Điểm lại một số sự kiện hơp tác ngân hàng - bảo hiểm nổi bật thì thấy, “châm ngòi” cho việc ngân hàng bán bảo hiểm là năm 2001, khi AIA Việt Nam ký thỏa thuận hợp tác với Ngân hàng Hồng Kông - Thượng Hải (HSBC). Năm 2006, Techcombank liên kết với Bảo Việt Nhân thọ cho ra mắt sản phẩm tích hợp An sinh giáo dục. Năm 2008, Ngân hàng BIDV công bố mua lại phần vốn góp trong Liên doanh Bảo hiểm Việt - Úc để thành lập công ty bảo hiểm phi nhân thọ con là BIC, mở đầu cho “làn sóng” bancassurance (bán bảo hiểm qua hệ thống ngân hàng).
Chiến lược thành lập công ty bảo hiểm con để tối đa hóa hiệu quả kinh doanh dần lan tỏa, sau BIDV là VietinBank và Agribank, Vietcombank... Các ngân hàng khác không thành lập công ty bảo hiểm con thì cũng rốt ráo tìm kiếm liên kết với các công ty bảo hiểm để hợp tác theo nhiều hình thức.
Hơn 10 năm sau sự kiện bancassurance chính thức được triển khai trên thị trường, cục diện đã có sự định hình khá rõ nét. Hầu hết ngân hàng đều triển khai bancassurance, điển hình là BIDV - BIC, Vietinbank - Bảo Ngân, Agribank - ABIC, MBBank - MIC. Ngoài ra, không thể không kể tới mối hợp tác tương đối hiệu quả của Techcombank/HSBC - Bảo Việt. Những nhân tố tích cực khác trong cuộc đua bancassurance cũng đã nổi lên như Vietcombank, Maritime Bank, ACB…
Dù vậy, tỷ trọng doanh thu phí bảo hiểm qua ngân hàng hiện chưa được 5% tổng doanh thu phí bảo hiểm. Không nhiều ví dụ thành công như BIDV với BIC hay Agribank với ABIC. Trong năm 2011, chỉ riêng doanh thu từ bán chéo sản phẩm và gói dịch vụ tích hợp bảo hiểm - ngân hàng của BIDV - BIC là hơn 25 tỷ đồng. Còn tổng doanh thu từ các sản phẩm bancassurance nói chung của BIC là 320 tỷ đồng. Trong khi đó, các gói dịch vụ bảo hiểm mang lại doanh thu cho Agribank - ABIC là 70 tỷ đồng, Vietcombank - Cadiff là 27 tỷ đồng, Vietinbank - Bảo Ngân là 7 tỷ đồng.
Được biết, hiện doanh thu phí bảo hiểm qua ngân hàng của BIC chiếm hơn 50% tổng doanh thu phí bảo hiểm. Đối với BIDV, kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng đang là thế mạnh, là điểm vượt trội so với các ngân hàng khác.
Xét trên cục diện chung cả thị trường, có vẻ như bancassurance đang là xu hướng tất yếu, nếu ngân hàng nào không theo có thể bị giảm lợi thế cạnh tranh. Bởi suy cho cùng, các ngân hàng muốn giữ chân khách hàng phải tạo cho họ sự thuận tiện đối đa khi tiếp cận sản phẩm, dịch vụ, đặc biệt là các dịch vụ gia tăng, “khép kín” chu trình cung cấp dịch vụ, thỏa mãn các nhu cầu về tài chính của khách hàng.
Tuy vậy, không phải ngân hàng nào cũng có được mối liên kết hiệu quả và thành công. Nguyên nhân khách quan cũng có, chủ quan cũng có, nhưng quan trọng hơn cả là do các ngân hàng chưa có một tầm nhìn chiến lược cụ thể cho mối liên kết nhiều tiềm năng này. Hiện cụm từ “phát triển bancassurance” chưa có mặt trong chiến lược và kế hoạch hàng năm của hầu hết các ngân hàng. Tương tự như vậy, không nhiều công ty bảo hiểm coi Bancassuarance là một kế hoạch ưu tiên.
Do vậy, ngoại trừ BIDV, MBBank, Vietinbank, Agribank… đã có chiến lược phát triển tương đối rõ ràng và thu được kết quả với doanh thu tăng hàng năm, thì những liên kết khác dường như mới dừng lại ở mức độ “chuẩn bị”, chưa đem lại kết quả thực sự về con số.
Ngoài BIDV là ngân hàng tiên phong về phát triển bancassurance và đang dẫn đầu thị trường về kinh doanh bảo hiểm, thì kinh doanh bảo hiểm hiện tại cũng là điểm lợi thế và thường được nhắc tới của Agribank, Vietinbank, Techcombank và HSBC. Một số ý kiến cho rằng, khi các cuộc cạnh tranh đều trong tình trạng “bão hòa”, không phải là lãi suất, khuyến mại nữa, mà cuộc cạnh tranh giữa các ngân hàng đang đi vào chiều sâu, đánh vào nhu cầu thực sự của khách hàng, trong đó Bancassuarance sẽ là xu hướng tất yếu và trở thành một “cuộc chiến” thực sự trong tương lai.