Hiện BIC cũng hạ quyết tâm hoàn tất thủ tục để chính thức có xếp hạng tín nhiệm (credit rating) trong năm 2014. Theo nguồn tin không chính thức, sau BIC, PJICO và PTI cũng đang rục rịch bước vào “sân chơi” này.
Chính thức khởi động dự án định hạng tín nhiệm quốc tế, ký hợp đồng tư vấn với đối tác từ tháng 8/2013, BIC đang nỗ lực làm việc để đảm bảo tiến độ trong quý II/2014 sẽ hoàn tất và có kết quả xếp hạng tốt nhất. Cùng với việc đẩy nhanh kế hoạch tìm kiếm lựa chọn cổ đông chiến lược và tăng vốn điều lệ thì việc hoàn thành các thủ tục định hạng tín nhiệm quốc tế A.M Best với mức tín nhiệm tốt cũng là một trong những mục tiêu chính của BIC trong năm 2014.
Các chuyên gia trong ngành cho rằng, xếp hạng tín nhiệm thực tế cũng tương tự như việc định hạng của các ngân hàng, nhằm đánh giá sức khỏe tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm. Thông tin này rất có ích cho những người quan tâm tới doanh nghiệp bảo hiểm như: các nhà tái bảo hiểm, nhà đầu tư, các công ty bảo hiểm khác, phục vụ cho mục đích đầu tư, ký kết hợp đồng tái bảo hiểm, đồng bảo hiểm… Thông qua xếp hạng tín nhiệm, các doanh nghiệp bảo hiểm có thể chọn được các đối tác bảo hiểm tốt. Ngoài ra, rating cũng là cách đánh giá năng lực tài chính của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tiếp cận được các chuẩn mực quốc tế về quản lý rủi ro, báo cáo tài chính… Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp có đầu tư ở hải ngoại như BIC, cần có rating để có thể nhận tái từ thị trường hải ngoại. Bên cạnh đó, rating cũng là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình tìm kiếm nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, để tham gia vào “sân chơi” này, bản thân các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ phải hoàn thiện rất nhiều yếu tố để có được định hạng tốt nhất, chẳng hạn năng lực tài chính (quy mô tài sản, vốn, thị phần…), quản lý rủi ro (đặc biệt đối với doanh nghiệp bảo hiểm là các rủi ro bảo hiểm), năng lực quản trị doanh nghiệp…
Theo một chuyên gia trong ngành, thực ra, ở Việt Nam, các yêu cầu đối với xếp hạng tín nhiệm cũng chưa cao, bởi thị trường chưa thực sự hoàn thiện, mà năng lực quản lý rủi ro là một ví dụ. Báo cáo của Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm cho thấy, năm 2013, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ dù có tăng trưởng nhưng chưa bền vững, vẫn còn doanh nghiệp chưa chú trọng đến chất lượng và hiệu quả hoạt động kinh doanh. Số lượng doanh nghiệp bảo hiểm lỗ hoạt động kinh doanh bảo hiểm vẫn chiếm 50% (15/29 doanh nghiệp). Năm 2012 có 13/29 doanh nghiệp bảo hiểm và 1/2 doanh nghiệp tái bảo hiểm lỗ hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
Chưa cần xét đến tiêu chuẩn để “ứng cử” xếp hạng quốc tế, mà nhìn vào kết quả xếp hạng doanh nghiệp bảo hiểm của Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm trong năm qua cũng đủ thấy, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm muốn đủ tiêu chuẩn tham gia “sân chơi” rating lớn hơn thì còn phải phấn đấu… dài dài. Kết quả phân loại trong nước cho nhóm doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ và tái bảo hiểm năm 2013 cho thấy, chỉ có 12 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ và 1 doanh nghiệp tái bảo hiểm (Vinare) đúng chuẩn với lãi hoạt động kinh doanh bảo hiểm 2 năm liên tục; đảm bảo biên khả năng thanh toán. 16 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ và 1 doanh nghiệp tái bảo hiểm hoạt động kinh doanh bảo hiểm gốc không có lãi trong 2 năm liên tục; nhưng đảm bảo biên khả năng thanh toán. Và 1 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ có nguy cơ không đảm bảo khả năng thanh toán.
Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm cho rằng, số lượng các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ và tái bảo hiểm tại thị trường Việt Nam được xếp hạng quốc tế như hiện nay là rất ít (mới chỉ có 4/31 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ và tái bảo hiểm được A.M Best xếp hạng), điều này sẽ ảnh hưởng đến uy tín, tính minh bạch và việc nhận tái bảo hiểm từ nước ngoài của các doanh nghiệp bảo hiểm.