Tăng trưởng cao nhất 5 năm qua
Theo ước tính của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (AVI), doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ năm 2015 ước đạt 31.500 tỷ đồng, tăng trưởng 15% so với năm 2014, đạt mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 5 năm qua. Con số này không gây nhiều ngạc nhiên với thị trường, bởi trong bối cảnh nền kinh tế đang khởi sắc trở lại, nhu cầu mua bảo hiểm cũng gia tăng.
Không chỉ với các doanh nghiệp phi nhân thọ, khối nhân thọ cũng ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm kỷ lục trong vòng 10 năm trở lại đây, với mức tăng 29% so với năm 2014.
Trở lại với khối phi nhân thọ, dù chưa có số liệu chi tiết về kết quả kinh doanh của từng doanh nghiệp trong khối, nhưng ghi nhận từ các doanh nghiệp trong nhóm dẫn đầu thị phần như Bảo hiểm PVI, Bảo hiểm Bảo Việt, Bảo Minh, PJICO, PTI, Samsung Vina, MIC và BIC, có thể thấy, kết quả kinh doanh hầu hết đều tăng trưởng ổn định ở mức hai con số.
Điểm đáng chú ý trong hoạt động của khối bảo hiểm phi nhân thọ trong năm qua là các doanh nghiệp bảo hiểm có cổ đông là ngân hàng đã khai thác tốt những thế mạnh về sản phẩm tín dụng và khách hàng của ngân hàng.
Và thêm một điểm nhấn không thể không nhắc tới là, theo AVI, kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ năm 2015 dự kiến sẽ có lãi từ nghiệp vụ. Năm nay, ngành bảo hiểm không phải chịu những tổn thất lớn như năm 2014 với các sự cố tại các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh, Thanh Hóa…, và nhờ quy định không cho nợ đọng dây dưa phí bảo hiểm.
Điều này có được là nhờ Thông tư 194/2014 của Bộ Tài chính, hướng dẫn chế độ tài chính đối với doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm và chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, có hiệu lực từ ngày 1/2/2015, quy định không cho nợ phí bảo hiểm đã khắc phục được tình trạng nợ phí kéo dài, tồn đọng trong nhiều năm qua.
Đây cũng là chính sách có tác động mạnh mẽ đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm trong năm 2015 khi tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động, nhiều quy định tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường kinh doanh mở, như rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục do Bộ Tài chính phê chuẩn, không khống chế thời gian đào tạo đại lý, không có điều kiện tăng vốn khi mở chi nhánh... đã được cơ quan này ban hành.
… vẫn còn nhiều việc phải làm
“Dù hoạt động của khối bảo hiểm phi nhân thọ đã có nhiều chuyển biến tích cực trong năm qua, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề phải giải quyết để khối doanh nghiệp này phát triển lành mạnh, bền vững, nâng cao sức cạnh tranh”, ông Phùng Ngọc Khánh, Cục trưởng Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết như vậy tại một cuộc họp với khối doanh nghiệp bảo hiểm khối phi nhân thọ gần đây.
Ví dụ để dẫn chứng cho yêu cầu này là tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp trong ngành bằng cách hạ giá phí dưới chuẩn vẫn tiếp diễn, hợp tác nội khối vẫn còn lỏng lẻo...
Thực tế cho thấy, tình hình cạnh tranh giành giật dịch vụ khách hàng ngày càng gay gắt, tập trung vào bảo hiểm tài sản, bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, bảo hiểm các dự án, bảo hiểm thân tàu... Cạnh tranh hạ phí chủ yếu vẫn là mở rộng điều khoản điều kiện bảo hiểm dưới chuẩn.
Đây là lý do khiến trước đây, rất nhiều mảng nghiệp vụ bị lỗ. Doanh nghiệp hoạt động theo hình thức cổ phần sẽ không có lãi để trả cổ tức cho cổ đông hoặc trả cổ tức thấp và nếu muốn phát triển kinh doanh bảo hiểm, DN phải tăng vốn hoặc bù đắp năng lực tài chính, đảm bảo biên khả năng thanh toán bằng vốn pháp định dẫn đến doanh nghiệp hoạt động rất khó khăn. Thậm chí, đã xảy ra tình trạng có doanh nghiệp bị “hụt hơi” trong cạnh tranh, phải cơ cấu lại.
