Cạnh tranh không lành mạnh cũng làm gia tăng chi phí của các doanh nghiệp bảo hiểm

Cạnh tranh không lành mạnh cũng làm gia tăng chi phí của các doanh nghiệp bảo hiểm

Bảo hiểm phi nhân thọ: Sức ép từ nhiều phía

(ĐTCK-online) Trên thị trường bảo hiểm hiện nay, sự có mặt của gần 30 công ty bảo hiểm phi nhân thọ đã giúp khách hàng có cơ hội tiếp cận các sản phẩm và dịch vụ ngày càng tốt hơn. Tuy nhiên, áp lực cạnh tranh về phí bảo hiểm trong thời buổi giá cả phụ tùng và chi phí nhân công ngày càng tăng đang khiến các doanh nghiệp gặp không ít khó khăn khi cân đối giữa chi phí và chất lượng dịch vụ. Thực tế, hoạt động bảo hiểm đang bị tác động mạnh mẽ trong giai đoạn cắt giảm chi phí hậu khủng hoảng toàn cầu và tình hình lạm phát cao ở trong nước từ đầu năm 2011. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ tới công tác khai thác, bán các sản phẩm chính như bảo hiểm xây dựng lắp đặt, bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu...

Việc cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp bảo hiểm cũng làm gia tăng chi phí khai thác dịch vụ, giảm giá các sản phẩm bảo hiểm xuống quá mức cho phép, đặc biệt là đối với các sản phẩm bảo hiểm có doanh thu lớn như bảo hiểm cháy và các rủi ro đặc biệt (có đơn bảo hiểm hạ phí xuống tới 0,03% chi phí bồi thường, dù dịch vụ bị đánh giá là có hệ số rủi ro cao), bảo hiểm xây dựng lắp đặt đang vào mùa mưa bão (phí bảo hiểm chỉ có 0,12 - 0,13%)...

Mặc dù Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Kinh doanh bảo hiểm có hiệu lực từ ngày 1/7/2011 góp phần làm cho tình hình kinh doanh bảo hiểm được quy chuẩn hơn trước, nhưng theo đánh giá của nhiều chuyên gia, tình hình cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp bảo hiểm và trục lợi bảo hiểm vẫn có chiều hướng gia tăng; tình hình cạnh tranh giữa các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước và nước ngoài ngày một rõ nét. Vì thế, nếu không kịp thời đổi mới, thay đổi nhận thức thì sớm muộn các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước sẽ bị lép vế. Các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam đang mất dần lợi thế sân nhà trong nhiều lĩnh vực bảo hiểm. Bảo hiểm ô tô, bảo hiểm cho các dự án có vốn ngân sách nhà nước, kể cả bảo hiểm cho người lao động cũng bị chia sẻ cho các doanh nghiệp bảo hiểm có vốn đầu tư nước ngoài. Việc bán các sản phẩm bảo hiểm qua biên giới dẫn tới phí bảo hiểm thấp hơn, điều kiện, điều khoản bảo hiểm khác hơn đã hỗ trợ cho các doanh nghiệp nước ngoài có cơ hội thâm nhập thị trường sâu hơn, khiến các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước đứng trước sự cạnh tranh khốc liệt hơn.

Cùng với tình trạng cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước và cạnh tranh với các doanh nghiệp bảo hiểm có vốn đầu tư nước ngoài, tất cả các doanh nghiệp bảo hiểm còn đều phải đối mặt với một vấn nạn chung là trục lợi bảo hiểm. Vấn nạn này đã xảy ra trong nhiều năm qua, nay vẫn tiếp tục và ngày càng trở nên tinh vi hơn. Ví dụ như đối với bảo hiểm xe cơ giới, biết có dịch vụ bảo hiểm tai nạn người ngồi trên xe, có những trường hợp trèo cây ngã gẫy chân tay cũng xin được xác nhận của địa phương là bị tai nạn xe máy để đòi bảo hiểm bồi thường… Đối với các nghiệp vụ khác như bảo hiểm con người thì theo như lời một lãnh đạo trong ngành bảo hiểm là tình trạng trục lợi không đếm xuể.

Trong tháng 7/2011, hầu hết doanh nghiệp bảo hiểm đã hoàn tất việc sơ kết, đánh giá lại hoạt động 6 tháng đầu năm. Theo như các đánh giá, trong nửa chặng đường còn lại của năm, các doanh nghiệp vẫn tiếp tục phải đối mặt với thách thức của lạm phát, kiềm chế tăng trưởng tín dụng dưới 20%, cắt giảm đầu tư công... Cùng với đó là sức ép mở cửa thị trường bảo hiểm Việt Nam cho các doanh nghiệp bảo hiểm có vốn nước ngoài, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài vào hoạt động tại Việt Nam và sức ép về cung cấp sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ qua biên giới của các doanh nghiệp bảo hiểm đang hoạt động tại nước ngoài…

Theo ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, để vượt qua những sức ép này, đòi hỏi từng doanh nghiệp bảo hiểm đang hoạt động tại Việt Nam (bao gồm doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, doanh nghiệp liên doanh) cần có giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh. Thời kỳ cạnh tranh bằng giảm phí bảo hiểm, mở rộng điều kiện, điều khoản bảo hiểm phi kỹ thuật không tương xứng với rủi ro chấp nhận bảo hiểm phải được đẩy vào quá khứ. Thay vào đó, phải cạnh tranh bằng sản phẩm mới, đa dạng hóa sản phẩm bảo hiểm và kênh phân phối sản phẩm bảo hiểm, tăng cường dịch vụ phục vụ chăm sóc khách hàng, đầu tư hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng nhu cầu quản lý bảo hiểm… Có như vậy mới đảm bảo hoạt động có lãi, đáp ứng yêu cầu của các cổ đông, yêu cầu đảm bảo thu nhập cho cán bộ nhân viên, giữ được nguồn nhân lực chất lượng cao.