Nhìn vào số lượng nội dung được đưa ra thảo luận tại Hội nghị, có thể thấy, còn quá nhiều việc phải làm phía trước để ngành bảo hiểm phi nhân thọ phát triển đi liền với an toàn và hiệu quả.
Hội nghị đã phân tích nhiều khó khăn của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ. 6 tháng đầu năm 2014, theo Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính, doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường phi nhân thọ ước đạt 13.077 tỷ đồng, tăng trưởng 7,3% so với cùng kỳ năm 2013. Vì vậy, vấn đề đẩy mạnh khai thác tiềm năng thị trường trong các tháng cuối năm để về đích kế hoạch doanh thu 27.195 tỷ đồng, tăng trưởng 11% đang là mối quan tâm số 1 của CEO.
“Chỉ cần 1 trong 5 DN dẫn đầu thị trường hiện nắm tới 70% thị phần không hoàn thành kế hoạch kinh doanh, trong khi không có DN khối sau bứt phá thì khả năng về đích doanh thu theo kế hoạch là rất khó”, lãnh đạo một DN bảo hiểm cho nhìn nhận.
Hội nghị cũng ghi nhận một diễn biến tích cực của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ, đó là con số bồi thường trong 6 tháng đầu năm, theo ước tính của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, đã giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái (4.599 tỷ đồng), tỷ lệ bồi thường đạt 35% (chưa tính đến dự phòng bồi thường). Trong đó, các nghiệp vụ chủ đạo như bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm tài sản thiệt hại, bảo hiểm thân tàu và trách nhiệm dân sự chủ tàu dẫu giảm nhẹ về mặt doanh thu, nhưng số tiền bồi thường đã giảm đáng kể.
Vấn đề mà các CEO bảo hiểm quan tâm không kém là sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý Nhà nước và Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam trong việc giúp các doanh nghiệp bảo hiểm phát triển sản phẩm bảo hiểm, hạn chế cạnh tranh không lành mạnh bằng hạ phí, mở rộng điều kiện điều khoản bảo hiểm phi kỹ thuật, đảm bảo phát triển đi liền với an toàn và hiệu quả. Từ đó, xây dựng được khối hợp tác tự quản giữa các doanh nghiệp bảo hiểm và góp phần xây dựng, phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam lành mạnh.
Các CEO bảo hiểm ghi nhận, cơ quan quản lý Nhà nước đang từng bước tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong cơ chế chính sách thủ tục, xây dựng môi trường pháp lý, môi trường kinh doanh tốt hơn để phát triển doanh nghiệp bảo hiểm và thị trường bảo hiểm. Nhưng trên thực tế, sẽ còn một khối lượng văn bản pháp quy lớn cần sớm được ban hành, để tạo hành lang pháp lý hoàn thiện cho hoạt động bảo hiểm.
Cũng tại Hội nghị, vấn đề tái cơ cấu ngành bảo hiểm tiếp tục được các CEO đưa ra thảo luận. Theo đó, từng doanh nghiệp bảo hiểm đã và đang tiến hành tái cơ cấu về vốn, năng lực tài chính, nguồn nhân lực, xếp sắp lại mô hình tổ chức quản lý kinh doanh, quản trị rủi ro, giá trị đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh tăng trưởng gắn liền với an toàn hiệu quả. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một doanh nghiệp bảo hiểm có nguy cơ mất khả năng thanh toán là VASS. Các CEO chờ đợi ở Bộ Tài chính là cần có biện pháp mạnh đối với việc tái cơ cấu doanh nghiệp này, để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng, các doanh nghiệp đồng bảo hiểm, tái bảo hiểm.
Một vấn đề phát sinh trong nửa năm nay được đưa ra bàn nghị sự của các CEO. Đó là việc hoàn tất thủ tục giải quyết bồi thường ước 2.500 tỷ đồng cho các khách hàng sau sự cố hồi đầu tháng 5 tại các khu công nghiệp TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh sao cho nhanh chóng, chính xác, phòng chống trục lợi bảo hiểm từ nay đến năm 2015.
Hội nghị đã thảo luận về quyết định ban hành thuật ngữ bảo hiểm phi nhân thọ; quyết định ban hành thỏa thuận hợp tác trong bảo hiểm tài sản; dự thảo biểu phí cho nhóm rủi ro Cat1, Cat2; Dự thảo mẫu biểu danh mục các nghiệp vụ bảo hiểm tài sản – kỹ thuật; dự thảo quy tắc, điều khoản bảo hiểm thân tàu… |