Bảo hiểm sức khỏe bứt phá

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bảo hiểm sức khỏe đã cho thấy sự bứt phá trong mùa dịch với mức tăng trưởng hơn 10 lần trong năm 2021 (tính tới cuối quý III/2021 và thống kê riêng khối nhân thọ).
 Sản phẩm bảo hiểm sức khỏe bán chạy trên kênh số

Sản phẩm bảo hiểm sức khỏe bán chạy trên kênh số

Bùng nổ nhờ trực tuyến

Theo thống kê sơ bộ của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, tính đến hết quý III/2021, doanh thu phí bảo hiểm sức khỏe đạt khoảng 400 tỷ đồng, tăng hơn 10 lần so với cùng kỳ năm trước. Sản phẩm này thời gian qua được hầu hết công ty bảo hiểm nhân thọ triển khai bán rộng rãi trên các kênh thương mại điện tử cũng như trên website của công ty. Tương tự, tại khối phi nhân thọ, thống kê sơ bộ cho thấy, doanh thu phí bảo hiểm chăm sóc sức khỏe tăng trưởng hơn 20%, trong khi bảo hiểm tại nạn và bảo hiểm y tế sụt giảm mạnh.

Thực tế, sự ra đời của các sản phẩm bảo hiểm trực tuyến đang dần thay đổi quan niệm của khách hàng về bảo hiểm. Một trong những lợi ích khi mua bảo hiểm online là thông tin rõ ràng, minh bạch. Với bảo hiểm trực tuyến, khách hàng có thể chủ động tra cứu thông tin về bảo hiểm của mình mọi lúc, mọi nơi. So với các sản phẩm khác, sản phẩm bảo hiểm sức khỏe online thông thường được thiết kế với chi phí hợp lý, chỉ vài chục đến vài trăm ngàn đồng, với quyền lợi bảo vệ vượt trội và phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng. Khách hàng cũng chỉ mất vài phút để mua hợp đồng bảo hiểm, thực hiện một số thao tác chạm đơn giản để yêu cầu bồi thường bảo hiểm…

Thời gian qua, trong khi các doanh nghiệp phi nhân thọ liên tục tung ra các chương trình giảm phí bảo hiểm cho khách hàng mới mua bảo hiểm sức khỏe và khách hàng tái tục trên kênh trực tuyến, thì các doanh nghiệp nhân thọ cũng đưa ra thị trường thêm nhiều sản phẩm bảo hiểm chăm sóc sức khỏe mới trên cả kênh trực tuyến và các kênh khác.

Đơn cử, khi công bố hợp tác bán bảo hiểm qua HDBank, FWD Việt Nam cho biết, trong giai đoạn khởi đầu, HDBank sẽ phân phối ngay 7 sản phẩm bảo hiểm bổ trợ gồm FWD Care Bảo hiểm bệnh hiểm nghèo 2.0, FWD Care Bảo hiểm miễn đóng phí bệnh hiểm nghèo 2.0, FWD Care Bảo hiểm miễn đóng phí nâng cao 2.0, FWD Care Bảo hiểm sức khỏe 2.0, FWD Care Bảo hiểm trợ cấp nằm viện, FWD Care Bảo hiểm tử vong và thương tật, bảo hiểm trực tuyến “FWD bộ 3 Bảo vệ”…

Tại AIA Việt Nam, sau khi chính thức ra mắt 2 sản phẩm bảo hiểm hỗ trợ chi phí y tế đầu tiên trên nền tảng thương mại điện tử Tiki, nhà bảo hiểm này kỳ vọng các sản phẩm Care Nex - Hỗ trợ chi phí nằm viện và phẫu thuật do tai nạn và Ultra Care Nex - Hỗ trợ chi phí nằm viện và phẫu thuật sẽ là bước khởi đầu quan trọng cho thỏa thuận hợp tác độc quyền toàn diện trong 10 năm giữa đôi bên.