Trong 2016, một loạt các chính sách mới của nhà nước có ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm bắt đầu có hiệu lực. Trong bối cảnh ấy, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ “bộn bề” nhiều việc hơn.
Chẳng hạn như quy định có hiệu lực từ 1/1/2016 liên quan đến việc tách quỹ chủ hợp đồng chủ sở hữu để phân bổ doanh thu hoa hồng chi phí đầu tư; hay tiêu chuẩn chuyên gia tính biên khả năng thanh toán dự phòng nghiệp vụ khiến các doanh nghiệp phải xoay sở gấp về tài chính để đáp ứng yêu cầu.
Thêm vào đó, việc Bộ Tài chính chủ trương xây dựng nghiệp vụ bảo hiểm tài sản công và sẽ có văn bản hướng dẫn thực hiện chi tiết nghiệp vụ này dự báo sẽ làm gia tăng nhu cầu bảo hiểm trong nền kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tăng doanh thu.
Nghị định của Chính phủ hướng dẫn về bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng, trong đó có bảo hiểm công trình xây dựng, bảo hiểm trách nhiệm nhà khảo sát thiết kế và bảo hiểm tai nạn người lao động cũng vừa chính thức được ban hành. Từ đây, cũng đặt ra yêu cầu khắt khe hơn về việc nâng cao năng lực cạnh tranh để đáp ứng yêu cầu bảo hiểm, đặc biệt là cho các công trình lớn.
Doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ năm 2015 ước đạt 31.500 tỷ đồng, tăng trưởng 15% so với năm 2014, đạt mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 5 năm qua.
Chưa kể, đó còn là một số tác động bên ngoài đã và đang ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh bảo hiểm cần sớm hạn chế và chấm dứt trong thời gian tới. Đó là văn hóa mua bảo hiểm theo hướng lựa chọn doanh nghiệp trả hoa hồng cao cho môi giới đại lý. Từ đó dẫn đến trường hợp doanh nghiệp trả không đúng quy định, vượt khung của nhà nước buộc phải hạch toán vòng vo, dẫn đến tăng chi phí, tăng rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp. Đó còn là các tranh chấp về bảo hiểm, theo đó việc xử lý qua tòa án, trọng tài phần nhiều thua thiệt nghiêng về phía DNBH, khiến DN đang gặp khó.
Ngoài ra, đối với bảo hiểm học sinh - sinh viên, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo đột ngột nghiêm cấm các trường học, giáo viên thu hộ phí bảo hiểm thân thể tự nguyện (do các DNBH cung cấp) cũng sẽ tiếp tục khiến các doanh nghiệp phải có động thái ứng xử hợp lý trong thời gian tới.
Trong bối cảnh hội nhập, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ đang được đánh giá là chịu ảnh hưởng mạnh mẽ hơn hẳn so với khối nhân thọ (xét cả về cơ hội lẫn thách thức). Và việc phải làm với khối này đó là làm thế nào để nâng cao năng lực cạnh tranh.
Trong đó, việc thành lập Cộng đồng Kinh tế chung ASEAN (AEC) vào cuối năm 2015 đã dỡ bỏ hàng rào thuế quan và điều kiện hoạt động kinh doanh làm cho nhiều hàng hóa, doanh nghiệp và công dân ASEAN vào hoạt động tại Việt Nam làm gia tăng nhu cầu bảo hiểm, đặc biệt là là bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm hàng hóa vận chuyển.
Hay việc tham gia Hiệp định kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (TPP) sẽ mở rộng phát triển các ngành nghề dệt may, giày da, giao thông vận tải, du lịch, nông nghiệp, phải tái cơ cấu đưa lên sản xuất lớn làm gia tăng nhu cầu bảo hiểm.
Có thể thấy, so với khối nhân thọ, doanh nghiệp phi nhân thọ đang có quá nhiều việc phải làm. Cùng chờ đợi kết quả thực hiện trong năm 2016 này.