Bảo hiểm số đón tin vui từ xe công nghệ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các hãng xe công nghệ như Grab, Be, Xanh SM và Gojek đang đính kèm bảo hiểm nhúng cho mỗi chuyến đi.
Xanh SM kết hợp với Bảo hiểm PVI cho ra đời sản phẩm bảo hiểm chuyến đi

Xanh SM kết hợp với Bảo hiểm PVI cho ra đời sản phẩm bảo hiểm chuyến đi

Đồng loạt nhập cuộc

Xanh SM đã kết hợp với Tổng công ty Bảo hiểm PVI cho ra đời sản phẩm bảo hiểm Xanh SM Care. Với mức phí 1.000 đồng (cho chuyến xe bike) hoặc 2.000 đồng (cho chuyến xe car), khách hàng được hưởng quyền lợi bảo hiểm cho tình huống không may bị tử vong, hoặc bị thương tật toàn bộ vĩnh viễn do tai nạn trong chuyến đi lên tới 500 triệu đồng.

Be - một trong những hãng xe công nghệ lớn tại Việt Nam cũng hợp tác với Bảo hiểm số OPES cung cấp bảo hiểm cho chuyến đi, với mức phí 2.000 đồng dành cho chuyến Becar. Sau khi triển khai thành công sản phẩm bảo hiểm trách nhiệm dân sự xe cơ giới trên ứng dụng Be, từ tháng 12/2023, OPES tiếp tục hợp tác với đội ngũ tài xế Be để cung cấp loại hình bảo hiểm này.

Grab thì kết hợp với Công ty TNHH Bảo hiểm Chubb Việt Nam triển khai sản phẩm Ride Cover, với mức phí 2.000 đồng, để gia tăng quyền lợi bảo hiểm tai nạn cá nhân cho hành khách. Cụ thể, nếu không tham gia Ride Cover, trường hợp khách hàng bị tử vong, thương tật sẽ được hưởng quyền lợi bảo hiểm từ Grab tối đa là 121.951.200 đồng. Còn khi tham gia, khách hàng được bồi thường tối đa lên tới 500 triệu đồng...

Mức phí bảo hiểm phổ biến 1.000 - 2.000 đồng/chuyến tưởng chừng rất nhỏ, nhưng giả sử, mỗi ngày có khoảng 1 triệu chuyến đi tham gia bảo hiểm, tổng doanh thu phí bảo hiểm từ sản phẩm này mỗi ngày lên tới hàng tỷ đồng - con số không hề nhỏ. Với miếng bánh thị trường màu mỡ như vậy, dễ hiểu vì sao các hãng xe công nghệ và các hãng bảo hiểm kết hợp với nhau triển khai sản phẩm này.

Những lưu ý

Với phí bảo hiểm nhỏ, chỉ từ 1.000 đồng nhưng hành khách di chuyển bằng xe công nghệ lại được hưởng các quyền lợi tử vong, thương tật và chi phí y tế do tai nạn với giá trị lớn. Tuy nhiên, các sản phẩm bảo hiểm đều có các điều khoản loại trừ mà người mua cần nắm rõ để tránh tranh chấp về sau.

Chẳng hạn, một số hãng gọi xe loại trừ bảo hiểm nếu tổn thất hoặc thương tật phát sinh từ/hoặc do hậu quả của những nguyên nhân như người được bảo hiểm hành động dưới tác động của thức uống có cồn, thuốc kích thích, ma túy đến mức mất khả năng kiểm soát ý thức; tự tử hoặc mưu toan tự tử, hoặc tự mình gây thương tích; mang thai, sinh con, sẩy thai, phá thai, vô sinh, phẫu thuật thẩm mỹ, rối loạn tâm thần…

Thời gian qua, cũng có những ý kiến băn khoăn về việc Điều 69, Luật Giao thông đường bộ năm 2008, người kinh doanh vận tải hành khách có các nghĩa vụ thực hiện đầy đủ các cam kết về chất lượng vận tải, hợp đồng vận tải; mua bảo hiểm cho hành khách; phí bảo hiểm được tính vào giá vé. Như vậy, giá cước vận tải đã bao gồm bảo hiểm bắt buộc cho hành khách. Liệu việc mua thêm bảo hiểm chuyến đi có phải là “bảo hiểm chồng bảo hiểm”? Chưa kể, cũng có hành khách phản ánh không hề biết được bảo hiểm khi đặt xe công nghệ, rằng “quy trình bán mang tính áp đặt và mập mờ, nên nếu không để ý sẽ không biết để lựa chọn giữ nguyên hoặc bỏ” và đặt câu hỏi: Có phải doanh nghiệp xe công nghệ tận thu của khách hàng?

Từ góc nhìn của chuyên gia trong lĩnh vực bảo hiểm, ông Đỗ Thế Vinh, CEO Bảo hiểm trực tuyến – IBAOHIEM cho rằng, có thể hành khách có sự nhầm lẫn, vì khi truy cập vào các app trên vào ngày 21/8/2024, ông thấy không hề mặc định mua bảo hiểm chuyến đi.

“Đây không phải là sản phẩm đính kèm bắt buộc nên hành khách hoàn toàn có thể thay đổi được. Kể cả mặc định thì khách hàng vẫn có thể nhấn vào phím tắt để hủy bỏ, miễn là hành khách có chút kiến thức về công nghệ”, ông Vinh khẳng định.

Theo tìm hiểu của người viết, tại app gọi xe Grab, hiển thị dòng chữ nhận Ride Cover, nếu ấn vào dòng này sẽ ra một lựa chọn có mua bảo hiểm hay không, chứ không phải mặc định với khách hàng. Hay thông tin từ Xanh SM cho biết, vì Xanh SM Care là sản phẩm bảo hiểm bổ sung nhằm gia tăng quyền lợi của khách hàng trên mỗi chuyến đi nên hành khách có quyền lựa chọn mua bổ sung hoặc không.

Khi sử dụng app gọi xe của Be, khách hàng cũng nhận được tùy chọn: “Bằng việc giữ chọn ô bảo hiểm, Trio Care của Công ty cổ phần Bảo hiểm OPES, tôi xác nhận đã đọc, hiểu rõ và đồng ý tham gia bảo hiểm với các điều kiện, điều khoản bảo hiểm” và lưu ý “khách hàng không muốn tham gia bảo hiểm thì bỏ chọn ô bảo hiểm và nhấn hủy”.

Cũng theo ông Vinh, kênh bán bảo hiểm qua các hãng xe công nghệ minh bạch hơn hẳn so với kênh bán truyền thống kiểu thủ công.

“Mảng bảo hiểm số đang chập chững những bước đi đầu tiên nên cần được tạo điều kiện để phát triển”, CEO IBAOHIEM khuyến nghị.

Tin bài liên quan