Bảo hiểm phi nhân thọ “nói không” với tăng trưởng nóng

Bảo hiểm phi nhân thọ “nói không” với tăng trưởng nóng

(ĐTCK) Mặc dù tổng doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ 8 tháng đầu năm 2013 ước đạt hơn 16.000 tỷ VND, tăng 7,34% so với cùng kỳ năm trước, nhưng tốc độ tăng trưởng lại đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua.

Bảo hiểm phi nhân thọ “nói không” với tăng trưởng nóng ảnh 1

8 tháng đầu năm, số tiền thực bồi thường của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ ước gần 6.000 tỷ đồng

 

Áp lực thị trường bảo hiểm thế giới

Những tổn thất mang tính thảm họa lớn của thế giới (bao gồm cả thiên tai và nhân tai) trong năm 2012 đã làm cho năm nay trở thành năm có số tiền tổn thất được bảo hiểm cao thứ 3 kể từ năm 1970 đến nay, đạt con số 77 tỷ USD, trong đó phần lớn tổn thất đều do thiên tai gây ra, chiếm đến 71 tỷ USD.

Năm 2013, các thảm họa thiên tai dường như không thuyên giảm: lũ lụt ở Indonesia gây tổn thất kinh tế ước tính 3,3 tỷ USD, nhưng theo Fitch, tổn thất được bảo hiểm chỉ ước khoảng 311 triệu USD; lốc xoáy xảy ra tại các bang miền trung nước Mỹ với tổng số tài sản bị thiệt hại ước tính khoảng từ 2 - 5 tỷ USD; hay miền Trung Âu hứng chịu trận lụt lịch sử trong vòng hơn 70 năm qua vào đầu tuần tháng 6/2013, với tổng thiệt hại được bảo hiểm ước tính từ 5,28 - 7,66 tỷ USD…

Các báo cáo của A.M. Best cho biết, mặc dù lợi nhuận thấp và cạnh tranh gia tăng, năng lực tái bảo hiểm vẫn không ngừng tăng lên. Năm 2012, lợi nhuận từ nghiệp vụ này giúp thị trường tái bảo hiểm toàn cầu tiếp tục đà tăng trưởng bất chấp nhiều thách thức khó khăn vẫn còn tồn tại. Suy giảm lợi nhuận đầu tư dường như là mối quan ngại lớn nhất do lợi tức đầu tư suy giảm kéo dài hơn sự dự đoán của phần lớn thị trường.

 

Bảo hiểm Việt: Không mới và không cũ

Kinh tế Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2013 đã có một số chuyển biến, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 5,14%, so với mức 4,73% của cùng kỳ năm trước; lạm phát cũng đã được kiểm soát… Tuy nhiên, nền kinh tế còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức phía trước. Tăng trưởng tín dụng thấp, quá trình xử lý nợ xấu chậm, thị trường và sức mua còn yếu, số lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động vẫn ở mức cao...

Trong khi đó, tình hình tổn thất, thiên tai vẫn xảy ra ở mức độ trầm trọng, với tần suất ngày càng dầy đặc. Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm, nước ta đã chịu ảnh hưởng của 5 cơn bão lớn làm chết và bị thương hơn 350 người, thiệt hại vật chất lên đến 13.400 tỷ đồng.

Những tác động của nền kinh tế trong và ngoài nước đã ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường bảo hiểm Việt Nam . Mặc dù tổng doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ 8 tháng đầu năm 2013 ước đạt hơn 16.000 tỷ VND, tăng 7,34% so với cùng kỳ năm trước, nhưng tốc độ tăng trưởng thị trường lại ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua.

Một số nghiệp vụ có tốc độ tăng trưởng cao trong 6 tháng như: bảo hiểm nghiệp vụ dầu khí đạt 45 triệu USD (tính theo năm nghiệp vụ), tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái, hứa hẹn một năm đầy khả quan về công tác phát triển mỏ; bảo hiểm cháy nổ đạt 1.600 tỷ VND, tăng trưởng gần 30% so với cùng kỳ 2012, trong đó doanh thu phí bảo hiểm bắt buộc đạt 417 tỷ VND, tăng hơn 60%; bảo hiểm xe cơ giới đạt 3.484 tỷ VND, tăng 9,96%; bảo hiểm tài sản thiệt hại tăng trưởng 8,8%, đạt 2.935 tỷ VND; bảo hiểm sức khỏe và tai nạn con người tăng 26,5%, đạt 2.063 tỷ VND. Trong khi nghiệp vụ bảo hiểm kỹ thuật, bảo hiểm P&I, bảo hiểm thân tàu biển... lại có chiều hướng giảm. 

Số tiền thực bồi thường của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ trong 8 tháng đầu năm 2013 ước tính là gần 6.000 tỷ VND, đạt 67%.

Đặc biệt, sau nhiều năm thua lỗ về kinh doanh nghiệp vụ, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm đã chú trọng hơn tới hiệu quả khai thác nghiệp vụ, “nói không” với tăng trưởng nóng về doanh thu. Tuy nhiên, do sức ép về cạnh tranh trên thị trường, không ít doanh nghiệp vẫn sẵn sàng hạ phí, mở rộng điều kiện bảo hiểm, tăng mức khấu trừ và khuyến mại cho khách hàng, chi phí khai thác lớn, công tác thống kê và định phí bảo hiểm chưa được đầu tư đúng mức…

Bên cạnh đó, vấn nạn trục lợi bảo hiểm vẫn diễn ra phổ biến và chưa có biện pháp ngăn chặn hiệu quả, tập trung chủ yếu vào các sản phẩm bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn con người. Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm phải chấp nhận bồi thường chỉ để tỏ thiện chí và giữ chân khách hàng. Sai phạm thường gặp là chi bồi thường nghiệp vụ bảo hiểm không thuộc phạm vi bảo hiểm, hoặc khách hàng nộp phí sau ngày xảy ra tổn thất mà trước đó doanh nghiệp bảo hiểm không có thỏa thuận cho nợ phí bằng văn bản.