Xác định công nghệ sẽ là xu thế phát triển mạnh mẽ trong tương lai, Bảo hiểm Bảo Việt bắt đầu “tấn công” vào sân chơi mới này. Được biết, hãng bảo hiểm này đang thực hiện chương trình tri ân khách hàng.
Theo đó, khi khách hàng giới thiệu người thân, bạn bè mua bảo hiểm trực tuyến sẽ được tặng phí mua tuỳ theo gói áp dụng cho cả người mua và người được giới thiệu. Chương trình này không giới hạn số lượng, nên càng nhiều người giao dịch thành công thì mức phí được tặng sẽ càng cao.
Ngoài bán bảo hiểm trực tuyến, Bảo hiểm Bảo Việt cũng mở rộng mạng lưới bằng việc khai trương Bảo Việt An Phú tại TP.HCM, tăng cường ký kết hợp tác với các đơn vị kênh phân phối, ngân hàng, tài chính để có thể đưa ra thị trường những sản phẩm bảo hiểm tài chính tích hợp như khách hàng mong muốn Được biết, thông qua chương trình thanh toán online được ưu đãi phí bảo hiểm, Bảo hiểm Bảo Việt đã ký hợp tác với 9 ngân hàng là Vietcombank, Techcombank, BIDV, HSBC, Standard Chartered , VPBank, Maritimebank, TPBank và SCB.
Tại Bảo hiểm Bảo Minh, nhà bảo hiểm này đang tập trung cho chiến lược phát triển bancassurance bằng việc ký kết thỏa thuận toàn diện với Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB). Trước đó, nhằm đẩy mạnh việc bán bảo hiểm qua kênh bancassurance, Bảo hiểm Bảo Minh đã hợp tác với nhiều ngân hàng khác như HDBank, Viet Capital Bank…
Trong kế hoạch năm 2018, Bảo hiểm MIC cũng trú trọng triển khai bancassurance với Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) để đảm bảo trước khi kết thúc quý II/2018 hoàn thành tối thiểu 50% kế hoạch bán chéo với ngân hàng này…
Trong một diễn biến khác, từ năm 2017, BIC đã triển khai phiên bản mới của một số sản phẩm bảo hiểm như BIC HomeCare để bán qua hệ thống ngân hàng liên kết trên toàn quốc.
Doanh nghiệp có thị phần lớn thận trọng
Thực tế cho thấy, sau kênh đại lý, bancassrance vẫn là mô hình bán bảo hiểm được các công ty bảo hiểm đặt nhiều kỳ vọng hơn cả. Bảo hiểm trực tuyến dù đang được chú trọng đầu tư, nhưng thực tế mô hình này được đánh giá vẫn đang ở trong giai đoạn thăm dò thị trường và phản ứng của khách hàng.
Trong khi đó, những năm gần đây, nhu cầu tham gia các sản phẩm bảo hiểm của khách hàng tại các ngân hàng ngày một tăng lên. Bản thân khách hàng mong muốn được tư vấn toàn diện về các giải pháp tài chính, bao gồm cả sản phẩm ngân hàng và bảo hiểm ngay tại ngân hàng, đặc biệt là các sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ. Đây cũng chính là lý do các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ tập trung đẩy mạnh hợp tác các ngân hàng cả trong và ngoài nước để tìm kiếm nguồn khách hàng mới.
Theo nhận định của các chuyên gia trong ngành, năm 2018 đối với khối phi nhân thọ sẽ vẫn là năm có nhiều khó khăn, thử thách. Cạnh tranh ở phân khúc bán lẻ vẫn rất khốc liệt, trong khi phân khúc khách hàng doanh nghiệp cũng chưa thực sự khởi sắc. Nếu không nỗ lực tìm kiếm giải pháp cũng như các mô hình bán hàng mới, thì khối này khó có khả năng hoàn thành các chỉ tiêu kinh doanh của năm.
Theo tìm hiểu của Báo Đầu tư Chứng khoán, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ có thị phần lớn đều đưa ra chỉ tiêu kinh doanh khá khiêm tốn trong năm nay, với mức tăng trưởng dưới 10%, thấp hơn hẳn mức tăng trưởng chung của toàn thị trường (cả 2 khối nhân thọ và phi nhân thọ) là 20%.
Đơn cử, Bảo hiểm PVI lên kế hoạch đạt 8.708 tỷ đồng tổng doanh thu trong năm 2018, tăng 4,7% so với thực hiện năm 2017, trong khi tăng trưởng doanh thu năm 2017 so với 2016 là hơn 3%.
Năm 2018, Bảo hiểm Bảo Minh đưa ra mục tiêu tổng doanh thu đạt 4.318 tỷ đồng, tăng trưởng 5,6%. Năm 2017, hãng bảo hiểm này đạt tổng doanh thu 4.089 tỷ đồng, vượt 4,36% kế hoạch.
Tại PTI, kết thúc năm 2017, Công ty đạt 3.331 tỷ đồng doanh thu, tăng trưởng 3,2%. Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, đại diện PTI cho biết, doanh thu 2018 dự kiến tăng trưởng ở mức 8%.
Tương tự, PJICO cũng đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu năm nay từ 8-10%, trong đó tập trung phát triển nhóm khách hàng có vốn đầu tư nước ngoài và đẩy mạnh các kênh bán hàng đang là xu thế như bancassurance, online…