10 tháng đầu năm tăng 5,06%
Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, tính đến hết tháng 10/2020, doanh thu thị trường bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 45.802 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 5,06%, bồi thường 16.091 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường khoảng 35,13% (chưa bao gồm dự phòng bồi thường).
Nghiệp vụ có tỷ trọng doanh thu cao nhất, chiếm 32%, là bảo hiểm sức khỏe con người chỉ tăng khoảng 1%; giá trị bồi thường 4.311 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường khoảng 30% (chưa bao gồm dự phòng bồi thường).
Nghiệp vụ có tỷ trọng doanh thu cao nhất là bảo hiểm sức khỏe con người chỉ tăng trưởng khoảng 1% tính đến tháng 10/2020.
Nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe bao gồm 3 dòng sản phẩm chính: Bảo hiểm chăm sóc sức khỏe, bảo hiểm tai nạn và bảo hiểm y tế. Trong đó, bảo hiểm chăm sóc sức khỏe duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, gần 70%, chủ yếu là do tâm lý lo sợ trước dịch bệnh nên nhiều người ưu tiên mua dòng sản phẩm này để bảo vệ gia đình.
Ngược lại, dòng sản phẩm bảo hiểm tai nạn tăng trưởng âm 10%. Do tỷ trọng của dòng sản phẩm bảo hiểm tai nạn lớn (chiếm 16% tổng doanh thu toàn thị trường) nên ảnh hưởng đến mức tăng trưởng chung của nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe con người.
Đứng thứ hai về tỷ trọng doanh thu là bảo hiểm xe cơ giới, chiếm 30,25%, đạt 13.853 tỷ đồng, tăng khoảng 4% và tỷ lệ bồi thường là 46%.
Thu nhập của người dân giảm sút do Covid-19 khiến doanh thu của các dòng xe bán ra sụt giảm, kéo theo nhu cầu mua bảo hiểm xe cơ giới giảm, 6 tháng đầu năm tăng trưởng âm.
Đợt tổng kiểm soát phương tiện giao thông cơ giới đường bộ từ ngày 16/5 đến 15/6/2020 đã thúc đẩy nhu cầu mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới, doanh thu bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới đạt 3.639 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 8%, tăng trưởng 17%, tỷ lệ bồi thường 17%.
Tuy nhiên, sự sụt giảm của doanh số bán xe mới cũng như việc hạn chế đi lại trong đại dịch Covid-19 khiến doanh thu bảo hiểm ô tô tự nguyện chiếm tỷ trọng 22% trên tổng doanh thu tính đến hết tháng 10 mới đạt 10.214 tăng được 1%.
Các nghiệp vụ bảo hiểm còn lại như bảo hiểm tài sản thiệt hại doanh thu đạt 6.197 tỷ đồng chiếm tỷ trọng 13.53%, tăng trưởng 13%; bảo hiểm cháy nổ doanh thu đạt 5.288 tỷ đồng chiếm tỷ trọng khoảng 11.55%, tăng 18%; bảo hiểm hàng hóa vận chuyển doanh thu đạt 1.870 tỷ đồng chiếm tỷ trọng 4.08%, giảm 12%; bảo hiểm thân tàu và trách nhiệm dân sự chủ tàu doanh thu đạt 1.740 tỷ đồng chiếm tỷ trọng 4%, tăng trưởng 3%; bảo hiểm trách nhiệm đạt 890 tỷ đồng tăng trưởng 2%; bảo hiểm hàng không 481 tỷ đồng, giảm 16%; bảo hiểm thiệt hại kinh doanh 191 tỷ đồng, tăng trưởng 18%, bảo hiểm nông nghiệp đạt 32 tỷ đồng, giảm 22% so với cùng kỳ;
Doanh thu thị trường bảo hiểm phi nhân thọ năm nay tăng chậm lại, nhưng điểm tích cực là tỷ lệ bồi thường thấp hơn nhiều so với các năm trước.
Theo số liệu của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, tính đến hết tháng 10/2020, tỷ lệ bồi thường khoảng 35,13% (chưa bao gồm dự phòng bồi thường).
Trong đó, tỷ lệ bồi thường xe cơ giới là hơn 46% (đây luôn là sản phẩm có tỷ lệ bồi thường cao nhất), các sản phẩm bảo hiểm khác như bảo hiểm chăm sóc sức khỏe, bảo hiểm cháy nổ, bảo hiểm thiệt hại tài sản… (trừ bảo hiểm thân tàu và trách nhiệm dân sự chủ tàu) có tỷ lệ bồi thường khoảng 30% (không bao gồm dự phòng bồi thường).
Chính nhờ tỷ lệ bồi thường được xem là ở mức “tốt” nên các doanh nghiệp bảo hiểm vẫn “sống khỏe” trong bối cảnh Covid-19.
Điều chỉnh mục tiêu và chuyển hướng kinh doanh
Tự tin với những thành công của năm 2019 nên các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ có tâm thế lạc quan khi xây dựng kế hoạch kinh doanh năm 2020. PTI đặt mục tiêu đạt 6.250 tỷ đồng doanh thu, tăng 10%, 2 sản phẩm trọng tâm vẫn là bảo hiểm xe cơ giới và bảo hiểm con người (chiếm hơn 50% tổng doanh thu).
