những rủi ro có thể xảy ra.
“Nếu cân nhắc tất cả các yếu tố này, chúng ta có thể tin rằng, tầng lớp trung lưu trẻ, có học thức, giàu có sẽ vừa mong muốn gia tăng tài sản, vừa muốn bảo vệ sức khỏe của chính họ và gia đình.
Riêng nhóm trung niên, họ sẽ mong muốn sống lâu hơn, khỏe mạnh hơn và được chuẩn bị tài chính cho bất cứ rủi ro nào về sức khỏe có thể xảy ra”, ông Nic Nicandrou, Tổng giám đốc điều hành của Prudential châu Á chia sẻ trong chuyến viếng thăm thị trường Việt Nam mới đây.
“Sự hội tụ của công nghệ di động và y học có thể là yếu tố thay đổi cuộc chơi trong cách mọi người quản lý và chăm sóc sức khỏe”, ông Nic Nicandrou nhìn nhận.
Được biết, Prudential đã ra mắt ứng dụng Pulse by Prudential vào tháng 8/2019 tại Malaysia và sẽ triển khai tại 10 thị trường khác, bao gồm Việt Nam vào năm 2020.
Đây là một ứng dụng miễn phí, cung cấp dịch vụ sức khỏe chất lượng theo thời gian thực cho khách hàng.
Không chỉ Prudential, mà các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ khác đều xem việc cung cấp các gói giải pháp chăm sóc sức khỏe là “kèo thơm”, góp phần thúc đẩy gia tăng doanh thu và thị trường nhân thọ Việt Nam đã được “hâm nóng” bởi một loạt sản phẩm bảo hiểm sức khỏe mới được ra mắt từ đầu năm 2019 đến nay.
Mới nhất, Bảo hiểm PVI và Swiss Life Network công bố thỏa thuận hợp tác toàn diện. Theo đó, Bảo hiểm PVI sẽ trở thành đối tác của Swiss Life Network trong hệ thống toàn cầu Pool Network, cung cấp chương trình bảo hiểm sức khỏe cho nhân viên của các công ty đa quốc gia tại Việt Nam (khoảng 100 doanh nghiệp).
Trước đó, Bảo hiểm Bảo Minh và Doctor Anywhere cũng đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với mong muốn đem tới cho khách hàng bảo hiểm trải nghiệm thăm khám sức khỏe tối ưu nhất.
Tại Bảo biểm Bưu điện (PTI), năm 2019, doanh thu từ dòng sản phẩm này tăng trưởng hơn 30% so với cùng kỳ và gấp đôi so với tốc độ chung của thị trường.
Lý giải nguyên nhân tăng trưởng cao, lãnh đạo PTI cho biết, ngoài khách hàng cá nhân, nhóm khách hàng chính yếu là các doanh nghiệp mua bảo hiểm cho cán bộ - nhân viên, tập trung ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Ðà Nẵng…
Được biết, bán bảo hiểm sức khỏe cho khách hàng nhóm là chiến lược quan trọng của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, song song với việc ra mắt các sản phẩm bảo hiểm chăm sóc sức khỏe cho khách hàng cá nhân.