Trong đó, Bảo hiểm Bảo Việt và PTI thay đổi cả Chủ tịch lẫn Tổng Giám đốc, còn Bảo hiểm PVI và PJICO thì đổi Chủ tịch. Với các DNBH là đối thủ trực tiếp thì sự chuyển động trong việc thay đổi nhân sự cấp cao luôn là mối lưu tâm đặc biệt và tiểu sử nhân sự mới được nghiên cứu khá kỹ lưỡng
Theo ghi nhận của ĐTCK tại 4 DNBH kể trên, quyết định thay đổi nhân sự cấp cao này, ngoài lý do mang tính nhiệm kỳ hoặc người cũ đã đến tuổi về hưu (như Chủ tịch PTI) hoặc sắp đến tuổi về hưu ( như Chủ tịch PJICO) thì còn do một vài yếu tố mang tính chủ quan khác.
Thậm chí, có thông tin rằng, quyết định thay đổi lãnh đạo còn nhằm mục tiêu có một vị trí tại Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam (AVI) nhiệm kỳ mới, khi Chủ tịch AVI là ông Trịnh Quang Tuyến đã đến tuổi về hưu (vị trí Chủ tịch AVI là đại diện của khối DNBH).
Dù mục đích thay đổi nhân sự cấp cao là gì thì đều xuất phát từ mong muốn của những “ông chủ” thực sự là các cổ đông Nhà nước. Cụ thể, Bộ Tài chính, CTCP PVI, Petrolimex, VNPost hiện đang lần lượt nắm giữ cổ phần tại Tập đoàn Bảo Việt (công ty mẹ của Bảo hiểm Bảo Việt), Bảo hiểm PVI, PJICO và PTI. Ngay cả với việc “đổi tướng” tại MIC mới đây (thay đổi Chủ tịch HĐQT và bổ nhiệm Tổng giám đốc) cũng là do MB quyết định. Có thể nói, cho dù có những quyền hành lớn, thậm chí là kiêm nhiệm cả CEO lẫn Chủ tịch thì một số nhân sự cấp cao thực chất vẫn chỉ là người làm công, người đại diện, có thể bị miễn nhiệm bất kỳ lúc nào. Đây cũng là câu chuyện bình thường, không chỉ riêng với DNBH.
Các nhân sự cấp cao mới sẽ phải gánh vác nhiều thách thức, bởi quyền hành nhiều luôn kèm theo áp lực, rủi ro lớn. “DNBH với đặc thù là kinh doanh rủi ro, chuyên đi bảo vệ cho khách hàng trước rủi ro nhưng đôi khi lại đơn độc trong việc bảo vệ DNBH cũng như chính mình”, CEO kiêm Chủ tịch 1 DNBH lớn từng chia sẻ.
Tạm gác lại những thách thức phía trước, về phía cơ quan quản lý, ông Phùng Ngọc Khánh, Cục trưởng Cục Quản lý & giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) tin tưởng rằng, với đội ngũ lãnh đạo mới, các DNBH sẽ có những bước phát triển với những nhiệm vụ mới được đặt ra, hướng tới một thị trường phát triển ổn định, bền vững, phù hợp với yêu cầu tái cấu trúc toàn ngành theo chủ trương của Chính Phủ.
Trước sự bất ổn về nhân sự cấp cao tại không ít DNBH 2 năm trở lại đây, nhất là ở DN lớn, phía cơ quan quản lý đã có những quan ngại trong mục tiêu về tăng trưởng toàn ngành bảo hiểm cả năm 2014 cũng như trong năm nay. Tuy nhiên, kết thúc năm 2014, tổng doanh thu bảo hiểm phi nhân thọ vẫn tăng trưởng hai con số.
Diễn biến tăng trưởng vẫn tiếp tục duy trì cho đến 4 tháng đầu năm nay, khi doanh thu phí bảo hiểm của riêng khối bảo hiểm phi nhân thọ tăng gần 17%, ước đạt 9.939 tỷ đồng.
Mức tăng gần 17% này được lý giải là nhờ phong độ được giữ vững của hầu hết các DNBH thuộc top đầu thị trường, cùng sự vươn lên của một số DNBH mới/nhỏ sau quãng thời gian “đổi chủ”, tái cấu trúc. Thêm vào đó, dẫu có biến động về nhân sự, nhưng mọi hoạt động của các DN đều do cổ đông lớn “cầm trịch” nên không bị ảnh hưởng nhiều.
Trong đó, Bảo hiểm PVI giữ được nhịp tăng trưởng với mức tăng 13,15% so với cùng kỳ năm 2014, ước đạt 2.120 tỷ đồng doanh thu phí bảo hiểm gốc, duy trì vị trí dẫn đầu thị trường. PTI gây ấn tượng mạnh với mức tăng tới 36,52%. PJICO cũng lấy lại phong độ với mức tăng 12,21%.
Các DN mới/nhỏ sau quãng thời gian “đổi chủ”, tái cấu trúc đạt tỷ lệ tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm gốc trên 50%, đó là VASS (335 tỷ đồng, tăng 4,68 lần), VBI (121 tỷ đồng, tăng 2,23 lần), MIC (455 tỷ đồng, tăng 62,82%).
Chuyển động nhân sự còn diễn ra ngay ở đội ngũ lãnh đạo Cục Quản lý & giám sát bảo hiểm khi ông Nguyễn Quang Huyền sau khi được bổ nhiệm vị trí Phó Cục trưởng Cục Bảo hiểm phụ trách khối này đang dần thích nghi với nhiệm vụ mới. Cùng với 2 tân Chủ tịch, Tổng thư ký AVI sẽ được bầu mới tới đây và quyết tâm chung của toàn khối, hi vọng thị trường bảo hiểm sẽ bứt phá nhờ công cuộc “đổi chủ” trên diện rộng.