Trong khi đó, Bảo hiểm Bảo Việt đặt mục tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng khoảng 10% như năm 2019, còn Bảo Minh dự kiến các chỉ tiêu kinh doanh năm 2020 sẽ tăng so với năm 2019.
Tuy nhiên, dịch Covid-19 xuất hiện đã làm thay đổi kế hoạch kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bảo hiểm, buộc các doanh nghiệp phải điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới.
Cụ thể, Bảo Minh điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2020 với chỉ tiêu doanh thu 3.895 tỷ đồng, bằng 85% năm 2019; lợi nhuận trước thuế 188 tỷ đồng, bằng 85,2% năm 2019 (nhưng đến hết tháng 11/2020 Bảo Minh đã hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2020 với doanh thu đạt 4.613 tỷ đồng, đạt 100,44% kế hoạch).
Trong khi đó, PJICO đặt mục tiêu doanh thu 3.468 tỷ đồng, bằng 95% năm 2019. BIC đặt mục tiêu doanh thu năm nay ở mức 2.425 tỷ đồng, tăng khoảng 7%.
Để bù đắp khoản doanh thu sụt giảm từ nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm nỗ lực thúc đẩy bán các sản phẩm khác như bảo hiểm tài sản thiệt hại doanh thu, bảo hiểm cháy nổ, bảo hiểm sức khỏe, trong đó có bảo hiểm sức khỏe người vay vốn.
Covid-19 cũng khiến các doanh nghiệp bảo hiểm tập trung đầu tư công nghệ, nâng cao chất lượng dịch vụ bán hàng.
Chẳng hạn, PTI liên kết với các công ty công nghệ để bán sản phẩm cũng như cho ra mắt nhiều ứng dụng công nghệ mới. Gần đây nhất, đầu tháng 11/2020, PTI ra mắt ứng dụng di động PTI - Giám định viên dành riêng cho các giám định viên trên toàn hệ thống, tích hợp tất cả các bước giám định, bao gồm hướng dẫn khách hàng thu thập hồ sơ, biểu mẫu, giấy tờ; chụp ảnh giám định xe tại hiện trường và gara; lấy biểu phí sửa chữa xe và duyệt giá sửa chữa xe với khách hàng…
Hay VBI cho ra đời ứng dụng My VBI với các tính năng, tiện ích, hỗ trợ khách hàng như mua bảo hiểm trực tuyến, tái tục bảo hiểm, khai báo bồi thường, chụp ảnh tổn thất xe cơ giới tại hiện trường, hướng dẫn bồi thường bảo hiểm, truy vấn thông tin bồi thường bảo hiểm, tra cứu giấy chứng nhận và hóa đơn điện tử…
Covid-19 đã và đang trở thành động lực để các doanh nghiệp bảo hiểm thay đổi, đẩy nhanh việc cải tiến hoạt động, đổi mới công nghệ, phương thức kinh doanh, nâng cao chất lượng dịch vụ bán hàng…
Ông Đoàn Kiên, Phó tổng giám đốc PTI cho rằng, khi mức phí cũng như các sản phẩm bảo hiểm, mạng lưới kênh phân phối giữa các doanh nghiệp không có quá nhiều sự khác biệt thì chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng phải được đặt lên hàng đầu để thu hút và giữ chân khách hàng.
Giai đoạn hiện nay là thời điểm để doanh nghiệp tạo ra lợi thế cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ, đón đầu cơ hội trong những năm tới.
Tốc độ tăng trưởng sẽ khả quan hơn
Sản phẩm bảo hiểm chăm sóc sức khỏe được kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh do những lo ngại về các dịch bệnh nguy hiểm đang có xu hướng gia tăng trên toàn cầu. Với dân số gần 100 triệu người hiện nay, tiềm năng của sản phẩm bảo hiểm con người tại Việt Nam là rất lớn.
Bên cạnh đó, sau dịch Covid-19, người dân quan tâm và ý thức được tầm quan trọng của bảo hiểm hơn so với trước, từ đó sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng của nhóm bảo hiểm con người.
Ngoài ra, sự gia tăng đầu tư và dịch chuyển cơ sở sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia cũng như dòng tiền được Chính phủ bơm ra để hỗ trợ phát triển kinh tế sẽ tạo cơ hội tăng trưởng cho nhiều doanh nghiệp và các dịch vụ công, mở ra cơ hội cho nghiệp vụ bảo hiểm tài sản kỹ thuật.
Với sản phẩm bảo hiểm xe cơ giới, các hãng bảo hiểm hy vọng sẽ có mức tăng trưởng tốt hơn, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 70/2020/NÐ-CP quy định mức thu lệ phí trước bạ lần đầu giảm 50% đối với xe ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc từ ngày 28/6 đến 31/12/2020.
Các yếu tố trên cùng với nỗ lực đa dạng hóa sản phẩm, đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng cũng như giảm thiểu chi phí, thêm vào đó là kinh nghiệm ứng biến trước tác động của Covid-19… có thể giúp các doanh nghiệp bảo hiểm tăng trưởng cao hơn trong năm sau.
Nhiều chuyên gia nhận định, năm 2021, rất khó để các doanh nghiệp lấy là được đà tăng trưởng của giai đoạn trước Covid-19, nhưng chắc chắn, tốc độ tăng trưởng sẽ khả quan hơn năm 2020.