Không kể vị trí nhất nhì luôn có sự thay đổi theo từng quý, 6 tháng đầu năm 2014, Bảo hiểm Samsung Vina tiếp tục là nhân tố mang đến sự bất ngờ cho thị trường khi vượt qua Bảo hiểm PTI để vươn lên vị trí thứ thứ 5 về doanh thu phí bảo hiểm gốc.
Năm ngoái, Samsung Vina là “hiện tượng” của khối bảo hiểm phi nhân thọ khi liên tiếp đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng để từ vị trí thứ 10 (năm 2011) vươn lên vị trí thứ 6 về mặt thị phần doanh thu. Samsung Vina đang vươn lên do được hưởng lợi từ việc Tập đoàn Samsung đầu tư mạnh vào Việt Nam.
Bảo hiểm Bảo Minh vẫn giữ vị trí thứ 3 trên thị trường, dù 6 tháng đầu năm, DN này đạt mức tăng trưởng doanh thu cao hơn mức tăng trưởng chung toàn thị trường và đứng thứ hai trong Top 5 về tốc độ tăng trưởng. Tỷ lệ bồi thường cũng được DN này đưa về mức khá tốt, còn trên 30% trong 6 tháng đầu năm.
Theo số liệu thống kê sơ bộ từ Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), 6 tháng đầu năm 2014, tổng doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 13.077 tỷ đồng, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2013. Số tiền thực bồi thường và chi trả bảo hiểm của các DN bảo hiểm trong 6 tháng ở mức 5.912 tỷ đồng. Trong khi đó, số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế của các DN bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 23.181 tỷ đồng, tăng 0,05% so với cùng kỳ năm ngoái.
Doanh thu khá ổn định, tỷ lệ bồi thường giảm trong 6 tháng năm là cơ sở khá vững chắc để các DN bảo hiểm phi nhân thọ tin tưởng vào một năm kinh doanh thành công. Không những thế, các DN khối này cũng đang hy vọng, nếu Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) sớm được ký kết sẽ tạo cú hích cho kênh tài chính ngân hàng, góp phần giải quyết những ách tắc, qua đó tác động tích cực tới thị trường bảo hiểm. Ngoài ra, TTCK có dấu hiệu khởi sắc trở lại là cơ hội để các công ty bảo hiểm đa dạng hóa danh mục đầu tư, nâng cao mức sinh lời.
Tuy nhiên, dù kinh doanh bảo hiểm là kinh doanh rủi ro, nhưng cũng có những rủi ro mà các DN bảo hiểm không lường được trước. Vụ việc phá hoại của các phần tử xấu tại các khu công nghiệp ở Đồng Nai, Bình Dương và Hà Tĩnh tháng 5 vừa qua không chỉ gây bất ổn kinh tế, ảnh hưởng môi trường kinh doanh, mà còn là gánh nặng đối với các DN bảo hiểm có khách hàng chịu thiệt hại. Trong số các DN đầu tư nước ngoài bị thiệt hại, có không ít khách hàng của các DN bảo hiểm hoạt động tại Việt Nam. Theo thống kê ban đầu, hợp đồng bảo hiểm được ký với 27/29 DN bảo hiểm phi nhân thọ với số tiền tổn thất ước tính 2.500 tỷ đồng, trong khi tổng chi phí bảo hiểm mảng phi nhân thọ toàn thị trường trong cả quý I/2014 cũng chỉ ở mức 2.200 tỷ đồng.
Cùng với việc đối mặt với những rủi ro bất ngờ thì 6 tháng đầu năm 2014, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam tiếp tục đối mặt với tình trạng cạnh tranh phi kỹ thuật như hạ phí, mở rộng điều khoản, tăng chi phí… Đối với hoạt động đầu tư, lãi suất tiết kiệm và trái phiếu chính phủ giảm, trong khi chi phí hoạt động vẫn ở mức cao cũng ảnh hưởng đến lợi nhuận của các công ty bảo hiểm, vốn đã ở mức thấp trong nhiều năm qua. Những yếu tố trên tạo ra áp lực không nhỏ đối với các DN bảo hiểm phi nhân thọ trong những tháng cuối năm.
Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, kết quả kinh doanh các DN đã đạt được trong 6 tháng đầu năm khá tốt. Tuy nhiên, các DN còn nhiều việc phải làm trong 6 tháng cuối năm, trọng tâm là tiếp tục tái cơ cấu, nâng cao năng lực cạnh tranh, chống cạnh tranh không lành mạnh, tăng trưởng đảm bảo an toàn và hiệu quả; tranh thủ cơ hội phát triển sản phẩm bảo hiểm theo chính sách, chế độ mới ban hành như bảo hiểm thân tàu đánh bắt xa bờ, bảo hiểm ngư dân; đẩy mạnh tăng trưởng bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới và bảo hiểm cháy nổ bắt buộc.