Với chủ trương, định hướng kinh doanh hiệu quả đối với nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới, đặc biệt là bảo hiểm vật chất xe, việc kiểm soát chặt chẽ chất lượng đầu vào của nghiệp vụ này tiếp tục được các doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện.
Để bù đắp nguồn thu phí do việc việc tái cơ cấu doanh thu bảo hiểm xe cơ giới, thời gian qua, các doanh nghiệp đã chủ động thay đổi cơ cấu nghiệp vụ, tập trung mở rộng các sản phẩm bảo hiểm khác như bảo hiểm chăm sóc sức khỏe, bảo hiểm tín dụng…
Năm 2018, theo thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, doanh thu phí bảo hiểm sức khỏe đạt hơn 14.000 tỷ đồng, tương đương với doanh thu của bảo hiểm xe cơ giới, chiếm tỷ trọng khoảng 30% tổng doanh thu phí bảo hiểm của các nghiệp vụ. Mức tăng trưởng doanh thu bảo hiểm sức khỏe là 15%, còn doanh thu bảo hiểm xe cơ giới chỉ tăng trưởng 7%.
Trước đó, năm 2017, bảo hiểm xe cơ giới đạt doanh thu 13.234 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 32%; bảo hiểm sức khỏe đạt doanh thu 12.018 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 29% tổng doanh thu toàn thị trường.
Hiện tại, doanh thu bảo hiểm xe cơ giới đang chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng doanh thu, nhưng dự báo trong những năm tới, nghiệp vụ bảo hiểm con người, trong đó đáng chú ý là bảo hiểm chăm sóc sức khỏe, bảo hiểm tai nạn sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh. Nghiệp vụ bảo hiểm này có thể trở thành nghiệp vụ có tỷ trọng doanh thu lớn nhất trong các nghiệp vụ của khối phi nhân thọ.
Có nhiều cơ sở dẫn đến dự báo trên, trong đó yếu tố quan trọng là đời sống của người dân ngày càng được nâng cao, trong khi vấn đề về sức khỏe, đặc biệt là các bệnh hiểm nghèo tăng nhanh, khiến cho nhu cầu mua bảo hiểm sức khỏe của người dân tăng lên. Không chỉ bán cho cá nhân, nhiều công ty sản xuất - kinh doanh cũng coi việc trang bị gói bảo hiểm cho cán bộ, nhân viên là một chế độ phúc lợi ưu việt.
Sau 2 năm chuyển dịch, nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe của Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI) tăng từ 565 tỷ đồng năm 2016 lên 1.335 tỷ đồng năm 2018, tăng 136%. Lãnh đạo PTI cho biết, để có sự chuyển dịch như vậy, Tổng công ty tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ, đơn giản hóa quy trình bồi thường, mở rộng mạng lưới bệnh viện bảo lãnh, đặc biệt nghiên cứu đưa ra các sản phẩm bảo hiểm mới, phù hợp với nhu cầu mua hàng online của khách hàng. Năm 2019, bên cạnh phát triển sản phẩm truyền thống, PTI sẽ xây dựng các sản phẩm bảo hiểm mới với quyền lợi đơn giản, mức phí thấp và chi trả bảo hiểm online.
Nhiều công ty bảo hiểm khác đang mở rộng hệ thống bằng việc ký kế hợp đồng hợp tác với các ngân hàng như Techcombank, ACB, Vietcombank, PG Bank, HD Finance, Tiên Phong Bank, OBC, hoặc phát triển bảo hiểm con người, trong đó có bảo hiểm sức khỏe qua các công ty môi giới như AON, Marsh, Gras Savoye Willis, hay bán qua kênh trực tuyến của chính các công ty.
Chẳng hạn, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIC) đang cung cấp 2 sản phẩm bảo hiểm sức khỏe là bảo hiểm sức khỏe toàn diện BIC Tâm An và bảo hiểm viện phí dành cho khách hàng chỉ có nhu cầu điều trị nội trú trên website bán hàng trực tuyến của Tổng công ty. Đặc biệt, từ tháng 5/2019, BIC triển khai hệ thống bảo lãnh viện phí online, giúp rút ngắn thời gian thực hiện bảo lãnh viện phí cho khách hàng. Bên cạnh đó, BIC áp dụng hình thức bảo lãnh qua điện thoại cho một số trường hợp bảo lãnh với chi phí nhỏ.
“Quá trình bảo lãnh sẽ được cập nhật tới khách hàng qua tin nhắn SMS. Từ tháng 5/2019, BIC sẽ thực hiện bảo lãnh viện phí ngoài giờ hành chính để phục vụ khách hàng tốt hơn, ngay cả trong những ngày nghỉ hoặc sau giờ làm việc”, đại diện BIC nói.
Trong khi đó, cùng với việc mở rộng hợp tác với ngân hàng và tìm kiếm thêm đối tác là công ty tài chính để bán bảo hiểm con người, theo ông Lê Văn Thành, Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Bảo Minh, năm 2019, Tổng công ty cũng sẽ phát triển các gói chăm sóc sức khỏe và bán qua các công ty tài chính.