Theo Viện Nghiên cứu bảo hiểm Swiss Re, lạm phát vẫn là mối quan tâm hàng đầu của ngành bảo hiểm. Swiss Re dự báo, lạm phát tăng cao sẽ khiến chi phí bồi thường và chi phí hoạt động của các công ty bảo hiểm tăng rõ rệt trong năm 2023, ngay cả khi không xét đến những thay đổi về tần suất bồi thường và diễn biến của thảm họa tự nhiên. Trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, tăng trưởng toàn cầu chậm lại và lạm phát có thể sẽ làm giảm tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm tính theo giá trị thực tế xuống dưới 1% trong năm 2023.
Tại thị trường Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2023, tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ đạt 1,3% so với cùng kỳ năm trước - mức rất thấp trong nhiều năm trở lại đây.
Không khó để nhận thấy, tại các nghiệp vụ có tỷ lệ doanh thu cao như bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm xe cơ giới - 2 nghiệp vụ chiếm hơn 56% doanh thu toàn thị trường phi nhân thọ, việc khai thác đều rất ì ạch trong 6 tháng qua. Trong khi đó, không nằm ngoài xu thế tăng trưởng chậm của thị trường, doanh thu từ các hợp đồng cố định thuộc nghiệp vụ bảo hiểm tài sản, bảo hiểm hàng hóa từ thị trường trong nước cũng tăng chậm.
Theo Tổng công ty cổ phần Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam (VINARE), năm 2023 là năm thực sự khó khăn cho các công ty bảo hiểm trong nước khi thương lượng tái tục với các hội P&I (hay còn gọi là Pandi Club - một trong những hội bảo hiểm chuyên ngành hàng đầu thế giới, chuyên cung cấp các dịch vụ bảo hiểm trách nhiệm với tàu thủy và hàng hóa) trước những yêu cầu tăng cả phí và mức khấu trừ. Việc tăng phí để bù đắp thiếu hụt từ đầu tư tài chính và bồi thường tăng cao là vấn đề sống còn của các hội P&I. Trong khi đó, các công ty bảo hiểm thương lượng tái tục với các chủ tàu cũng không dễ dàng trước tình hình kinh doanh ngày một khó khăn.
Theo số liệu của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV), trong 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu bảo hiểm sức khỏe đạt 10.946 tỷ đồng, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước và chiếm tỷ trọng 31,4% trong tổng doanh thu; bồi thường đạt 3.788 tỷ đồng và tỷ lệ bồi thường là 34,6%. Doanh thu bảo hiểm xe cơ giới đạt 8.823 tỷ đồng, giảm 5,8% và chiếm tỷ trọng 25,3%; bồi thường đạt 4.678 tỷ đồng và tỷ lệ bồi thường là 53%. Doanh thu bảo hiểm tài sản thiệt hại đạt 10.119 tỷ đồng, tăng 11,3% và chiếm tỷ trọng 29%; bồi thường đạt 1.509 tỷ đồng và tỷ lệ bồi thường là 14,9%. Doanh thu bảo hiểm tàu (bao gồm bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ tàu và bảo hiểm P&I) đạt 1.624 tỷ đồng, tăng 13,2% và chiếm tỷ trọng 4,7%; bồi thường đạt 455 tỷ đồng và tỷ lệ bồi thường là 28%. Doanh thu bảo hiểm hàng hóa vận chuyển đạt 1.384 tỷ đồng, giảm 13,7% và chiếm tỷ trọng 4%; bồi thường đạt 505 tỷ đồng và tỷ lệ bồi thường là 36,5%.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, đại diện một doanh nghiệp phi nhân thọ nằm trong nhóm tăng trưởng 2 con số cho biết, sự tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm trong nửa đầu năm 2023 chủ yếu đến từ việc tăng cường nhận dịch vụ mới và phân phối qua ngân hàng là kênh mang lại doanh thu tốt nhất. Các sản phẩm bảo hiểm sức khỏe hay bảo hiểm người vay vốn vẫn là những sản phẩm chủ lực được bán qua kênh này. Tại một số doanh nghiệp, doanh thu qua kênh ngân hàng và tổ chức tài chính đã hoàn thành hơn 80% kế hoạch năm 2023 sau nửa đầu năm và mức tăng trưởng doanh thu cũng đạt trên 10% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, đối với các nghiệp vụ bán lẻ, khi bảo hiểm xe cơ giới tiếp tục sụt giảm doanh thu, bảo hiểm con người với kênh phân phối qua ngân hàng vẫn sẽ là “cứu cánh” cho các doanh nghiệp phi nhân thọ. Cùng với đó, việc Chính phủ đang đẩy mạnh triển khai các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm với mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước chiếm gần 50% kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 được kỳ vọng thúc đẩy doanh thu cho khối phi nhân thọ ở các nghiệp vụ bảo hiểm xây dựng, bảo hiểm hàng hóa…n