Khối phi nhân thọ ít chịu tác động từ khủng hoảng truyền thông trong năm qua

Khối phi nhân thọ ít chịu tác động từ khủng hoảng truyền thông trong năm qua

Bảo hiểm phi nhân thọ vẫn lãi lớn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngược chiều khối nhân thọ, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ vẫn có một năm thành công.

Nhiều nhà bảo hiểm lãi lớn

Tại hội nghị tổng kết kết quả kinh doanh năm 2023, lãnh đạo Bảo hiểm Bảo Minh (mã BMI) cho biết, năm 2023 là năm đánh dấu sự trở lại của Bảo Minh với vị trí Top 3 doanh thu phí trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ, tương ứng tỷ lệ thị phần chiếm 8% tổng doanh thu khai thác toàn thị trường.

Năm 2023, Bảo Minh ghi nhận kết quả tăng trưởng cả về doanh thu và lợi nhuận, dù thị trường khó khăn. Cụ thể, tổng doanh thu ước đạt 6.461 tỷ đồng, tăng 2,35% so với kết quả năm 2022; lợi nhuận trước thuế ước đạt 375 tỷ đồng, tăng 9,41%.

Theo ông Vũ Anh Tuấn - Tổng giám đốc Bảo Minh, thị trường kinh doanh bảo hiểm năm 2024 dự báo sẽ còn đối diện với nhiều thách thức. Tuy nhiên, Bảo Minh vẫn sẽ tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, trách nhiệm, khắc phục khó khăn, tận dụng cơ hội… để hoàn thành tốt kế hoạch kinh doanh của năm 2024.

Được biết, năm 2023, đại hội cổ đông của Bảo Minh đã thông qua kế hoạch kinh doanh với mức doanh thu 6.750 tỷ đồng, tăng trưởng 6,93%. Trong đó, doanh thu bảo hiểm gốc là 5.769,7 tỷ đồng; doanh thu nhận tái bảo hiểm là 630,3 tỷ đồng; doanh thu hoạt động tài chính và kinh doanh bất động sản đầu tư là 350 tỷ đồng. Mục tiêu lợi nhuận tăng trưởng 9,41% đạt 375 tỷ đồng, ROE tối thiểu 10%, tỷ lệ chia cổ tức tối thiểu 10%.

Bảo hiểm BIDV (mã BIC) cũng mới công bố hoàn thành các chỉ tiêu kinh doanh năm 2023. Cụ thể, tổng doanh thu phí bảo hiểm Công ty mẹ BIC đạt gần 5.000 tỷ đồng, tăng gần 30% so với thực hiện năm 2022 và hoàn thành 104% kế hoạch doanh thu cả năm. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm gốc đạt trên 4.600 tỷ đồng, tăng gần 30% và hoàn thành 105% kế hoạch năm, giúp BIC giữ vững vị trí Top 6 về thị phần doanh thu phí bảo hiểm gốc và là động lực để tiếp tục nâng cao thứ hạng trong năm 2024 cũng như những năm tới.

Trong năm 2024, chiến lược của các doanh nghiệp phi nhân thọ sẽ có sự chuyển dịch rõ rệt hơn, không còn quá tập trung vào cuộc đua thị phần mà xoay trục sang tối ưu hóa hiệu quả kinh doanh.

Không chỉ doanh thu phí, tổng lợi nhuận hợp nhất trước thuế của BIC cũng tăng trưởng cao trong năm qua với mức tăng gần 50% so với kết quả năm trước đó, đạt gần 580 tỷ đồng, hoàn thành 120% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Trong đó, lợi nhuận trước thuế Công ty mẹ BIC đạt gần 560 tỷ đồng, tăng hơn 50%.

Đáng chú ý, BIC tiếp tục ghi nhận lợi nhuận cao từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm trong năm qua. Tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) và tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) cũng tăng cao, ở mức 6,4% và 17%. Năm 2023, xét về tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận, BIC là hãng bảo hiểm có tốc độ tăng trưởng cao nhất thị trường.

Năm 2024, BIC quyết tâm hoàn thành vượt những mục tiêu để hướng tới dấu mốc kỷ niệm 20 năm thành lập, đó là: Đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng doanh thu, phấn đấu mục tiêu Top 5 về thị phần; tiếp tục duy trì vị trí trong Top 3 công ty bảo hiểm phi nhân thọ dẫn đầu về tỷ suất sinh lời trên thị trường…

Trong thông điệp đầu năm gửi khách hàng, cổ đông và cán bộ, công nhân viên, Bảo hiểm Petrolimex - PJICO (mã PGI) cho biết, trong năm 2023, PJICO đã cán mốc doanh thu bảo hiểm gốc 4.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hoàn thành vượt kế hoạch đề ra.

