Hai thị trường tiềm năng
Mới đây, đoàn công tác của Bảo hiểm BIC do Chủ tịch HĐQT Phạm Quang Tùng dẫn đầu đã có chuyến thăm và khảo sát thị trường bảo hiểm Myanmar, xem xét cơ hội hợp tác kinh doanh và đầu tư của BIC tại thị trường này. Trong chuyến công tác, BIC đã đến tham quan trụ sở chính và làm việc với lãnh đạo Công ty Bảo hiểm Myanmar (MI). MI là công ty bảo hiểm lâu đời nhất và lớn nhất tại Myanmar, có 100% sở hữu Nhà nước Myanmar và là doanh nghiệp duy nhất tại đây được kinh doanh tất cả các loại hình nghiệp vụ bảo hiểm, trong đó làm đầu mối thực hiện nghiệp vụ tái bảo hiểm cho toàn thị trường.
Ông Aye Min Thein, Tổng giám đốc điều hành MI, đồng thời là Tổng thư ký Ủy ban Giám sát Kinh doanh Bảo hiểm Myanmar (IBSB) bày tỏ mong muốn được hợp tác với BIC trong việc cấp đơn bảo hiểm cho các nhà đầu tư Việt Nam tại Myanmar.
Ngoài ra, BIC gặp gỡ, trao đổi và tìm hiểu thị trường bảo hiểm Myanmar với lãnh đạo các công ty bảo hiểm: Global World, IKBZ, Grand Guardian và thiết lập quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp này.
Bảo hiểm PTI cũng đang nhắm tới thị trường Myanmar, sau khi có mặt và hoạt động ổn định tại thị trường Lào. Kế hoạch phát triển sang thị trường Myanmar của PTI đã được ĐHCĐ thông qua.
Được biết, thị trường bảo hiểm Myanmar hiện có 13 công ty. Ngoài MI do Nhà nước Myanmar sở hữu 100% vốn là 12 công ty bảo hiểm tư nhân, trong đó 3 công ty kinh doanh cả 2 lĩnh vực bảo hiểm: nhân thọ và phi nhân thọ. Do nhu cầu của người dân đối với các sản phẩm nhân thọ còn rất thấp nên doanh thu của thị trường bảo hiểm nước này phần lớn đến từ lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ.
Malaysia cũng được đánh giá là một thị trường bảo hiểm tiềm năng đối với các doanh nghiệp Việt, dù chưa có công ty nào hiện diện tại đây. Thu nhập bình quân đầu người tính theo phương pháp sức mua năm 2013 ở Malaysia là 22.437 USD, trong khi con số này của Việt Nam là 5.142 USD.
Đặc biệt, Malaysia là thị trường “màu mỡ” cho bảo hiểm xe cơ giới phát triển. Người dân Malaysia coi ô tô là phương tiện đi lại nên số người sử dụng xe ô tô cá nhân là 377/1.000, trong khi con số này ở Việt Nam 18/1.000, với quan niệm ô tô là hàng xa xỉ. Người Việt Nam khi sở hữu ô tô thì thường mua bảo hiểm vật chất xe ô tô, còn người dân Malaysia mua bảo hiểm để có thể đóng lệ phí sử dụng đường bộ và tránh bị cảnh sát phạt.
Thực tế cho thấy, ở Việt Nam, đa số người mua bảo hiểm xe cơ giới khi bị trầy xước xe là đòi bồi thường; còn ở Malaysia, khách hàng chỉ yêu cầu bồi thường khi có tổn thất lớn. Chính vì thế, trong khi các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ở Việt Nam bán bảo hiểm vật chất xe cơ giới hầu như không có lãi, thậm chí thua lỗ, thì các doanh nghiệp bảo hiểm trong lĩnh vực này tại Malaysia có lợi nhuận từ 8 - 10%.
Nhận thấy tiềm năng của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ tại châu Á còn rất dồi dào, mới đây, Tập đoàn bảo hiểm Liberty Mutual Insurance (công ty mẹ của Bảo hiểm Liberty Việt Nam) đã quyết định mua lại Công ty bảo hiểm Uni.Asia General Insurance ở thị trường Malaysia, công ty có doanh thu hàng năm xấp xỉ 180 triệu USD.
Một số điểm cần lưu ý
Theo các chuyên gia, thị trường Malaysia khá đặc biệt, có nhiều điểm cần chú ý khi muốn mở rộng hoạt động tại thị trường này. Đây là một đất nước đa sắc tộc, đa tôn giáo và đa ngôn ngữ, trong đó người gốc Malaysia chiếm khoảng 60%, người gốc Hoa chiếm khoảng 30% và người gốc Ấn Độ chiếm khoảng 10%. Phần lớn người Malaysia theo đạo Hồi.
Vì thế, việc truyền thông đến khách hàng cần dùng 3 thứ tiếng Malaysia, Hoa và Anh, đồng thời tránh sử dụng những hình ảnh liên quan đến sự nhạy cảm về tôn giáo. Chẳng hạn, hình ảnh con heo đất thường được các công ty bảo hiểm nhân thọ Việt Nam sử dụng khi nói về tiết kiệm, nhưng rất phản cảm đối với người theo đạo Hồi.