Đồng loạt tăng vốn
Cùng với việc “thoát đáy”, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ bắt đầu mùa kinh doanh mới với những tin tức khá khả quan: thị trường chứng khoán đang dần đi lên với chỉ số VN-Index tăng, bất động sản cũng bắt đầu có tín hiệu phục hồi, 4.600 doanh nghiệp khôi phục lại hoạt động, tỷ giá ổn định, CPI không tăng, các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước khẩn trương xúc tiến cổ phần hóa, nhiều dự án đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật mở rộng sản xuất - kinh doanh đang được triển khai… Đây là cơ sở để các doanh nghiệp bảo hiểm tin vào sự phát triển vững chắc trong những quý tới của năm 2014.
Đón trước cơ hội phục hồi của nền kinh tế, mùa ĐHCĐ năm nay, hầu hết doanh nghiệp bảo hiểm trong khối phi nhân thọ đều đưa ra những kế hoạch lớn như tăng vốn, mở rộng thị phần, tìm cổ đông chiến lược và hoàn tất thủ tục để xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp.
Năm 2014, Bảo hiểm BIC sẽ đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng doanh thu, duy trì lợi nhuận ở mức hợp lý và mở rộng thị phần. Theo đó, BIC đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm và lợi nhuận trước thuế so với năm 2013 lần lượt là 12% và 3,5%. BIC cũng vừa chính thức tăng vốn điều lệ từ 660 tỷ đồng lên 693 tỷ đồng. Đây là đợt tăng vốn đầu tiên của BIC trong năm 2014. Dự kiến trong thời gian tới, BIC sẽ có thêm 2 đợt tăng vốn nữa, gồm trả cổ tức năm 2013 bằng cổ phiếu 10% và bán cổ phần cho cổ đông chiến lược nước ngoài. Sau các đợt tăng vốn này, BIC sẽ gia nhập nhóm các doanh nghiệp bảo hiểm có vốn điều lệ trên 1.000 tỷ đồng.
ĐHCĐ của Bảo hiểm PTI vừa thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2014, với doanh thu hoạt động kinh doanh bảo hiểm đạt 1.679 tỷ đồng, tăng 7,9% so với năm 2013 (trong đó, doanh thu từ bảo hiểm gốc là 1.581 tỷ đồng, nhận tái bảo hiểm 98 tỷ đồng); lợi nhuận từ đầu tư và hoạt động khác 71,4 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 73 tỷ đồng, tăng trưởng 3,1%. HĐQT Công ty cũng giao Ban Tổng giám đốc xây dựng phương án tăng vốn điều lệ để trình cổ đông phê duyệt. Được biết, vốn điều lệ hiện tại của PTI là 504 tỷ đồng.
ĐHCĐ của Bảo Minh cũng đã chính thức thông qua việc tăng vốn điều lệ từ 755 tỷ đồng lên 830,5 tỷ đồng (tương đương 10%) với phương án chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Năm nay, Bảo Minh đặt mục tiêu doanh thu phí bảo hiểm 2.743 tỷ đồng, tăng trưởng 5,6% so với năm trước; lợi nhuận trước thuế 118,5 tỷ đồng, tăng trưởng 15,5%. Trong năm, Bảo Minh sẽ tiếp tục sắp xếp, cơ cấu bộ máy nhân sự toàn hệ thống theo hướng tinh gọn, chất lượng và chuyên nghiệp, nhằm đảm bảo tăng năng suất lao động.
Đặt chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế 28 tỷ đồng, tăng gần 10% so với năm 2013, Bảo hiểm Bảo Long dự kiến nâng vốn điều lệ từ 336 tỷ đồng lên trên 400 tỷ đồng trong năm nay với phương án chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.
Quý I/2014, mức tăng trưởng của khối phi nhân thọ đạt khoảng 8%
Mở rộng thị phần
Bên cạnh kế hoạch tăng vốn, một trong các giải pháp đẩy mạnh kinh doanh của nhiều công ty bảo hiểm là rà soát mạng lưới kinh doanh, bổ sung nguồn lực cho các địa bàn mỏng, yếu và thành lập thêm những chi nhánh mới.
Năm 2014, Bảo hiểm BIC sẽ thành lập thêm công ty thành viên tại một số địa bàn trọng điểm, địa bàn rộng như Hà Nội, TP. HCM..., nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh cho các đơn vị thành viên. Bảo hiểm PTI cũng có kế hoạch thành lập mới các công ty thành viên; hệ thống hóa, quy chuẩn hệ thống phòng kinh doanh khu vực, đồng thời kiện toàn tổ chức và tăng cường hiệu quả hoạt động của Công ty liên doanh bảo hiểm tại Lào và mở văn phòng đại diện tại Myanmar.