Được biết, năm 2023, Hội đồng quản trị PJICO trình đại hội kế hoạch doanh thu bảo hiểm gốc đạt gần 4.151 tỷ đồng, tăng 10% so với thực hiện năm 2022; lợi nhuận trước thuế gần 256 tỷ đồng, tăng nhẹ so với thực hiện năm trước; tỷ lệ trả cổ tức bằng tiền mặt là 12%.

Trong năm qua, PJICO đã thực hiện tái cơ cấu mô hình tổ chức tại Văn phòng Tổng công ty và khởi động dự án tư vấn chuyển đổi số giai đoạn 2023-2028. Theo PJICO, đây không chỉ là bước tiến tạo ra sự thay đổi về chất để sẵn sàng ứng phó với những biến động, cạnh tranh khốc liệt từ thị trường, mà còn là sự thay đổi tất yếu để phù hợp với quy mô doanh thu và năng lực tài chính hiện tại của PJICO.

Tại Bảo hiểm Bưu điện (mã PTI), dù chưa công bố kết quả kinh doanh cả năm, nhưng nhà bảo hiểm này đã xoay chuyển tình thế thành công khi báo lãi sau thuế 38,6 tỷ đồng theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2023, so với con số lỗ ròng hơn 167 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước.

Thách thức lãi suất thấp năm 2024

Hai hoạt động đóng góp lớn nhất vào lợi nhuận năm 2023 của các doanh nghiệp phi nhân thọ là kinh doanh bảo hiểm và hoạt động tài chính. Một số doanh nghiệp ghi nhận doanh thu, lợi nhuận từ bất động sản và các hoạt động khác, nhưng không nhiều. Việc không chịu tác động quá lớn từ cuộc khủng hoảng niềm tin như các doanh nghiệp nhân thọ giúp các doanh nghiệp phi nhân thọ ghi nhận doanh thu ổn định từ kinh doanh bảo hiểm, thế nhưng chi phí bồi thường tăng cao là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận gộp của mảng kinh doanh này sụt giảm.

Hoạt động tài chính có lãi lớn trong 3 quý đầu năm đã hỗ trợ cho lợi nhuận của các doanh nghiệp phi nhân thọ. Giai đoạn cuối năm 2022 - đầu năm 2023, lãi suất ngân hàng tăng cao giúp các doanh nghiệp bảo hiểm hưởng lợi, trước khi giảm nhanh trở lại trong giai đoạn cuối năm. Dẫu vậy, diễn biến này được cho là chưa tác động mạnh đến lợi nhuận năm 2023, mà sẽ từ năm tài chính 2024.

Theo các doanh nghiệp bảo hiểm, thị trường kinh doanh bảo hiểm năm 2024 sẽ còn đối diện với nhiều khó khăn, cho nên việc quản trị rủi ro theo hướng thận trọng, an toàn và hiệu quả tiếp tục được đặt lên hàng đầu.

Chẳng hạn, với Bảo hiểm PVI - hãng bảo hiểm đang nắm chắc thị phần doanh thu số 1 trên thị trường, dù chưa chính thức công bố, nhưng kết quả kinh doanh năm 2023 được dự báo khả quan. Đại diện của Bảo hiểm PVI từng chia sẻ, sự khả quan đến từ việc thay đổi cơ bản chiến lược kinh doanh, từ tập trung vào quy mô theo truyền thống chuyển sang ưu tiên yếu tố hiệu quả và chỉ tăng trưởng quy mô nếu kinh doanh có hiệu quả…

Tương tự, trong năm qua, PTI không còn đẩy mạnh tăng trưởng doanh số như giai đoạn trước, thay vào đó là tập trung quản trị rủi ro, kiện toàn bộ máy nhân sự sau khi “thay máu” đội ngũ lãnh đạo cấp cao… Chiến lược này khiến thị phần của PTI sụt giảm mạnh so với năm 2022 (từ mức hơn 9% giảm về mức hơn 7%), nhưng lợi nhuận có sự chuyển biến rõ nét. Một trong những giải pháp được PTI tập trung thực hiện là ứng dụng công nghệ thông tin để giảm chi phí vận hành, đẩy mạnh các sản phẩm có hiệu quả cao và kiểm soát chặt những nghiệp vụ có tỷ lệ bồi thường lớn…

Theo giới quan sát, trong năm 2024, chiến lược của các doanh nghiệp phi nhân thọ sẽ có sự chuyển dịch rõ rệt hơn, không còn quá tập trung vào cuộc đua thị phần mà xoay trục sang tối ưu hóa hiệu quả kinh doanh.

Tin bài liên quan