Năm 2016, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ phải có chuyên gia tính toán dự phòng nghiệp vụ

Năm 2016, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ phải có chuyên gia tính toán dự phòng nghiệp vụ

Bảo hiểm phi nhân thọ một năm bận rộn với nhiều quy định mới

(ĐTCK) Năm 2015 được đánh giá sẽ là một năm “bận rộn” với các doanh nghiệp bảo hiểm, đặc biệt là khối phi nhân thọ, khi hàng loạt quy định mới liên quan đến khối này sẽ có hiệu lực ngay từ đầu năm.
 

Quy định mới của Thông tư 194/2014/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 124 và Thông tư 125 về các quy định của bảo hiểm vừa được Bộ Tài chính ban hành có hiệu lực từ đầu năm 2015 sẽ buộc các doanh nghiệp bảo hiểm, đặc biệt là các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, phải “chạy nước rút” để hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu bảo hiểm khai thác, quản lý khách hàng, quản lý đối tượng được bảo hiểm, quản lý đại lý môi giới, giám định bồi thường…

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng yêu cầu, đến đầu năm 2016, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ phải có chuyên gia tính toán dự phòng nghiệp vụ. Thời gian để chính thức áp dụng quy định này không còn nhiều, do đó, ngay từ năm 2015, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ cũng cần chuẩn bị hệ thống thông tin đầy đủ, để phục vụ cho hoạt động của chuyên gia tính toán.

Liên quan đến quy định các cơ quan chức năng sẽ chú trọng kiểm soát sau, không hạn chế số lượng chi nhánh của công ty bảo hiểm và bỏ yêu cầu tăng vốn 10 tỷ đồng, cũng có một số ý kiến e ngại rằng, trong năm 2015, các chi nhánh của các công ty bảo hiểm sẽ phát triển mạnh, tính cạnh tranh sẽ gay gắt hơn vì chi nhánh có quyền gần như một công ty bảo hiểm.

Trao đổi với ĐTCK về việc quy định này có thể khiến chi nhánh các công ty bảo hiểm phi nhân thọ “mọc lên như nấm sau mưa”, dẫn đến tình trạng cạnh tranh khó kiểm soát, đại diện một công ty bảo hiểm phi nhân thọ cho rằng, trước đây cũng đã có tình trạng các công ty bảo hiểm trong nước đua nhau mở nhiều chi nhánh để chiếm lĩnh thị phần, nhưng sau một thời gian, việc kinh doanh không có hiệu quả, bộ máy cồng kềnh gây tốn kém, nên tự các công ty này lại ào ạt đóng cửa.

“Dù quy định mở chi nhánh có dễ dàng hơn, nhưng các công ty bảo hiểm cũng phải cân nhắc kỹ việc có nên mở thêm chi nhánh khi thị trường cạnh tranh ngày càng gay gắt, vấn đề hiệu quả luôn được đặt lên hàng đầu”, vị đại diện trên nhìn nhận.

Thực tế, một năm trở lại đây, không chỉ các công ty bảo hiểm phi nhân thọ nhỏ hoạt động chưa hiệu quả, phải cắt giảm chi nhánh, tinh gọn bộ máy, mà ngay cả những thương hiệu bảo hiểm lớn trên thị trường cũng liên tục rà soát cho đóng cửa hoặc quyết định sát nhập nhiều chi nhánh bảo hiểm làm ăn không hiệu quả hoặc không thực sự cần thiết. Một số chi nhánh, văn phòng mới vẫn “mọc” lên, nhưng hầu hết là của các công ty bảo hiểm phi nhân thọ “mới nổi”, có nhu cầu mở rộng thị trường ở những nơi thương hiệu của doanh nghiệp chưa có hoặc còn ít sự hiện diện. 

Khó khăn kinh tế là yếu tố quan trọng khiến các doanh nghiệp bảo hiểm buộc phải tái cơ cấu hoạt động kinh doanh cho hiệu quả hơn. Tuy nhiên, ngoài yếu tố khách quan này, thì theo Thông tư 195/2014/TT-BTC quy định tiêu chí đánh giá xếp hạng doanh nghiệp bảo hiểm, một số doanh nghiệp có thể gặp nhiều bất lợi khi không được xếp hạng cao.

Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, những trường hợp kết quả kinh doanh nghiệp vụ bảo hiểm trong 2 năm tài chính liên tiếp bị thua lỗ, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ phải báo cáo Bộ Tài chính về thực trạng, nguyên nhân, nguy cơ và thực hiện phương án theo yêu cầu của Bộ Tài chính. Quy định này đòi hỏi các doanh nghiệp bảo hiểm phải nắm bắt và điều chỉnh phí bảo hiểm, chi phí khai thác, chi phí quản lý ngay năm đầu tiên khi phát hiện nghiệp vụ bảo hiểm có thua lỗ, để tránh tình trạng tiếp diễn 2 năm liên tục thua lỗ phải báo cáo Bộ Tài chính.

Muốn làm được việc trên, người quản trị điều hành phải được cung cấp các báo cáo quản trị tài chính kết xuất từ hệ thống cơ sở dữ liệu của doanh nghiệp bảo hiểm với từng nghiệp vụ hàng tháng, quý, năm, để có những quyết định điều chỉnh kịp thời, hiệu quả… Những quy định chặt chẽ như vậy cũng sẽ giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn.

Tin bài liên quan