Bảo hiểm Bảo Việt cũng xác nhận sẽ tiếp tục “phủ sóng” tới nhiều địa bàn. Trong khi đối với Bảo hiểm Bảo Minh, đẩy nhanh việc mở rộng kênh khai thác, nhằm phủ kín các địa bàn cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của doanh nghiệp này trong năm 2014.
Những tín hiệu khả quan của thị trường là một trong những động lực giúp nhiều doanh nghiệp đẩy nhanh kế hoạch “phủ sóng” của mình. Thực tế, tiếp tục mở rộng thị trường để tăng thị phần là tham vọng của hầu hết công ty bảo hiểm, bởi sự hiện diện ở nhiều tỉnh, thành mới, ngoài cơ hội phát triển thương hiệu, cũng có thể giúp tăng thêm doanh thu khai thác mới. Tuy nhiên, kế hoạch này không phải đơn vị nào cũng thực hiện được. Được biết, một số doanh nghiệp bảo hiểm có thị phần nhỏ đang có kế hoạch đóng cửa một số chi nhánh hoạt động không hiệu quả. Những công ty này hầu hết là hoạt động thua lỗ và có tỷ lệ bồi thường cao so với mức bình quân trên thị trường, nên đang phải tự tái cấu trúc nếu không muốn tiếp tục rớt hạng và bị xếp vào dạng bị kiểm soát đặc biệt.
Các chuyên gia trong ngành cho rằng, đây là dấu hiệu tốt và cũng là điều mà các công ty bảo hiểm có chi nhánh hoạt động theo kiểm cầm chừng nên làm. Bởi việc mở chi nhánh ồ ạt không chỉ khiến chi phí cố định của doanh nghiệp tăng cao, mà còn khiến thương hiệu của họ bị ảnh hưởng khi buộc lòng phải rút khỏi một địa bàn. Vì thế, việc mở thêm chi nhánh, có thể tạo thêm doanh thu, nhưng chưa chắc đã đủ bù đắp chi phí, chưa nói đến hiệu quả.
Vào “ sân chơi” mới
Cùng với việc củng cố nội lực tại “sân chơi” trong nước, năm 2014, một số công ty bảo hiểm còn quyết định “vươn khơi”. Và hoàn tất thủ tục để chính thức được xếp hạng tín nhiệm là một trong những bước đi xa hơn của các doanh nghiệp bảo hiểm khối này. Bởi lẽ, chỉ khi được xếp hạng tín nhiệm thì uy tín, tính minh bạch cũng như việc nhận tái bảo hiểm từ nước ngoài của các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam mới dễ dàng hơn.
Theo Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm - Bộ Tài chính, năm 2013, có 4 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ và tái bảo hiểm đã được tổ chức xếp hạng quốc tế A.M Best xếp hạng về năng lực tài chính, trong đó, 2 doanh nghiệp (Samsung Vina và Vinare) được xếp hạng B++; 2 doanh nghiệp (PVI và PVI Re) được xếp hạng B+. Hiện BIC cũng hạ quyết tâm hoàn tất thủ tục để chính thức có xếp hạng tín nhiệm trong năm 2014. Theo nguồn tin không chính thức, sau BIC, PJICO và PTI cũng đang rục rịch bước vào “sân chơi” này.
Các chuyên gia trong ngành cho rằng, xếp hạng tín nhiệm thực tế cũng tương tự như việc định hạng của các ngân hàng, nhằm đánh giá sức khỏe tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm. Thông tin này rất có ích cho những người quan tâm tới doanh nghiệp bảo hiểm như: các nhà tái bảo hiểm, nhà đầu tư, các công ty bảo hiểm khác, phục vụ cho mục đích đầu tư, ký kết hợp đồng tái bảo hiểm, đồng bảo hiểm… Thông qua xếp hạng tín nhiệm, các doanh nghiệp bảo hiểm có thể chọn được các đối tác bảo hiểm tốt. Ngoài ra, xếp hạng tín nhiệm cũng là cách đánh giá năng lực tài chính của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tiếp cận được các chuẩn mực quốc tế về quản lý rủi ro, báo cáo tài chính… Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp có đầu tư ở nước ngoài như BIC, cần có xếp hạng tín nhiệm để có thể nhận tái bảo hiểm từ thị trường này. Bên cạnh đó, xếp hạng tín nhiệm cũng là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình tìm kiếm nhà đầu tư nước ngoài.
Bài viết này nằm trong Đặc san Toàn cảnh Bảo hiểm Việt Nam 2014 với chủ đề "Chọn lối đi riêng", xuất bản ngày 30/5/2014 bởi Báo Đầu tư Chứng khoán - Báo Đầu tư.
Trong thời gian tới, tinnhanhchungkhoan.vn sẽ lần lượt đăng tải các bài viết trong Đặc san. Bạn đọc có thể vui lòng theo dõi các bài viết tại đây.