Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 của Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH) mới đây, tân Tổng giám đốc Nguyễn Văn Trưởng cho biết, trong năm 2021, cơ cấu nghiệp vụ bảo hiểm của BSH được chuyển dịch theo hướng tập trung vào nhóm nghiệp vụ bán buôn như bảo hiểm tài sản kỹ thuật - hàng hóa, qua đó đạt mức tăng trưởng cao 29%, hơn gấp đôi mức tăng trung bình thị trường là 13,6% và chiếm tỷ trọng doanh thu 14,3% (tăng 2% so với năm 2020), tạo tiền đề để BSH tiếp tục nâng cao nghiệp vụ này trong năm 2022 và những năm tiếp theo.
“Năm 2022, BSH đặt mục tiêu tăng tỷ trọng doanh thu bảo hiểm tài sản kỹ thuật - hàng hóa từ 14,3% lên 16,8% (tốc độ tăng trưởng tối thiểu 39%) thông qua việc tận dụng hệ sinh thái của Tập đoàn và các đối tác, duy trì vị trí tốp 7 hiện tại và tiệm cận tốp 6 công ty bảo hiểm phi nhân thọ về doanh thu bảo hiểm gốc”, ông Trưởng chia sẻ thêm.
Năm nay, nhóm bảo hiểm tài sản (với việc hoạt động giao thương quốc tế trở lại bình thường và nền kinh tế phục hồi) cùng với 2 nhóm nghiệp vụ khác là bảo hiểm tài sản kỹ thuật - hàng hóa (nhiều dự án đầu tư công giá trị lớn được thúc đẩy triển khai sau dịch) và bảo hiểm sức khỏe (với việc thay đổi nhận thức của người dân về bảo vệ sức khỏe thời dịch) tiếp tục được kỳ vọng đạt doanh thu cao, trở thành động lực tăng trưởng chính của thị trường phi nhân thọ.
Theo ông Bùi Gia Anh, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV), kết thúc 5 tháng đầu năm 2022, bảo hiểm sức khỏe tiếp tục dẫn đầu về doanh thu phí, ước đạt 8.512 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 30,9% trong tổng doanh thu và tăng 20,4% so với cùng kỳ năm trước; chi phí bồi thường nghiệp vụ là 2.392 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 28,1%. Trong khi đó, bảo hiểm tài sản thiệt hại đạt 3.405 tỷ đồng doanh thu phí, chiếm tỷ trọng 12,4% và giảm 2,2% so với cùng kỳ năm trước; chi phí bồi thường nghiệp vụ là 759 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 22,3%.
Với Bảo hiểm PVI, hiện dẫn đầu mảng bảo hiểm tài sản, bảo hiểm kỹ thuật…, nhà bảo hiểm này đang lấn sân sang lĩnh vực không phải là thế mạnh là bảo hiểm nông nghiệp với việc ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác với các hội nông dân tại các địa phương trên cả nước để cung cấp các sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ cho các hội viên, nông dân với ưu đãi giảm giá ít nhất 10% so với giá niêm yết trên thị trường, bao gồm các sản phẩm bảo hiểm tự nguyện và bảo hiểm bắt buộc như bảo hiểm chăm sóc sức khỏe, bảo hiểm sức khỏe cho người vay vốn, bảo hiểm tai nạn, ốm đau; bảo hiểm ô tô, xe máy, xây dựng, tài sản, cháy nổ bắt buộc…
Trong khi đó, nhà bảo hiểm gần như độc quyền lĩnh vực bảo hiểm nông nghiệp là Bảo hiểm Agribank (ABIC) đang tập trung đẩy mạnh doanh thu ngoài kênh bancassurance (phân phối bảo hiểm qua ngân hàng).
Lãnh đạo ABIC cho biết, doanh thu từ bancassurance hiện chiếm tỷ trọng trên 70% tổng doanh thu cho thấy sự mất cân đối trong cơ cấu doanh thu, vốn điều lệ còn thấp… là những điểm hạn chế của ABIC nhiều năm qua. Do đó, ABIC muốn khắc phục những tồn tại này bằng việc mở rộng thị trường, phát triển các sản phẩm mới, trong đó triển khai thí điểm sản phẩm bảo hiểm trâu bò đối với các hộ sản xuất vay vốn qua Agribank tại một số địa bàn.
Thực tế cho thấy, việc tái cơ cấu hoạt động chưa bao giờ là dễ dàng, kể cả với doanh nghiệp bảo hiểm lớn. Để trụ vững ở những nghiệp vụ bán buôn vốn có tính phức tạp cao như bảo hiểm tài sản - kỹ thuật…, ngoài mối quan hệ còn đòi hỏi nhà bảo hiểm phải có tiềm lực tài chính đủ mạnh, có năng lực về thẩm định, tái bồi thường, tái bảo hiểm… Bởi vậy, các công ty bảo hiểm chuyên khai thác các sản phẩm đơn giản như bảo hiểm xe, du lịch, sức khỏe… khi chuyển sang tiếp cận các sản phẩm bảo hiểm phức tạp sẽ gặp nhiều khó khăn do hạn chế cả về nguồn lực cũng như kinh nghiệm triển khai.
Đại diện BSH cho biết, ngoài tăng cường đào tạo nghiệp vụ cho đội ngũ kinh doanh, Công ty sẽ mở rộng hợp tác với các đối tác ngoài ngân hàng, các công ty công nghệ, đồng thời xây dựng hệ thống kênh phân phối tổ chức… để theo kịp các công ty bảo hiểm nhóm trên.