PYN Elite Fund - quỹ đầu tư đến từ Phần Lan vừa thông báo đã mua vào 500.000 cổ phiếu MIG của Bảo hiểm Quân đội nâng tỷ lệ sở hữu từ 4,99% lên 5,29%. Sau giao dịch này, Pyn Elite Fund chính thức trở thành cổ đông lớn thứ 2 tại MIC, bên cạnh công ty mẹ là Ngân hàng Quân đội (MBBank – mã MBB) đang nắm giữ 68,4% cổ phần.
Được biết, PYN Elite Fund (Non-Ucits) tiền thân là quỹ Mutual Fund Elite (Non-Ucits), được thành lập vào đầu năm 1999 bởi PYN Fund Management (Phần Lan). Đây là quỹ đầu tư hướng đến các thị trường tại khu vực châu Á.
Về phía MIC, hiện nhà bảo hiểm này nằm trong tốp công ty quy mô vốn điều lệ nghìn tỷ (1.300 tỷ đồng) với gần 2.000 nhân sự. Trong chiến lược phát triển giai đoạn 2020-2025, MIC đặt tham vọng đứng trong tốp 3 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ hàng đầu Việt Nam vào năm 2025.
Trước đó, vào tháng 2/2023, DB Insurance chính thức trở thành công ty mẹ của Bảo hiểm Hàng không với tỷ lệ sở hữu là 75% cổ phần, sau khi ký kết hợp đồng nhận chuyển nhượng cổ phiếu của nhóm cổ đông, bao gồm 19 nhà đầu tư cá nhân và 1 nhà đầu tư tổ chức tại đây.
DB Insuarance có mặt tại thị trường bảo hiểm Việt Nam đã hơn 10 năm. Ngoài VNI, Tập đoàn bảo hiểm lớn của Hàn Quốc này còn đầu tư vào cổ phần của Bảo hiểm Bưu điện (PTI) từ năm 2015 và hiện cũng là cổ đông lớn của PTI với tỷ lệ sở hữu 37% vốn.
Một trong những điểm mạnh của DB Insuarance là bảo hiểm xe cơ giới và thực tế là sau khi trở thành cổ đông lớn của PTI, cổ đông này đã tập trung đầu tư cho mảng bán lẻ bảo hiểm xe giới của PTI, giúp nhà bảo hiểm này liên tục duy trì thị phần số 1 ở mảng bảo hiểm xe cơ giới tại Việt Nam.
Trong khi đó, VNI cũng là 1 trong 10 doanh nghiệp có thị phần lớn nhất trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam năm 2022, Top 2 doanh thu bảo hiểm trách nhiệm dân sự ô tô bắt buộc và vươn lên Top 3 doanh thu bảo hiểm xe cơ giới. Vì thế, chiến lược phát triển VNI như thế nào trong thời gian tới sau khi DB Insuarance trở thành cổ đông nắm quyền chi phối là câu hỏi được quan tâm.
Ngoài 2 trường hợp trên, thị trường cũng đang chờ đợi những động thái mới trong lộ trình thoái vốn của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) tại Bảo hiểm Bảo Minh. Được biết, cơ cấu nhân sự của hãng bảo hiểm này có khá nhiều thay đổi thời gian qua. Giới quan sát cho rằng, với những chuyển động mới trên thị trường, cạnh tranh trong mảng bảo hiểm xe cơ giới sẽ ngày càng khốc liệt hơn.
Trong một diễn biến khác, với việc được AM Best nâng hạng tín nhiệm từ B++ lên A-, Bảo hiểm PVI có thêm một yếu tố quan trọng để thúc đẩy hoạt động kinh doanh ra ngoài lãnh thổ Việt Nam. Theo giới phân tích, việc được nâng hạng lên A- giúp Bảo hiểm PVI gia tăng sự tin cậy trước đối tác và khách hàng về năng lực chi trả nghĩa vụ bảo hiểm cho mọi khách hàng khi phát sinh bồi thường.
Trong cuộc gặp gỡ các nhà đầu tư mới đây, HDI Global SE - cổ đông lớn nhất của Công ty cổ phần PVI (công ty mẹ của Bảo hiểm PVI) nhấn mạnh lại cam kết hỗ trợ và tạo mọi điều kiện để nhà bảo hiểm này đạt được mục tiêu phát triển lớn mạnh ra các thị trường khác ngoài Việt Nam.
“Trong tương lai không xa, các bạn sẽ thấy sự tăng trưởng của Bảo hiểm PVI tại các thị trường trong khu vực và toàn cầu. Sự tăng trưởng này cũng là tăng trưởng bền vững như đã áp dụng với thị trường nội địa”, ông Jens Holger Wohlthat - Chủ tịch Hội đồng quản trị PVI cũng là đại diện của HDI Global SE phát biểu.
Thực tế, bảo hiểm phi nhân thọ vẫn có sức hút nhất định đối với dòng vốn ngoại, bất chấp thị trường chưa thực sự tích cực như trước dịch, lợi nhuận của doanh nghiệp khối này năm qua hầu hết suy giảm. Tuy nhiên, đối với nhà đầu tư quan tâm tới lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam, dư địa khai thác còn rất lớn bởi mức độ thâm nhập bảo hiểm còn thấp.