Cụ thể, giai đoạn 1 PJICO sẽ chuyển đổi các Phòng nghiệp vụ chức năng thành các Ban nghiệp vụ chức năng; Thành lập một số Ban mới như Ban quản lý phát triển đại lý (tách từ phòng Bancassurance và quản lý đại lý trước đây), Ban bảo hiểm khách hàng doanh nghiệp; Mảng công nghệ thông tin thành lập Ban công nghệ thông tin và Ban phát triển giải pháp đa kênh. Ngoài ra, Hội đồng quản trị giao Tổng giám đốc thành lập thêm các phòng chuyên sâu trong một số ban khi cần thiết.
Giai đoạn 2, sau khi đã hoàn thành tái cơ cấu giai đoạn 1, Tổng công ty sẽ tiếp tục nghiên cứu để triển khai tái cơ cấu khi đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất, con người.
10 năm trước đó, năm 2013, PJICO cũng đã thực hiện Đề án tái cấu trúc để tạo điều kiện cho các đơn vị trực thuộc hệ thống có cơ hội tổ chức hoạt động kinh doanh hiệu quả và phát triển theo hướng ổn định, bền vững. Sau 10 năm tái cấu trúc, vốn điều lệ của PJICO đã tăng từ 709 tỷ đồng lên 1.109 tỷ đồng; doanh thu phí bảo hiểm gốc tăng gấp hơn 2 lần từ 1.977 tỷ lên 4.150,7 tỷ đồng; lợi nhuận tăng gấp 3 lần từ 85,4 tỷ đồng lên 252 tỷ đồng.. .
Theo ông Phạm Thanh Hải – Chủ tịch HĐQT PJICO, việc cơ cấu Văn phòng Tổng công ty lần này không đơn thuần là đổi tên mà cần phải thay đổi về chất. Trước sức ép kinh doanh rất lớn từ thị trường và với vị thế đã khác so với trước, trọng trách của mỗi Giám đốc Ban phải được nâng lên rất cao mới đáp ứng được yêu cầu khối lượng công việc hiện nay và kỳ vọng của HĐQT trong thời gian tới.
Cùng với việc công bố quyết định tái cấu trúc hãng bảo hiểm này cũng công bố Dự án Tư vấn chuyển đổi số tại PJICO giai đoạn 2023-2028. Đây là dự án được kỳ vọng sẽ giúp tối ưu nguồn lực, phát triển các sản phẩm dịch vụ mới nhằm thúc đẩy chiến lược chuyển đổi xanh và phát triển bền vững cho PJICO.