Được biết, các sản phẩm bảo hiểm hỗ trợ chi phí y tế được AIA Việt Nam thiết kế dựa trên khảo sát kỹ lưỡng nhu cầu người tiêu dùng, với nhiều quyền lợi từ cơ bản đến nâng cao. Khách hàng được hoàn toàn chủ động lựa chọn số tiền bảo hiểm và quyền lợi phù hợp với nhu cầu bảo vệ của cá nhân với phí đóng định kỳ rất thấp, chỉ từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng mỗi năm…

Đón đầu nhu cầu khách hàng trong thời “bình thường mới”, Hanwha Life Việt Nam giới thiệu sản phẩm mới - Bảo hiểm hỗ trợ viện phí toàn cầu với mục đích hỗ trợ chi trả một khoản tiền cho mỗi ngày nằm viện... Là sản phẩm bảo hiểm bổ sung đi kèm với sản phẩm bảo hiểm chính, sản phẩm bảo hiểm này sẽ hỗ trợ tài chính khi khách hàng phải nhập viện điều trị tùy theo gói bảo hiểm mà khách hàng tham gia và sau thời gian chờ theo quy định của sản phẩm. Với phạm vi bảo hiểm đã được mở rộng khắp toàn cầu, khách hàng có thể yên tâm cho những chuyến du lịch, công tác tại nước ngoài nếu có vấn đề về sức khỏe…

Bảo hiểm sức khỏe còn nhiều dư địa phát triển khi dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp

Bảo hiểm sức khỏe còn nhiều dư địa phát triển khi dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp

Còn nhiều dư địa phát triển

Đại dịch Covid-19 đã nâng cao nhận thức của người dân về các rủi ro sức khỏe. Báo cáo nghiên cứu thị trường “Bảo hiểm y tế - Phân tích và quỹ đạo thị trường toàn cầu” của Global Industry Analysts (GIA) cho thấy, thị trường bảo hiểm y tế toàn cầu dự kiến đạt 1.200 tỷ USD vào năm 2026, tốc độ tăng trưởng CAGR (tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm) là 2,2%/năm.

Kết quả cuộc khảo sát được thực hiện bởi Herbalife Nutrition đối với 3.000 người tiêu dùng ở Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, Philippines, Singapore và Việt Nam mới đây cho biết, 94% người được khảo sát đã và đang thực hiện các bước để cải thiện sức khỏe và người tiêu dùng Việt Nam đã chú trọng nhiều hơn cho các mục tiêu vì sức khỏe, với 51% số người được hỏi cho biết chế độ ăn uống hàng ngày đã lành mạnh hơn khi được bổ sung thêm nhiều vitamin và khoáng chất.

Ngoài ra, 40% chú trọng nhiều hơn đến sức khỏe toàn diện ở các phương diện tinh thần, thể chất và nhu cầu xã hội, 35% tập trung vào việc đạt được các mục tiêu nhỏ và dễ quản lý hơn. Cùng việc được đảm bảo sức khỏe, mua bảo hiểm y tế kịp thời cũng giúp người dân lập kế hoạch tài chính tốt hơn bằng cách tiết kiệm tiền thuế, đảm bảo khoản tiết kiệm không bị ảnh hưởng trong trường hợp khẩn thiết liên quan đến sức khỏe.

Theo báo cáo “Triển vọng thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam” của AM Best, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng tốt hơn so với nhiều quốc gia cùng khu vực, trong đó bảo hiểm sức khỏe và tai nạn cá nhân (P&C) tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của phân khúc này. Chính vì thế, trong năm 2022 , cùng với việc tiếp tục đầu tư vào công nghệ và quy trình để liên tục nâng cao chất lượng dịch vụ cũng như trải nghiệm của khách hàng, các công ty bảo hiểm đều có kế hoạch giới thiệu thêm các sản phẩm mới ra thị trường, đặc biệt là các sản phẩm bảo hiểm chăm sóc sức khỏe.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán đại diện của PTI cho biết, nhu cầu về bảo vệ sức khỏe chắc chắn sẽ tăng cao do mức sống của người dân ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên, thay vì chỉ tập trung xây dựng những dòng sản phẩm cao cấp để phục vụ nhóm nhỏ khách hàng có thu nhập cao, các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ đẩy mạnh nghiên cứu đưa ra những dòng sản phẩm có mức phí nhỏ, quyền lợi vừa phải để phổ cập tới số đông, nhất là những khách hàng có thu nhập thấp.

Cách thức mua hàng và đóng phí cũng được điều chỉnh theo hướng linh hoạt hơn, khách hàng có thể đóng tiền bảo hiểm “trả góp” với mức phí chỉ khoảng chục nghìn đồng mỗi ngày. Những sản phẩm bảo hiểm sức khỏe theo dạng vi mô như vậy sẽ giúp các doanh nghiệp bảo hiểm tiếp cận được số đông người dân đang có nhu cầu về bảo hiểm, nhưng không đủ khả năng tài chính đóng một khoản phí lớn một lúc.

Tin bài liên quan